Dâng hương Khu tưởng niệm Bác Hồ tại khu Di tích Nhà máy in tiền.

Dâng hương Khu tưởng niệm Bác Hồ tại khu Di tích Nhà máy in tiền.

(HBĐT) - Chúng tôi trở lại thăm Khu di tích lịch sử Đồn điền Chi Nê - nơi đặt Nhà máy in tiền đầu tiên của Chính quyền cách mạng được vinh dự 2 lần đón Bác Hồ về thăm vào cuối tháng 4. Khu tưởng niệm Bác Hồ nằm trong quy hoạch Khu di tích Đồn điền Chi Nê. Thành kính dâng hương trước Người, chúng tôi hiểu thêm những kỷ niệm, thời khắc đáng nhớ khi Bác về thăm đồn điền Chi Nê, thăm cán bộ và nhân dân huyện Lạc Thủy.

 

Ngày 18/2/1947, sau khi kết thúc phiên họp Hội đồng Chính phủ, Bác cùng các đồng chí Cù Huy Cận, Bộ trưởng Bộ Canh nông, Hoàng Hữu Kháng, bảo vệ và lái xe Phạm Văn Ngọc từ Quốc Oai trên đường đi Thanh Hóa công tác, Người dừng chân ở thị trấn Chi Nê. 6 giờ sáng ngày 19/2, Bác vào thăm nhà ông bà Đỗ Đình Thiện - chủ nhân của đồn điền Chi Nê và là nhà tư sản yêu nước. Sau đó Bác đi thăm nhà ở công nhân Nhà máy in tiền và một số đồng bào người Mường gần đó. Lúc về có máy bay Pháp do thám, mấy Bác cháu xuống hầm trú ẩn. Máy bay đi khỏi, Bác lấy ra chiếc máy chữ nhỏ và ngồi dưới gốc cây đa ngoài vườn làm việc. Người đánh máy mấy tiếng đồng hồ. Trưa đó, ăn cơm cùng gia đình ông Thiện, Bác hỏi tình hình cuộc sống, công việc làm ăn và dặn thế nào địch cũng sẽ ném bom, có đồ đạc gì quý  nên sơ tán đi và tìm chỗ làm lán xa vào trong núi cho các cháu sơ tán ban ngày. Các con, cháu gia đình ông Thiện đã hát cho Bác nghe trong không khí thân mật, đầm ấm.

 

Sau khi hoàn tất công việc ở Thanh Hóa, sáng 21/2/1947, Bác lại về Chi Nê, cán bộ và nhân dân huyện Lạc Thủy vinh dự được đón Bác. Trước tiên, Bác đến thăm Nhà máy in tiền, nhà để tiền ở xóm Đồng Thung, xã Cố Nghĩa. Bác dặn “Đây là Nhà máy in tiền của ta, các chú cần giữ gìn cẩn thận, phải thi đua nhau làm việc để in được nhiều tiền cho cả nước tiêu dùng và công cuộc kháng chiến cứu quốc”. Đến nơi nào, Bác cũng ân cần thăm hỏi, động viên mọi người nỗ lực cố gắng góp phần phục vụ kháng chiến. Bác đã vào một số gia đình địa phương trò chuyện thân mật với mọi người, thăm hỏi chuyện học hành của các em thiếu niên, nhi đồng. Rồi Bác đi thăm chợ Đầm Đa, hoạt động chủ yếu vào ban đêm để tránh máy bay địch, cách Đồn điền Chi Nê khoảng 1 km. Bác yêu cầu UBHC xã Cố Nghĩa và lãnh đạo Nhà máy in tiền phải di dời ngay chợ Đầm Đa và Nhà máy in tiền đến địa điểm kín đáo đề phòng máy bay giặc ném bom, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

 

Đúng như nhận định của Bác, ngày 22/2/1947, Pháp đã điều động máy bay bắn phá tại Đồn điền Chi Nê, 4 chiếc quần thảo tại Đồng Làng, 4 chiếc oanh tạc tại cơ quan ấn loát. Máy bay Pháp thả 8 quả bom tại Đồn điền Chi Nê, 2 quả trúng nhà ông Đỗ Đình Thiện. Cả gia đình ông Thiện núp trong vườn cà phê, 2 vựa lúa bị thiêu rụi, cháy trong cả tuần lễ. Cơ quan ấn loại bị trúng đạn, kho cà phê, kho vật liệu bị cháy nhưng máy móc không bị hư hỏng. Khi được nghe báo cáo về sự oanh tạc của máy bay Pháp vào Đồn điền Chi Nê, Bác Hồ đã thư gửi cho gia đình ông, bà Đỗ Đình Thiện như sau: “Chú thím Thiện! Được tin, chú thím, nhà Hiều và các cháu bình an, tôi rất vui lòng. Mất của cải không sợ. Còn trời còn nước còn non thì còn của cải bà con họ Hồ. Kháng chiến thành công, ta làm ra của cải khác, chắc chắn hơn. Chúc các chú thím mạnh khỏe. Hôn các cháu! Thân ái và quyết thắng - Hồ Chí Minh”.

 

Trước đó, nghe lời Bác, lãnh đạo Nhà máy đã cho sơ tán máy in tiền vào hàng đá nên an toàn, máy in chỉ dừng sản xuất một ngày rồi tiếp tục hoạt động cung cấp tiền cho nền tài chính quốc gia. Sau này tờ bạc tài chính Cụ Hồ ra đời trở thành một lợi khí đấu tranh trên mặt trận kinh tế - tài chính - tiền tệ, góp phần bảo vệ nền độc lập quốc gia.

 

Bà Đinh Thị Bình, Phó Ban quản lý di tích huyện Lạc Thủy cho biết: Khu di tích Nhà máy in tiền Đồn điền Chi Nê được Bộ Văn hóa xếp hạng cấp quốc gia, Nhà máy in tiền được trao kỷ lục Guinesss Việt Nam là Nhà máy in tiền đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Khu di tích Nhà máy in tiền trở thành địa điểm du lịch thu hút đông đảo du khách, cán bộ và nhân dân trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, tìm hiểu lịch sử truyền thống ngành tài chính, tìm hiểu nơi 2 lần được đón Bác về thăm.

 

 

 

 

                                                                                             P.V

 

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục