Chuyện trao giải thưởng, danh hiệu nghệ sĩ là tôn vinh những đóng góp của văn nghệ sĩ cho nền văn học nghệ thuật (VHNT) nước nhà. Những tưởng những thành tựu đó, những nghệ sĩ đó sẽ được vinh danh trong sự tôn trọng của đồng nghiệp, bạn bè. Nhưng than ôi, nhiều người buồn bã bảo, cứ mỗi kỳ xét duyệt, không khí ở một số hội cũng chẳng kém gì cuộc mổ trâu, mổ bò!

Tôn vinh hay hạ bệ?

Từ năm 1990, Việt Nam mới bắt đầu thực hiện việc trao Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các văn nghệ sĩ tài năng có những thành tựu xuất sắc, có nhiều cống hiến cho nền VHNT của đất nước, những tác phẩm của họ trở thành tài sản của dân tộc. Cuộc trao giải lần thứ nhất gần như là sự tổng kết thành tựu từ năm 1945 và đương nhiên, những cây đa cây đề xây dựng nền móng cho nền VHNT cách mạng nước nhà hoàn toàn xứng đáng. Cuộc bầu chọn, tôn vinh lần đó suôn sẻ, êm đẹp.

Cứ theo cách hiểu nôm na của nhiều người thì Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh là để tôn vinh thành tựu nghệ thuật của một cá nhân nào đó có giá trị đối với nhân dân, với văn hóa của dân tộc. Tiêu chí của mỗi loại giải thưởng có sự khe khắt khác nhau và đây là giải thưởng danh giá nhất của nghệ sĩ về những cống hiến của mình.

Có thực tế đáng buồn là nghệ sĩ ta ít khi phục tài nhau, có người bảo như thế mới là cá tính nghệ sĩ, nhưng cũng chính điều đó làm rầu lòng đồng nghiệp. Đợt xét tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2, Bộ Văn hóa thông tin nhận 125 đơn thư khiếu kiện và đợt 3 này, các hội chuyên ngành nghệ thuật cũng căng thẳng cả vài tháng nay. Đợt trước, người ta vẫn chưa quên vụ 4 ông đại tá, nhạc sĩ  đi kiện một vị chủ tịch hội khi ông có tên trong danh sách đề cử xét Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đợt 3 này, cũng Hội Nhạc sĩ lại đang xôn xao chuyện 5 ông nhạc sĩ có hạng kiện lãnh đạo Hội vì không có tên trong danh sách đề cử xét Giải thưởng Nhà nước. Thế rồi nhân đó, chuyện của vị này vị kia trong lãnh đạo Hội lại bị xới lên, dù nó đã xảy ra một vài năm trước đó… Thói đời chuyện bì tị là lẽ thường tình. Mỗi dịp bình chọn người ta lại có dịp “bới lông tìm vết” nhau.

Mấy tháng nay, báo chí đã tốn không ít giấy mực cho những vụ kiện tụng, kiến nghị, tố giác về người này người kia. Cuộc gặp gỡ giữa Bộ VH-TT&DL với báo giới mới đây (11/8) đã có lúc trở thành cuộc đối thoại khá gay gắt về những trường hợp cụ thể. Nhạc sĩ Lê Lan - người từng bị kỷ luật vì đạo nhạc nhưng vẫn được hội đồng cấp bộ thông qua xét Giải thưởng Nhà nước bị đặt lên bàn chất vấn. Lý giải của ông Nguyễn Hải Anh  - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng rằng: “Tuy nghệ sĩ đã có lúc sai lầm, nhưng sau đó ông tự vượt qua, tiếp tục cống hiến để lại những tác phẩm có giá trị” cũng chưa làm mọi người thỏa đáng vì cho rằng trong khi đó còn nhiều nghệ sĩ tài năng bị bỏ qua. Rồi chuyện của nhạc sĩ Hoàng Hà – tác giả của các ca khúc Đất nước trọn niềm vui, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Cùng hành quân giữa mùa xuân… - lẽ ra đề nghị xét Giải thưởng Nhà nước thì đã xong, nhưng nhạc sĩ nộp hồ sơ xin xét Giải thưởng Hồ Chí Minh nên không đủ tiêu chuẩn. Lĩnh vực điện ảnh, câu chuyện lình xình giữa đạo diễn Nguyễn Thước với hai nhà biên kịch Phan Huyền Thư, Phan Thanh Tú cũng đã đi đến hồi kết cuộc với việc hội đồng rút hồ sơ xét Giải thưởng Nhà nước của đạo diễn Nguyễn Thước… Cứ mỗi cuộc bình xét, bao nhiêu chuyện “thâm cung bí sử” của các hội lại một lần được phơi bày trước bàn dân thiên hạ. Chợt nhớ, người đời từng nói: phàm việc gì cũng nên giữ lại chút ân tình, hầu sau này còn dễ thấy mặt nhau.

 Đại diện Bộ VHTTDL trong buổi gặp gỡ báo chí.

Cần có những thay đổi trong qui chế xét giải

Về việc xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, danh hiệu NSND, NSƯT trong lĩnh vực VHNT đã có Thông tư 03, 06 của Bộ VH-TT&DL, nhưng xuất phát điểm của mọi ý kiến, kiến nghị thời gian qua chính là vì thông tư có nhiều điểm không rõ ràng. Điều đó đã khiến nhiều nghệ sĩ tài năng, tâm huyết với nghề, có nhiều cống hiến đã không có cơ hội lọt vào danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, xét Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Làm thế nào để tôn vinh mà không bỏ sót các nghệ sĩ tài năng, có nhiều cống hiến cho nghệ thuật là câu hỏi mà báo chí chất vấn đại diện lãnh đạo Bộ VH-TT&DL trong buổi gặp gỡ với báo chí. Chính Thứ trưởng Lê Khánh Hải thừa nhận: “Đi vào từng vấn đề cụ thể, thông tư có nhiều điểm qui định chưa rõ ràng”. Ông cũng nói thêm rằng, sau đợt xét tặng, chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với các bộ, ban ngành, tiếp tục hoàn thiện thông tư hướng dẫn. Bộ cố gắng làm tốt thông tư hướng dẫn, còn mọi qui định về giải thưởng thuộc về luật phải tuân thủ, chỉ thay đổi khi Quốc hội họp và có ý kiến. Như vậy là vấn đề xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, xét danh hiệu NSND, NSƯT trong lĩnh vực VHNT xem ra vẫn còn nhiều nan giải.

Sau khi xét từ hội đồng cơ sở, đến nay, hội đồng cấp bộ, ngành, tỉnh đã nhận được 17 hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 196 hồ sơ đề nghị xét Giải thưởng Nhà nước, 96 hồ sơ đề nghị xét NSND, 419 hồ sơ đề nghị xét NSƯT. Bộ VH-TT&DL sẽ tổ chức 14 hội đồng chuyên ngành để xét, tư vấn cho hội đồng cấp Nhà nước về các hồ sơ trên.

5 năm một lần xét tặng giải thưởng, danh hiệu nghệ sĩ chứng tỏ sự quan tâm của Nhà nước đến những đóng góp của văn nghệ sĩ, nhưng cứ mỗi lần tôn vinh lại một lần “bới lông” nhau thì cũng thật đáng buồn. Nếu nghệ sĩ có tài, có thành tựu thực sự thì cả xã hội đều biết, thậm chí có nghệ sĩ tự trọng còn không làm đơn “xin”. Sau 2 đợt xét trước, có vẻ như đã cạn kiệt tác giả, tác phẩm đủ tiêu chuẩn với giải thưởng danh giá này. Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến quá bức xúc đã lên tiếng: “Nếu không có tác phẩm xứng đáng, hãy thôi trao giải” liệu có được ai đồng tình?.

 

                                                                            Theo Báo SKĐS

        

Các tin khác


Âm nhạc Hòa Bình - những nốt thăng đáng mừng

Với những nhạc sĩ, thi sĩ và những người yêu âm nhạc ở Hòa Bình, năm 2023 được xem là một mùa bội thu: nhiều tác phẩm được sáng tác mới, nhiều tác phẩm đạt giải cao trong các kỳ liên hoan, cuộc thi khu vực do các tỉnh và Trung ương tổ chức.

Huyện uỷ Lạc Sơn gặp mặt những người làm công tác bảo tồn văn hoá truyền thống 

Ngày 15/3, Huyện uỷ Lạc Sơn tổ chức gặp mặt các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, thực hành và báo chí, truyền thông về công tác bảo tồn văn hoá truyền thống dịp Xuân Giáp Thìn 2024. 

Festival phở năm 2024: Sức hấp dẫn của phở Việt

Phở là món ăn truyền thống lâu đời của người Việt. Phở được nhiều đầu bếp, chuyên gia, tạp chí quốc tế công nhận là một trong số các món ăn hấp dẫn trên toàn cầu.

Phường Dân Chủ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) có trên 35% dân số là người dân tộc Mường. Thời gian qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, phường luôn quan tâm công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Qua đó góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kiểm tra công tác triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” tại huyện Lạc Sơn

Ngày 13/3, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023-2030 tại huyện Lạc Sơn.

Huyện Lương Sơn đón bằng di tích lịch sử cấp tỉnh đình Sấu Thượng, xã Thanh Cao

UBND huyện Lương Sơn vừa tổ chức Lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đình Sấu Thượng, xã Thanh Cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục