Số tiền “khổng lồ” dự kiến đầu tư cho dự án xây dựng công trình kiến trúc Bảo tàng Lịch sử quốc gia ở khu vực tây Hồ Tây hiện đang là mối quan tâm của dư luận. Nhưng, đối với các chuyên gia, vấn đề đáng lo ngại ở đây không chỉ là tiền.

 

Ông Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, Dự án xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử quốc gia ở khu vực tây Hồ Tây được Thủ tướng CP phê duyệt năm 2006. Công trình bảo tàng sẽ nằm trong Công viên Hữu Nghị, thuộc địa phận xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội, với tổng diện tích khoảng 10 ha, bao gồm các phần chính: khu vực tưởng niệm danh nhân, toà nhà chính, không gian ngoài trời và các công trình kỹ thuật phụ trợ.

Cho đến thời điểm hiện nay, sau khi thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) - một trong hai đơn vị có phương án đoạt giải nhất từ cuộc thi thiết kế kiến trúc Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức - tiến hành lập dự án thiết kế công trình. Bộ Xây dựng – đơn vị chủ đầu tư vừa trình Chính phủ Dự án xây dựng công trình và Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch Đầu tư gửi đi các cơ quan chức năng xin ý kiến.

Sẽ thay đổi hoàn toàn quan niệm về bảo tàng?

40531.jpg

Khu tưởng niệm danh nhân

Phương án thiết kế được chọn xuất phát ý tưởng từ hình ảnh bọc trứng Mẹ Âu Cơ, nằm trên quả đồi nhân tạo đắp ngang, có hồ điều hoà, công viên cây xanh. Những thanh chớp hai bên toà nhà tượng trưng cho nan tre, biểu tượng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là biểu trưng cho các tầng tầng lớp lớp lịch sử Việt Nam, các tầng lớp văn hoá đan xen nhau. Toà nhà cao sáu tầng nhưng không quá 40m, mặt trước hướng ra biển Đông.

Ông Vũ Mạnh Hà cho rằng, dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia sau khi hoàn thành (dự kiến thời gian xây dựng trong khoảng 4 năm) sẽ là công trình mang tầm khu vực và quốc tế - nơi trưng bày một cách toàn diện về lịch sử Việt Nam từ thời tiền sử cho đến ngày nay. Đây sẽ là bảo tàng hiện đại nhất trong hệ thống bảo tàng Việt Nam, khắc phục được tất cả các hạn chế của bảo tàng từ trước đến nay.

Chỉ riêng con số diện tích xây dựng và trưng bày cũng đã thấy quy mô của công trình. Toà nhà chính xây dựng trên khu đất khoảng 23 nghìn m2, với tổng diện tích sàn là 90.000m2, bao gồm nhiều khu vực: trưng bày, khám phá sáng tạo, kho lưu giữ, khu chụp ảnh, không gian giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, khu hành chính nghiệp vụ, khu đặt thiết bị máy móc… Chỉ tính riêng khu vực trưng bày với diện tích 28.700m2, trong khi đó, theo ông Vũ Mạnh Hà, tổng diện tích của hai bảo tàng Lịch sử quốc gia và Cách mạng hiện nay gộp lại chỉ khoảng 4000m2.

Cũng theo ông Vũ Mạnh Hà, khi bảo tàng ra đời sẽ thay đổi hoàn toàn quan niệm về bảo tàng ở Việt Nam. Bởi đây sẽ là công trình hiện đại, đa năng, không chỉ là nơi trưng bày toàn bộ về tiến trình lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, mà còn là trung tâm văn hóa, vui chơi giải trí với nhiều loại hình dịch vụ cho công chúng lựa chọn.

Lo ngại

40532.jpg

Bản vẽ phối cảnh Không gian mở  và triển lãm.

11.277 tỷ đồng để xây dựng công trình Bảo tàng tầm cỡ, quy mô, hiện đại trong điều kiện hiện nay, đương nhiên sẽ là con số mà dư luận hết sức quan tâm.

Một con số so sánh cho thấy, hơn 11 nghìn tỷ đồng để xây dựng kiến trúc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, tương đương với 540 triệu USD, trong khi đó, Viện Bảo tàng quốc gia Úc xây dựng năm 1997 và hoàn thành năm 2001 với tổng chi phí dự án là 155,4 triệu USD.

KTS Ngô Doãn Đức cho rằng, có thể việc xây dựng một Bảo tàng Lịch sử quốc gia là cần thiết về mặt chiến lược, nhưng về mặt sách lược thì chưa hợp lý. Trong khi xã hội đang có quá nhiều vấn đề, hạ tầng cơ sở giao thông, đường sá, bệnh viện, trường học, đời sống dân sinh còn ngổn ngang cần quan tâm hơn. Hơn nữa, hiện tại những công trình văn hóa, bảo tàng chúng ta xây lên còn chưa phát huy hết tác dụng của nó như Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia... Đó cũng là mối lo ngại của nhiều người.

*** Ông Vũ Mạnh Hà cho biết, dự án thành phần về xây dựng thiết kế nội dung và hình thức trưng bày được Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, hiện cũng đang được gấp rút thực hiện. Hiện đang làm thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn nước ngoài cho phần thiết kế nội thất, phương án về hình thức và nội dung trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trên cơ sở bốn nhà thầu của các quốc gia Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, sẽ lựa chọn một nhà thầu và trình Thủ tướng phê duyệt. Tổng số hiện vật, tài liệu của cả hai bảo tàng cũ họp lại hiện có khoảng 20 vạn. Sau khi Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mới hoàn thành, thì Bảo tàng Lịch sử hiện tại cũng sẽ thành nơi trưng bày cổ vật Đông Nam Á, còn Bảo tàng Cách mạng hiện tại thành Bảo tàng trưng bày nghệ thuật đương đại. 

Được biết, số tiền 11.277 tỷ đồng trong tổng dự toán đầu tư chỉ mới là chi phí cho phần xây dựng kiến trúc. Theo ông Vũ Mạnh Hà, phần xây dựng thiết kế nội dung và hình thức trưng bày chưa lên dự toán, nhưng theo thông lệ quốc tế ở các bảo tàng thế giới, thì tỷ lệ chi phí giữa xây dựng kiến trúc và thiết kế nội dung, hình thức trưng bày (phần nội thất) là 1/1. Nghĩa là, chúng ta cần ít nhất hơn 11 nghìn tỷ đồng nữa để đầu tư cho việc xây dựng thiết kế nội dung và hình thức trưng bày.

Nhưng, vấn đề đáng lo ngại nhất, ở đây không hẳn chỉ là số tiền đầu tư quá lớn. Lo ngại ở đây là, chính vì số tiền lớn như vậy, nên việc thực hiện công trình đó như thế nào, từ thiết kế kiến trúc, chất lượng và tiến độ xây dựng. Điều quan trọng hơn, chính là việc tổ chức nội dung trưng bày thế nào cho phù hợp, đào tạo nhân lực để tiếp quản, vận hành công trình hiện đại và quy mô ấy. Lo ngại nhất, chính là việc tổ chức xây dựng cái “phần ruột” của công trình - nội dung trưng bày. Bài học về Bảo tàng Hà Nội kiến trúc hoành tráng với kinh phí 2300 tỷ đồng khi xây xong chỉ là cái vỏ vẫn còn mới. Chỉ vì không có quy trình chuẩn bị nội dung phù hợp với thiết kế kiến trúc, mà xây dựng xong, công trình gần như không phát huy tác dụng, hết sức lãng phí. Chưa kể, ở thời điểm này, cả nước hiện có khoảng gần 130 bảo tàng, với trình độ nhân lực, tư duy và cách làm như hiện nay, chúng ta vẫn chưa thể khai thác và sử dụng một cách có hiệu quả.

 

                                                                 Theo Báo Nhandan 

 

 

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục