Không có vốn để mua một gian hàng bán hoa ở chợ, chị quen gánh chúng trên đôi vai thon nhỏ của mình đi khắp phố này, chợ kia. Chị chưa hình dung ra cái nghề nào khác, khi mà gánh hàng hoa vẫn cho chị thu nhập đều đặn mỗi ngày.  

 

Bây giờ thiên hạ có đời sống sung túc hơn trước nhiều nên hiếu nghĩa cũng từ đó thăng hoa. Ngày 30, rằm, mùng 1, họ đua nhau mang lễ vật lên chùa lễ bái. Hoa là sản vật không thể thiếu trên mâm lễ của những ngày này. Ngoài ba mươi, rằm, mồng một thì giỗ chạp, hiếu, hỷ, sinh nhật, tang ma, hoa vẫn là thứ chẳng bao giờ thiếu. Hoa càng đẹp, càng đắt tiền thì càng trịnh trọng. Với chục năm nghề, chị biết lễ nào cần hoa gì mà có cách thu mua, trữ trước. Chẳng hạn như ngày tình yêu, nhất thiết phải là hoa hồng, ngày Hiến chương nhà giáo cũng thế nhưng có hoa ly thì trang trọng hơn nhiều bởi vì hoa ly có hương thơm, có nhiều màu để nhắn gửi, tâm tình. Còn ngày Tết thì khỏi phải nói, thượng vàng hạ cám đều bán được. Từ rẻ tiền như hoa vạn thọ, bất tử đến bậc trung như cúc, layơn hay cao cấp như hoa mai, hoa đào, hoa ly. Mỗi loại hoa, người ta dùng vào một việc. Chẳng hạn, cúng đưa rước ông bà Táo hay cúng giao thừa thì người ta dùng vạn thọ, cúc, layơn bởi cúng xong là vất. Chúng cũng không mất nhiều tiền. Nhà giàu bây giờ cũng không ai phung phí quá tay. Ngược lại, họ có kế hoạch thu chi sát sao hơn. Thế cũng tốt, của rẻ bán được nhiều, chị vui lòng chiều chuộng tất cả mọi loại thượng đế, miễn là họ không quá khắt khe khi mở hầu bao.

 

Chị sinh ra và lớn lên trên thành phố này, thành phố hoa nổi tiếng của cả nước và khu vực Đông Nam á. Gia đình chị có nghề trồng hoa từ nhiều đời truyền lại và sở hữu một giống hoa mà không ai có. Đó là công lao của ông nội chị ngày trước làm ở Viện Hạt nhân chiếu xạ lên hạt mà thành. Có thể là ngẫu nhiên chăng, khi mà ngoài vườn hoa của ông nội chị ra thì không ai có được sắc hoa hồng xanh lơ màu trời như thế. Người ta đã tung hình ảnh chúng lên mạng, có nhiều người xem và tìm mua. Mua cắm chơi thôi chứ không làm giống được, không ghép mầm được bởi thủ thuật khéo léo và bí truyền của gia đình nên màu hoa quý hiếm này chỉ duy nhất có ở vườn chị. Vườn hẹp, công chăm sóc, gieo trồng cũng không cần nhiều người. Tháp, ghép cây phải có kỹ năng, đa phần là đàn ông đảm trách. Chị chỉ giúp nhổ cỏ, bón phân khi không có gì làm. Đẹp và duyên dáng là đích ngắm của những gia đình danh giá, có vài nơi ngấp nghé cưới xin nhưng chị đều từ chối. Từ chối đôi ba đám thì thiên hạ cũng nản lòng. Họ đâm ra cáu ghét, thêu dệt đủ chuyện, đủ điều. Mặc ai nói gì thì nói, chị sống cho mình. Cây ngay đâu sợ chết đứng. Tuổi xuân cứ thế dần trôi về phía nhỡ nhàng. 25, 26 tuổi, tháng năm chờ đợi cũng đã mỏi mòn, lắm lúc cũng làm cho chị bối rối.

 

Người thanh niên ấy, mối tình đầu ấy đến với chị thật tình cờ. êm ái và ngọt ngào như làn hương hoa tinh khiết. Đó là một ngày hè, cách đây dăm năm, người thanh niên ấy tìm đến nhà để học nghề, học bí quyết làm cho hoa nở theo ý mình và cũng để hoàn thành luận án thạc sĩ nông nghiệp gì đó. Tuy rất hiếu khách nhưng ông nội chị không thể không đề phòng kẻ hiểm ác, biết đâu đây là kế của ai đó nhắm vào giống hoa hồng xanh quý hiếm của nhà ông. Nhưng rồi, chàng trai ấy siêng năng tới lui han hỏi và với bản tính thật thà, chất phác của người miền Trung, nghèo nhưng trong sạch. ông nghiệm ra rằng, cái vùng quê nắng gió bão bùng khắc nghiệt đó, không thể là đất hứa cho giống hoa hồng đỏng đảnh nhưng kiêu sa này nảy nở, sinh sôi.

- Anh vẫn ở khách sạn hay chỗ họ hàng?

- Dạ, nhà trọ ông à.

- Có tiện nghi không?

- Dạ, cũng được, cháu quen rồi, gần 10 năm ngồi ghế sinh viên mà ông.

- Lâu thế à?

- Dạ, nhưng có được tấm bằng thạc sĩ đích thực thì người ta mới trọng dụng,  ông à. Bây giờ kỹ sư, cử nhân nhiều quá, xin việc không dễ mà không thân không thế như gia đình cháu thì chỉ xếp xó đứng nhìn.

ông rót cho chàng ta ly nước và cẩn thận lắng nghe.

- Cái luận án cháu theo đuổi về đề tài hoa hồng xanh này không liên quan gì đến quê cháu ông ạ, nó là một luận án hay mà người phản biện ít có khả năng bắt bẻ. Cháu muốn đem khoa học về giúp cho đồng bào miền Trung nghèo khó của cháu sung túc hơn lên thôi. Bây giờ, cháu gọi điện về nhà để ông trò chuyện cùng gia đình cháu nhé, gia đình cháu chỉ có điện thoại bàn thôi.

- Khỏi cháu ạ, ta tạm tin cháu. Ta sẽ chỉ cháu cụ thể từng công việc, từng công đoạn để làm ra giống hoa quý hiếm này. Có những chỗ phải chi tiết, có những chỗ phải khái quát, chẳng hạn như công đoạn chiếu xạ hạt, công đoạn tạo hạt... Cháu sẽ ghi chép và sắp xếp bài viết cho có hệ thống. Nghĩa là phải làm từ đầu. Chiều nay, cháu ở lại ăn cơm với ta, ta sẽ chỉ cho cháu cách làm cho hoa nở theo ý mình.

- Vâng ạ, cháu xin nghe lời ông.

Bữa cơm đãi khách có thịt luộc, có cá rán, có rau củ quả xôm trò. ông mời chàng trai ly rượu, chàng khéo léo từ chối làm ông nửa tin, nửa ngờ.

- Cháu không biết uống rượu thật à.

- Thưa có, nhưng không nhiều ông ạ, một ly nhỏ là mặt đỏ như con gái, ngượng lắm.

Vừa nói, vừa đưa mắt van nài nhìn chị. Cái nhìn của chàng trai ấy đã làm cho chị run lên, xao xuyến thật sự. Chị cũng thẹn, má chị cũng ửng hồng. Bữa cơm hôm ấy rất lạ, ngon ơi là ngon nhưng chị không dám ăn nhiều. Phải giữ tiếng con gái chứ, nữ thực như miêu mà, ăn tợn ai mà dám lấy.

 

Thời gian như có phép màu giúp cho người ta xích lại gần nhau. Thấm thoắt,  mà nửa tháng đã trôi qua, công việc anh làm thật nghiêm túc, sành sỏi như một nông dân chính hiệu. ông nội chị có vẻ quý mến chàng trai thật sự, ông chỉ vẽ từng li, từng tí, từ cách chọn cành, cách ghép, cách buộc. ông cho chàng trai tham khảo nhật ký ghi chép tỉ mỉ của ông trước kia, đó là một pho thực nghiệm quý báu. Với thao tác chuyên nghiệp, mầm ghép có thể sống đủ trăm phần trăm. Muốn cho hoa nở ra như ý thì phải canh ngày cắt cành, canh nước và ban đêm bật đèn không cho cây ngủ, đốt cháy giai đoạn sinh trưởng của cây bình thường để có hoa như ý.

Khi đã lĩnh hội thấu đáo công việc và hoàn thành luận án của mình cũng là lúc chàng trai ngỏ lời từ giã. ông nội chị bảo:

- Rảnh rỗi, ghé thăm ông nhé, ông cháu ta còn vài điều chưa nói.

Chàng trai hiểu ông muốn nói gì rồi, với ánh mắt nồng nàn nhìn cháu gái ông mỗi lần chị mang trà ra cho hai người ngoài vườn cũng đủ để ông đoán non, đoán già về tình yêu say đắm của họ. Mấy ngày cuối cùng anh dành thời gian bên chị, bên gánh hàng hoa của chị. Khi thì quả ổi, khi thì ly kem, chị luôn giành phần trả tiền và anh lúc nào cũng đành áy náy. Dễ hiểu thôi, sinh viên mà, lấy đâu ra tiền. Hai người như đôi chim liền cánh không thể rời nhau. Họ hạnh phúc khi nắm tay nhau, khi tựa vai vào nhau để rồi đau đớn khi xa nhau.

- Anh sẽ quay lại nơi này chứ?

- Chắc chắn rồi, chỉ sợ em thay lòng đổi dạ.

- Không đời nào.

Chị hạnh phúc trong vòng tay ấm áp của anh.

3 năm qua rồi, thời gian chờ đợi cũng cạn, ý chí cũng sắp mỏi mòn. Ngày ngày chị vẫn đi về trên con đường cũ, giẫm lên những kỷ niệm êm đềm mà xót xa. Trái ổi cũng không còn thơm giòn như trước, ly kem cũng nhạt nhẽo hương vị, nỗi nhớ hóa thành nỗi buồn. Trong chị, tiếng ve nghe không còn du dương như xưa nữa, hoa phượng rơi đau xé lòng. Nắng mưa bất chợt, những chuyến xe du lịch thưa dần, khách hè đang vơi. Gánh hàng hoa của chị theo đó cũng ế ẩm, cánh hoa úa nhàu, chị thường đi sớm, về khuya. Lâu rồi, chị không hỏi ông nội có ai điện thoại cho mình không. Lâu rồi, cũng không nghe ông nhắc tên người con trai ấy nữa. Có lẽ ông sợ chị buồn. Mâm cơm nguội lạnh, khó nhai, khó nuốt. Bữa ăn của chị chỉ qua loa với lưng chén cơm và canh. Nhẹ nhàng thế nhưng vẫn khó ngủ. Chị thao thức về một miền xa xôi, nơi cánh chim trời bay chưa mỏi. Hôm nay cũng thế, chị tính đi ngủ sớm thì ông nội chị gọi lại:

- Thằng Tân gọi điện cho cháu khi nãy, nó bảo ông nhắn lại cho cháu là nó vừa đi tu nghiệp ở Mỹ về, cuối tuần này nó và mẹ nó sẽ lên đây.

- Thiệt hả nội.

- Cha mày, ông nói láo bao giờ. Hay là cháu gọi điện thoại lại cho nó đi.

- Con có biết số của người ta đâu nội.

- à, quên số đây.

ông chỉ tay lên lốc lịch, nơi ông đã ghi số điện thoại của chàng trai. Chị loay hoay bấm số gọi, khi đầu dây bên kia có người cầm nghe, chị vồn vã:

- Anh đó hả?

- Không, mẹ đây, Nhàn đó phải không con.

- Dạ, thưa bác con đây ạ.

Chị như muốn đứng tim khi nghe tiếng xưng mẹ ngọt ngào. Tiếng xưng ấy, chị đã không được nghe từ lâu lắm, từ khi chị lên 9, lên 10. ôi tiếng gọi thân thương và thiêng liêng ấy một lần nữa tình yêu đã đem đến cho chị. Chị đã khóc sung sướng với người đàn bà xa lạ nơi đầu dây bên kia và chị cũng nhận được lời an ủi, vỗ về của mẹ anh từ đầu dây bên kia. ông nội lặng lẽ ra vườn bật đèn cho hoa để lại chị với khoảng không bao la mà hạnh phúc vừa mới ngập tràn. Chị áp má vào ống nghe điện thoại mà tưởng như áp má mẹ mình. Cảm ơn tình yêu. Chỉ có tình yêu mới có phép màu như thế. Hôm nay là mùng 6, cuối tuần là mùng 10, chắc mùng 10 là ngày tốt. Chị mỉm cười vu vơ.

 

 

 

Truyện ngắn  của  Lê Thị Minh Châu

(1. C5, Nguyễn Trung Trực, 

phường 4, TP. Đà Lạt - Lâm Đồng) 

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục