Tướng Giáp trong đêm đưa ra quyết định định mệnh cho lịch sử. (Ảnh: Đạo diễn Hà Bắc cung cấp).

Tướng Giáp trong đêm đưa ra quyết định định mệnh cho lịch sử. (Ảnh: Đạo diễn Hà Bắc cung cấp).

Đạo diễn Hà Bắc là người đầu tiên ở Việt Nam làm phim hoạt hình 3D và đã lập tức nổi tiếng với tác phẩm “Giấc mơ của ếch xanh” (năm 2005). Anh cũng đã vinh dự nhận nhiều giải thưởng trong các liên hoan phim và được giới chuyên môn đánh giá là đạo diễn phim hoạt hình tiêu biểu của nước nhà.

Bộ phim hoạt hình 3D về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang tên “Quyết định lịch sử” của đạo diễn, họa sỹ Hà Bắc đã hoàn thành sau hơn hai năm dốc sức dàn dựng. Bộ phim này đã được anh và đoàn làm phim tặng lại cho gia đình Đại tướng.

Tuy chưa được phát hành nhưng bộ phim được những người trong cuộc và giới chuyên môn trân trọng ghi nhận.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn, họa sỹ Hà Bắc xung quanh bộ phim hoạt hình 3D về vị tướng tài ba.

- Được biết anh đã kết hợp với một số doanh nghiệp làm bộ phim hoạt hình 3D về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Xin hỏi anh đâu là khởi nguồn của kế hoạch làm bộ phim đặc biệt này?

Đạo diễn Hà Bắc: Tôi là người làm phim hoạt hình đã lâu năm. Bộ phim “Quyết định lịch sử” này do tôi kết hợp với một doanh nghiệp là Tổng công ty HIPT sản xuất.

Giám đốc của Tổng công ty này là ông Võ Văn Mai đã cùng tôi thành lập một công ty làm các mặt hàng cho các hãng game ở nước ngoài. Trong đó, có mảng phim chiến tranh. Lúc chúng tôi thiết kế hình ảnh người lính, súng đạn, ô tô, xe tăng… tôi đã nghĩ trong đầu là mình sẽ phải làm phim về cuộc cách mạng vĩ đại của Việt Nam.

Đến khi thấy điều kiện đã chín muồi, chúng tôi đã quyết tâm làm phim về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài không chỉ được kính nể ở Việt Nam mà còn được thế giới ngưỡng mộ bởi vậy ông còn là niềm tự hào của cả dân tộc.

Đã có những phim tài liệu, thơ ca… về tướng Giáp nhưng ở Việt Nam chưa có một bộ phim hoạt hình nào về vị tướng tài ba ấy. Vậy nên, chúng tôi đã tiên phong làm việc này bằng tất cả tình yêu của mình dành cho Đại tướng.

- Vậy, anh có thể giới thiệu đôi chút về phim hoạt hình “Quyết định lịch sử” để những người chưa được xem có thể hình dung được?

Đạo diễn Hà Bắc: Bộ phim nói về chiến công thầm lặng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông tài ba và dũng cảm đưa ra quyết định then chốt vào đêm 25/1/1954.

Khi ấy, ông nhận được lệnh phải tấn công nhưng vì thấy quân ta lúc bấy giờ chưa đủ khả năng để tấn công tổng lực chống lại phản pháo, máy bay, xe tăng… của địch nên ông đã linh hoạt quyết định lui quân.

Nhờ có quyết định sáng suốt này mà ta đã bảo toàn được quân sĩ để rồi sau đó làm nên trận Điện Biên Phủ vẻ vang.

Bên cạnh đó, trong phim còn có những tấm gương hy sinh đầy quả cảm của một Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, một Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, một Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo… Hay những hình ảnh đầy gian khổ của quân sĩ cũng như sự khốc liệt của cuộc chiến tranh.

- Anh gặp khó khăn gì khi chỉ có hơn 19 phút phim để truyền tải sự cam go, khốc liệt trong trận chiến Điện Biên Phủ cũng như chiến thuật quân sự tài ba và nhân cách cao đẹp, tấm lòng nhân hậu, thương quân của vị Đại tướng lừng danh?

Đạo diễn Hà Bắc: Là phim hoạt hình nên thời gian bao giờ cũng ngắn, vì thế chúng tôi phải lựa chọn những hình ảnh đắt giá.

Riêng việc xây dựng hình ảnh tướng Giáp, chúng tôi đã phải thiết kế nhiều hình mẫu như tướng Giáp thời trẻ của năm 1954, tướng Giáp khi về già, tướng Giáp lúc suy tư, tướng Giáp khi ra trận… Chúng tôi phải tỉ mỉ từ khung xương, làn da đến mái tóc của ông.

Chúng tôi dựng lên hình ảnh tướng Giáp mang dáng dấp của người nghệ sỹ đầy lòng yêu thương và nhân hậu, nhất là lúc ông đứng trước quyết định rút quân định mệnh. Bên cạnh đó là một tướng Giáp dũng mãnh, oai hùng, vung tay chỉ đạo đầy tự tin trong trận chiến như tiếp thêm sức mạnh cho quân sĩ.

Tuy nhiên, những tư liệu về tướng Giáp lúc trẻ chúng tôi không có nhiều nên đã rất khó khăn trong việc tạo hình.

- Có phải vì vậy mà anh mất đến hơn 2 năm để hoàn thành bộ phim này?

Đạo diễn Hà Bắc: Đúng vậy, nhưng ngoài ra, làm phim hoạt hình 3D phải qua nhiều công đoạn nên mất nhiều thời gian.

Đoàn chúng tôi có đến ba, bốn chục họa viên tham gia tạo nhân vật, các quân trang, chiến trường… Trong đó, có tới 20 họa viên là lực lượng chủ chốt vậy mà vẫn phải mất đến hơn hai năm mới hoàn thành bộ phim này.

- Được biết, anh đã công phu tìm kiếm tư liệu và những chuyến đi thực tế về vùng Điện Biên xa xôi… rồi tỉ mỉ với từng chi tiết để tác phẩm của mình có chiều sâu và gây xúc động. Điều này có phải do tính cầu toàn của anh?

Đạo diễn Hà Bắc: Làm phim 3D cứ “xẩy một li là đi một dặm” nên phải cẩn thận, kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, để có được tư liệu làm phim, chúng tôi phải lùng sục tới các bảo tàng, lên tận Điện Biên, tới các lán nơi tướng Giáp đã làm việc, lên đỉnh đồi A1, xuống hầm Des castries… để ghi chép, chụp ảnh làm tư liệu.

- Cuối phim, hình ảnh tướng Trần Hưng Đạo, người anh hùng áo vải Quang Trung, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp hóa thành những bức tượng. Anh có chủ ý gì khi chọn cái kết độc đáo này?

Đạo diễn Hà Bắc: Hình ảnh Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hồ Chủ tịch và tướng Giáp hóa thành những bức tượng là bởi đây là những nhân vật lịch sử lừng danh, có công lớn với đất nước, là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, họ xứng đáng được ghi tạc đến muôn đời.

Kết phim tôi còn đưa vào lời nói của nhiều vị tướng là, nếu không có quyết định sáng suốt của tướng Giáp thì trận chiến sẽ còn kéo dài và nhiều vị tướng sẽ không có mặt trong ngày chiến thắng.

Tôi muốn gửi đến các bạn trẻ thông điệp rằng họ hãy biết về chiến công thầm lặng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhớ đến công lao của các bậc anh hùng và đó cũng là những tấm gương để các bạn học tập trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

- Xin trân trọng cảm ơn anh!

 

                                                                   Theo TTXVN


Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục