Tuổi thơ tôi gắn liền với hàng cây râm bụt xanh rì, cần mẫn chạy dọc theo con ngõ nhỏ quanh co để giờ đây trong tôi có một mảng màu nhớ biêng biếc mang tên loài cây ấy. Loài cây bốn mùa xanh lá mặc cho gió mùa se sắt, mưa bão dầm dề hay nắng nóng. Râm bụt như một cô gái quê chân chất, lam lũ. Mang trong mình cả một sức sống tiềm tàng, chỉ cần một cành cây khẳng khiu sần sùi găm xuống đất là sẽ đâm chồi tốt tươi chẳng cần đến bàn tay chăm sóc.

Tôi nhớ như in một chiều, bà ngồi bện chổi bên bậu cửa, còn lũ trẻ chúng tôi ngồi xúm xít nghe bà kể sự tích hoa râm bụt. Ở mảnh đất ấn Độ xa xôi có hai chị em Nađi và Naban mồ côi cha mẹ sống nương tựa vào nhau trong một ngôi làng nhỏ. Naban bị liệt cả hai chân, cô bé ao ước có đôi chân khỏe mạnh để được tung tăng chạy nhảy. Nađi quyết định rời khỏi làng đến miền đất của những ước mơ để xin các thần ban cho Naban đôi chân. Em đi mãi, đi mãi. Đôi chân bé bỏng phồng rộp cả lên. Nhưng thương đứa em gái tội nghiệp, Nađi lại cố gắng lê từng bước chân mệt mỏi. Em kiệt sức, thiếp đi dưới một gốc cây bên đường. Lúc tỉnh dậy, Nađi thấy một cụ già râu tóc bạc phơ ngồi cạnh. Ông cụ mặc một chiếc áo đỏ rực như mặt trời hoàng hôn. Nađi kể câu chuyện của mình cho cụ già nghe. Nghe xong, ông cụ đặt một bàn tay lên đầu Nađi và nói: “ông có thể chữa lành chân cho em cháu nhưng khi chân Naban khỏi bệnh thì chính đôi chân của cháu sẽ không còn đi lại được nữa”. Vì thương em, Nađi gật đầu không một chút lưỡng lự. Chiếc áo đỏ đã biến thành chiếc dù biết bay đưa hai ông cháu về nhà. Ông cụ chữa lành chân cho Naban, cảm động trước tình cảm của hai chị em ông không nỡ lấy mất đôi chân khỏe mạnh của Nađi. Quá vui sướng, hai chị em ôm chầm lấy nhau và nhảy múa. Ông lão mỉm cười rồi biến mất chỉ để lại chỗ mình đứng một hàng cây mát xanh. Từ kẽ lá xanh mướt nở ra những bông hoa 5 cánh đỏ thắm. Mỗi bông hoa giống như một chiếc ô nhỏ. Hàng cây xòe cành che bóng mát cho hai em nô đùa. Khi bà vừa dứt lời, cả lũ kéo nhau chạy ùa ra ngõ, những đôi mắt tròn to đen láy ngó nghiêng ngắm nghía rặng râm bụt không biết chán như thể nó vừa bước ra từ câu truyện cổ tích của bà.

 

Trưa hè, nắng như đổ lửa xuống sân, bầu trời trong xanh như chưa từng được xanh, vườn cây uể oải mệt mỏi bởi cái oi nồng như đặc quánh vào không gian, chẳng buồn rung rinh. Nhưng không thể ngăn được lũ trẻ chúng tôi trèo cổng trốn bố mẹ đi chơi. Cả lũ đầu trần, chân đất xúm vào rặng râm bụt bắt sâu làm mồi câu cá. Phải tinh mắt và tỉ mỉ để tìm trong cả rừng lá những chiếc lá cuộn tròn lại như cuộn chiếu, ấy là tổ sâu. Bứt những chiếc lá ấy tách nhẹ nhàng theo nếp lá cuộn và nhón tay bắt chú sâu đang nằm ngủ say giấc ban trưa bỏ vào chiếc vỏ hộp kẹo. Một chú sâu, hai chú sâu, ba, bốn,... cứ thế, cứ thế, chiếc hộp đầy dần những chú sâu màu xanh nõn ngọ nguậy, ngọ nguậy trông đến ngộ. Đến khi một đứa lên tiếng: “Đủ mồi rồi đấy, đi câu thôi! Cả lũ tíu tít kéo nhau đến bên bờ hồ. Mặt hồ loang loáng nắng, lững lờ vài cánh bèo trôi lạc. Thỉnh thoảng có vài chú cá cờ khẽ quẫy nước tí tách. Chúng tôi buộc chú sâu vào một đầu sợi chỉ, còn đầu kia buộc vào một thanh tre nứa hay cành cây khẳng khiu, khúc củi sần sùi làm cần câu. Thả câu. Nước sóng sánh, làm chao nghiêng cả bầu trời dưới ao. Chẳng đứa nào bảo đứa nào đều im phăng phắc dán mắt vào miếng phao làm bằng cuống bèo tây xôm xốp nổi lềnh phềnh. Cây bưởi giang rộng vòng tay che mát cho chúng tôi. Những kẽ nắng nghịch ngợm nhảy nhót chuyền từ cành này sang cành nọ, chui qua kẽ lá nhảy tót lên vai, lên tóc của lũ trẻ hay xòe bông hoa nắng trên mặt đất.

 

Từ các cành cây khẳng khiu đỏ tía, những đóa hoa râm bụt đu mình rủ xuống như những chiếc đèn lồng. Mùa hoa thắp lửa, cả con ngõ nhỏ nhà tôi đỏ rực. Năm cánh hoa mỏng manh mềm mịn như nhung, nhụy hoa vươn ra kiêu hãnh đội trên đầu một chiếc vương miện màu nắng. Còn những nụ hoa chúm chím đỏ như đôi môi thiếu nữ tuổi trăng tròn. Đó là cả một thiên đường cho lũ trẻ chúng tôi. Chúng tôi có thể nghĩ ra đủ trò với những đóa hoa ấy. Lũ con gái hái lá râm bụt làm tiền chơi bán đồ hàng. Tụi con trai bứt cánh hoa dán lên má, lên trán, mũi, miệng... dọa đuổi nhau hò la ầm ĩ vang động cả một góc xóm nhỏ.

 

Giờ đây, những bức tường vôi trắng thay thế dần cho hàng rào râm bụt để rồi màu lá xanh, màu hoa đỏ ấy đã trở thành những gam màu nỗi nhớ trong tôi.

 

 

 

 

Tản văn của Đào Mạnh Long

(Xóm 1, xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng)

 

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục