(HBĐT) - Quá trình tìm hiểu kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du (1766-1820) đã đạt nhiều thành tựu, trong đó điểm quan sát từ phương hướng nghiên cứu phiên dịch học lịch sử - văn hóa đã có quá trình phát triển lâu dài và ngày càng trở nên quan trọng.

Vấn đề nghiên cứu, xác minh, tìm hiểu lịch sử dịch thuật và tiếp nhận Truyện Kiều của Nguyễn Du trên thế giới không chỉ là mối quan tâm của các nhà Kiều học mà thu hút cả dư luận xã hội, nhất là với việc soạn sách giáo khoa và định hướng nhận thức, cảm thụ, giảng dạy trong nhà trường; đồng thời đã nâng cấp thành đối tượng tìm hiểu, khảo sát chuyên sâu và mở rộng thành các cuộc thảo luận có ý nghĩa khu vực và quốc tế...

 

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến nay kiệt tác Truyện Kiều đã được dịch sang hơn 20 thứ tiếng với hơn 60 bản dịch khác nhau và xuất bản ở các nước Pháp, Nhật Bản, Anh, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hy Lạp, Phần Lan, A-rập, Đức, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri, Ru-ma-ni, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Mông Cổ, Lào, Thái-lan... Nhiều thứ tiếng có số bản dịch phong phú: Pháp 13 bản, Trung Quốc 11 bản, Anh 7 bản, Nhật Bản 5 bản, Nga và Đức cùng 2 bản... Chủ thể các bản dịch và phương thức dịch cũng khác nhau: có khi là người nước ngoài, có khi là người Việt, có khi là sự cộng tác của hai bên; có khi trực dịch từ cả bản chữ Nôm và Quốc ngữ, có khi dựa riêng bản Quốc ngữ, có khi dịch qua một ngôn ngữ khác; có khi dịch toàn văn, có khi dịch toát yếu; có khi dịch văn xuôi, có khi dịch thành thơ... Các bản dịch tiếng Pháp có khi in song ngữ, có khi in ở Pháp, có khi in tại Việt Nam; các bản dịch tiếng Trung bao gồm cả loại cổ văn và hiện đại, theo thể Đường luật và thơ tự do; có người đã ở Việt Nam và thành thạo tiếng Việt, nhưng có người từ chỗ làm quen Truyện Kiều rồi mới dụng công học tiếng Việt và dịch thành công kiệt tác của Nguyễn Du... Nói như thế để thấy được tính chất đa diện, phức hợp, sinh động của lịch sử phiên dịch Truyện Kiều trải suốt từ giai đoạn cuối thế kỷ XIX cho đến ngày nay. Trong số các trường hợp dịch Truyện Kiều ra nước ngoài, chúng tôi đặc biệt chú ý đến hai hiện tượng sau đây.

 

Thứ nhất, bản dịch Truyện Kiều đầu tiên sang tiếng Nhật của Ko-mát-su Ki-yo-shi (1900-1962) xuất bản ở Tô-ki-ô năm 1942. Dịch giả vốn là nhà văn, nhà phê bình và nghiên cứu văn học Pháp nổi tiếng ở Nhật Bản, được tôn vinh là “biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn”. Khoảng năm 1941, trong thời gian qua Việt Nam, ông bắt tay vào dịch Truyện Kiều theo lời khuyên của họa sĩ, nhà thơ Nguyễn Giang (1904-1969), bạn thân gặp nhau từ hồi bên Pháp. Ko-mát-su xác định, Truyện Kiều của Nguyễn Du có thể sánh với các tác phẩm hàng đầu thế giới như Thần khúc của Đan-tê (Dante), Phau-xtơ của Gớt (Goethe), Bi kịch của Xếch-xpia (Shakespeare) và Ra-xin (Racine). Ko-mát-su dịch xong Truyện Kiều trong 6 tháng và xuất bản ngay năm sau, rồi liên tiếp được tái bản vào các năm 1943, 1948...

 

Thứ hai, bản dịch sang tiếng Đức Das Mdchen Kiều/ Nàng Kiều của Phran-xơ Pha-bơ (Franz Faber, 1917-2013), in lần đầu ở Béc-lin vào năm 1964 (tái bản vào các năm 1976, 1980, 2000). Cơ duyên của việc dịch này bắt đầu từ cuối năm 1954, khi Phran-xơ Pha-bơ sang Việt Nam công tác. Trước khi ra về, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cuốn Truyện Kiều song ngữ Việt - Pháp kèm theo câu nói tựa như một lời đề nghị, khuyến khích, động viên, hy vọng: “Biết đâu anh có thể làm được một điều gì đó với cuốn sách này”. Về nước, từ một người chưa biết tiếng Việt, ông đã cùng vợ là I-ren (Irene) vừa học tiếng Việt vừa nghiền ngẫm đọc hiểu, qua 7 năm thì hoàn thành việc dịch toàn văn Truyện Kiều...

 

Có thể thấy, chính các mối quan hệ cá nhân, sự giao cảm giữa những tâm hồn đồng điệu, sự gặp gỡ của những cốt cách trí thức đã giúp cho câu chuyện dịch Truyện Kiều hóa thành duyên nợ, đức hy sinh và ân nghĩa, góp phần bắc cây cầu văn hóa hữu nghị giữa dân tộc Việt Nam với bạn bè thế giới.

Bên cạnh hoạt động dịch thuật, định hướng nghiên cứu so sánh và tiếp nhận Truyện Kiều cũng ngày càng được các nhà Việt Nam học và giới Kiều học quan tâm. Từ việc nghiên cứu kiệt tác Truyện Kiều nội sinh trong truyền thống thơ ca dân tộc (thể thơ lục bát, thể loại truyện thơ) và mối quan hệ trực tiếp giữa Truyện Kiều (Nguyễn Du) với Kim Vân Kiều truyện (Thanh Tâm Tài Nhân), giới Kiều học đã mở rộng khảo sát, so sánh tính tương đồng ở nhiều cấp độ (truyền thống văn hóa, tư tưởng nhân văn, thế giới nghệ thuật, hình tượng nhân vật, hình thức thể loại, nghệ thuật ngôn từ, phương thức tiếp nhận), giúp cho bạn đọc ngày càng hiểu sâu sắc, toàn diện hơn. Trong điều kiện và vận hội mới của đất nước, chắc chắn kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du sẽ còn tiếp tục mở rộng đường biên trên đường giao lưu và hội nhập văn hóa quốc tế.

            

 

                                                        Theo Báo Nhân dân

 

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục