(HBĐT) - Không hẳn là năm Quý Tỵ, tôi mới nhớ tới tác giả bài thơ “Rắn”. Bài thơ “Rắn” cũng không phải là bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Thế Mạc nhưng bài thơ lại toát lên cái tạng thơ của ông.

 

Mỗi lần gặp đỉnh núi Ba Vì lãng đãng, ngẩn ngơ làn mây trắng, tôi lại bồi hồi nhớ về Thế Mạc. Trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ, tôi có ghé khu nhà 3 tầng ở Hà Đông thăm ông Đào Ngọc Chung (hội viên Hội nhà văn Hà Nội - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn học - nghệ thuật Hà Tây). Qua câu chuyện giữa hai người, tôi lại càng nhớ về nhà thơ Thế Mạc. Số là sau khi sáp nhập Hòa Bình và Hà Tây thành tỉnh Hà Sơn Bình được 2 năm, năm 1978 Ty VH-TT Hà Sơn Bình đã cho xuất bản thơ 3 tác giả của 3 vùng đất khác nhau - tập thơ Hội cồng mùa xuân - Thế Mạc - Đào Ngọc Chung - Đinh Đăng Lượng. Tập thơ nói trên lấy tên từ bài thơ “Hội cồng mùa xuân” của tôi, tập thơ do nhà thơ Trần Lê Văn biên tập và nhà thơ Vũ Quần Phương viết lời giới thiệu. Thật là một nghĩa cử hào hiệp của các anh chị ở Ty VH-TT Hà Sơn Bình lúc đó đối với ba anh em chúng tôi. Đằng sau “mặt trận” đại đoàn kết các dân tộc ba vùng miền phải chăng là sự động viên, khích lệ kịp thời đội ngũ tác giả và tác phẩm của một tỉnh mới? Đây là tác phẩm thơ đầu tiên của 3 chúng tôi và 3 tác giả trước đó chưa một lần giáp mặt nhau.

 

Đối với nhà thơ Thế Mạc, sinh thời đã hai lần tôi được gặp ông. Lần thứ nhất, vào một sáng đầu xuân năm 1983, cách đây đã ba mươi năm, hồi đó tôi đang là phó phòng kỹ thuật một nhà máy và có thơ đăng khá đều trên tập san “Núi Tản - sông Đà”. Ngày chủ nhật, tôi đang quét dưới gầm sàn thì có 2 người, 1 già, 1 trẻ dắt chiếc xe máy hiệu “Pô giô cá vàng” đi vào sân. Hai người dừng lại khá lâu trước mái nhà sàn đã nhuốm màu thời gian của tôi, sau đó mới dắt xe đến dưới tán cây lộc vừng giữa sân. Sau những phút đầu bỡ ngỡ, chúng tôi đã nhanh chóng nhận ra nhau qua tập thơ in chung nói trên và những sáng tác được đăng tải trong tập san “Núi Tản - sông Đà”. Xe máy là của ông Nguyễn Kế Nghiệp - hồi đó có xe máy nhãn hiệu này là nằm trong diện “mười yêu” rồi! Qua đó được biết nhà thơ Thế Mạc và Nguyễn Kế Nghiệp đang cùng dạy học ở Sơn Tây. Sau này, ông Nguyễn Kế Nghiệp có làm Thư ký Báo Người Công giáo và ông mất cuối năm 2007.

 

Sau lần hội ngộ ấy, nhà thơ Thế Mạc có dùng hình tượng cây hồng cậy nhà tôi cho một bài thơ sáng tác sau đó. Nguyễn Kế Nghiệp qua nghe tôi nói về tích cây lộc vừng ở sân nhà, sau đó ông có truyện ngắn về cây lộc vừng. Truyện ngắn được biên tập thành kịch bản phim. Bộ phim có cảnh quay tại xóm Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong). Tôi cũng đã được Nguyễn Kế Nghiệp mời chứng kiến cảnh quay đêm đó.

 

Mãi đến năm 2008, khi đã về nghỉ hưu, tôi mới có dịp trở lại Sơn Tây thăm nhà thơ Thế Mạc. Nhà ông ở số 7, phố Đốc Ngữ. Với tôi, ông vừa là người thầy, vừa là người bạn vong niên! “Nếu nay mai ta trở nên thành phố, thị xã nhỏ ta yêu, ta vẫn gọi tên/Trong đáy thẳm trong veo ta vẫn giữ nguyên/Mảnh trời thị xã”. Thị xã nhỏ - bài thơ ông viết năm 1972, sau bao năm thị xã này vẫn thế, nay có thêm một con đường phía nam, phần nội thị như một tam giác cân - vì thế chăng mà nó vẫn bền vững, lặng lẽ và trầm mặc như xưa, ông tặng tôi cuốn thơ Thế Mạc do nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2003. Ông nói: Chú thông cảm, đây là cuốn cuối cùng còn lại! Dáng ông vẫn ngật ngưỡng, có phần chậm chạp, mệt mỏi do chứng cao huyết áp. Nhà ông lại mở quán cà phê nên người ra, vào thường xuyên, hai người lui vào một góc nhâm nhi, đàm đạo. Mặc dù cả hai chúng tôi đều đã là hội viên Hội Nhà văn, nhưng tôi còn mải công việc, còn ông rất ít quảng giao. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng chúng tôi được ngồi với nhau.

 

Nhà thơ Thế Mạc tên thật là Kiều Thể, SN 1/1/1934, mất 31/12/2009. Quê ông làng Cần Kiệm, huyện Thạch Thất (thành phố Hà Nội). Xuất thân từ một gia đình nho học. Tốt nghiệp khoa văn, đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1959. Từng dạy học ở Hòa Bình, Sơn Tây, công tác ở Viện nghiên cứu giáo dục và Viện Nghiên cứu giáo dục dân tộc. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005, nhiều người lớp tuổi tôi ở Hòa Bình, trước đây theo học ở trường cấp 3 Hoàng Văn Thụ và khu học xá Hòa Bình ngày ấy là học sinh của ông. Tác phẩm chính “Hồ” (thơ năm 1994), “Nguồn” (thơ năm 1998) và “Thơ Thế Mạc” (thơ năm 2003). Giải thưởng chính do Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam trao năm 1960, Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam (nay là Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam) trao năm 1994.

 

Tốt nghiệp đại học được một năm, nhà thơ Thế Mạc đã được trao giải của báo Văn nghệ hội nhà văn Việt Nam nhưng ngoài tập thơ in chung “Hội cồng mùa xuân” nói trên thì mãi đến lúc về nghỉ hưu ông mới có tập thơ “Hồ” in riêng đầu tiên. 4 năm sau, ông cho ra mắt tập thơ “Nguồn”. Đến khi bước qua cái tuổi xưa nay hiếm, với nhiều lời thúc giục của bạn bè và người thân, ông mới chịu làm thủ tục để vào Hội nhà văn. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong bài “Người lạc vào thành phố” viết: “Khi tôi bắt đầu làm thơ thì tên tuổi Thế Mạc ở Hà Tây đã đứng ở hàng số một”; “mấy chục năm làm thơ, Thế Mạc không hề vội vã, kể cả một thời gian dài người ta như quên tên ông” và với ông, thi ca không phải là thứ danh vọng, không phải là sự hưởng thụ, không có thói ganh đua. Thi ca là cuộc trò chuyện đơn độc của Thế Mạc (hữu hạn) “với thời gian (vô hạn)”. Nhà thơ Dương Kiều Minh lại viết: “Thế Mạc nằm trong số ít ỏi đại biểu dũng cảm dương ngọn cờ thi pháp thơ còn khá mới mẻ trong sáng tác của thơ nước ta hiện giờ, ấy là thơ biểu đạt bằng biểu tượng. Sự “hóa” trong thi pháp thơ Thế Mạc là một biểu hiện độc đáo của thơ hiện đại; đó chính là sự kế thừa, tiếp nối thơ xưa” (về sự “hóa” trong tập thơ “Hồ”). Bài thơ “Rắn” là một ví dụ: “Những đồi trung du/Sợi thủy tinh khô/Cứa từng chiếc lá/Ta nghe tiếng lưng mình lách tách vảy/Tiếng nổ của từng mây/Chui đầu vào hang ẩm mốc/Nắng đốt bong bong/ Giương mắt lá nhìn cây cổ thụ/Rắn trườn lên sỏi bỏng/Bỏ lại khô cằn cái xác/ Ta làm sao nhớ được/Ngày tháng, giờ và năm/Cái lúc rắn vừa lột xác/Cái lúc ta vừa sang kiếp khác”. Vâng! Chính thi pháp mới của ông là một sự “lột xác” để vượt lên chính mình và thơ ông tồn tại trong lòng người đọc. Thế Mạc có nhiều bài thơ tương tự như bài Rắn, đó là: bát, gánh, xuân, sấm, thác, thuyền, hang, vơi, đồi, va, giấc, niệm... Đặc biệt là bài thơ “Hồ”, nhà văn, nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy viết: “Khác với núi là một khối nhô cao lên khỏi mặt đất, hồ là một không gian lõm sâu vào lòng đất, mang tính chất của mẹ đất. Ngoài ra, hồ còn chứa đựng nước - nơi thu hút, dung chứa, thanh tẩy và tái sinh cho vạn vật, nhất là con người” và “hành trình thơ Thế Mạc trước hết là hành trình con người, từ con người xã hội, vọng động đến con người bên trong, con người tâm lý và tâm linh. Hành trình đi từ tiểu ngã đến đại ngã...” (Thế Mạc hành trình từ núi đến hồ).

 

Ngày nhà thơ thế Mạc sang kiếp khác đã có nhiều bạn viết, nhất là bạn viết xứ Đoài đến đưa tiễn ông và sau đó có nhiều bài viết về ông. Năm nào tôi cũng đến dưới chân núi Ba Vì, chiêm bái nơi đền Hạ và đền Trung; thế mà mãi đến năm 2012 tôi mới hay tin sự ra đi của nhà thơ Thế Mạc. Năm nay - năm Quý Tỵ, trong lất phất mưa phùn ngày xuân, tôi trở lại xứ Đoài thăm gia đình ông và thắp nén hương cho ông. Bà quả phụ Đỗ Thị Thành và con trai trưởng Kiều Cương tiếp tôi. Cháu Kiều Cương dẫn tôi xem tủ sách và những bản thảo còn dang dở của ông. Bà Thành tặng tôi cuốn di cảo “tác phẩm tiểu luận - phê bình văn học” do bạn ông - nhà văn Đặng Hiển và Nguyễn Ngọc Sơn tập hợp, biên soạn cùng sự giúp đỡ của bạn bè, học trò của ông. Bà Thành cho biết: đây là cuốn di cảo cuối cùng còn lại, đồng thời đọc cho tôi nghe bài thơ “Cảm xúc xuân Quý Tỵ” do bà sáng tác với bút danh “Cư sĩ Tâm Thành”. Với đồng lương ít ỏi của một giáo viên tiểu học về hưu, bà đến thỉnh cầu nơi cửa Phật thanh tịnh cũng là để nguôi ngoai nỗi nhớ về ông và cả những nỗi buồn con cái vẫn đang trong cảnh khó khăn, thiếu thốn vật chất. Bà than phiền: về văn chương, đức độ ông ấy như thế nhưng ông lại chẳng lo cho con được là bao. Tôi chỉ biết an ủi bà thôi, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay.

 

Tạm biệt bà quả phụ Đỗ Thị Thành, tôi theo cháu Kiều Cương ra thăm mộ nhà thơ Thế Mạc. Mộ ông nằm ở gò Mả Chép, xã Đền Và, thị xã Sơn Tây, hướng nhìn về phía núi Ba Vì với bao nhiêu cảnh vật một vùng truyền thuyết vừa hiện hữu, vừa có trong tâm thức nhà thơ. Những tên đồi, tên suối, tên hồ, tên thác đã đi vào thơ ca Thế Mạc với một nét đẹp riêng vừa thân thuộc, vừa huyền bí vẫn từng ngày lột xác như loài rắn để tồn tại. Lễ hội làng Cam Thịnh (Đường Lâm), lễ hội đền Và cũng như Hội cồng mùa xuân xứ Mường quê tôi đã đi qua. Dòng Tích Giang vẫn âm thầm qua xứ Đoài quê ông. Đâu đó: “Tiếng chim sơn ca bỗng vút lên từ đất - Như ngôi sao đổi ngôi rồi biến mất - Tiếng hát xoáy sâu khoan mãi lên trời - Tất cả chim và tiếng hát bỗng tan xanh khắp nơi” (Tiếng chim sơn ca - thơ Thế Mạc).

 

Ngưỡng mộ về thi pháp thơ và nhân cách sống của một nhà thơ, một lần nữa xin được thắp nén hương trên mộ ông - một nhà thơ đã chiếm vị trí nhất định trong tâm thức tôi, nhiều bạn bè cầm bút và người đọc.

 

 

 

                                                         Đinh Đăng Lượng (CTV)

 

 

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục