Chiếc sanh cổ được trưng bày tại lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc) so với chiếc sanh cổ được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thì nhỏ hơn nhiều.

Chiếc sanh cổ được trưng bày tại lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc) so với chiếc sanh cổ được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thì nhỏ hơn nhiều.

(HBĐT) - Có một điều đặc biệt, trong số hàng chục nghìn cổ vật được sưu tầm, khai quật và lưu giữ qua các thời kỳ, tỉnh ta có một cổ vật đã vinh dự được công nhận là bảo vật quốc gia. Đó là chiếc sanh đồng cổ Mường Bi.

 

Đi tìm Sanh cổ Mường Bi

 

Chuyện về chiếc sanh đồng cổ Mường Bi đã nghe từ lâu. Chúng tôi đã tận mắt thấy, tận tay sờ khi nó được trưng bày tại lễ hội Khai hạ Mường Bi xã Phong Phú (Tân Lạc) hàng năm. Cũng thật bất ngờ khi đó chưa phải là cái sanh đồng to nhất, giá trị nhất từng có ở vùng đất Mường Bi. Trên thực tế, chiếc sanh đồng hiện được lưu giữ tại kho của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Với giá trị của mình, chiếc sanh đã được công nhận là bảo vật quốc gia từ hàng chục năm trước. Đây là điều không phải ai cũng biết. Với chúng tôi, thông tin này cũng mới chỉ được biết trong thời gian gần đây thông qua một số tài liệu của Bảo tàng Hoà Bình. Điều này cũng được ông Bạch Quốc Khánh, Chủ nhiệm CLB hưu trí tỉnh, nguyên Giám đốc Sở VH-TT, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh chứng thực.

 

Theo trí nhớ của ông Bạch Quốc Khánh, vào khoảng năm 1994, khi ấy ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng tỉnh. Sau khi tiếp nhận vị trí công tác mới, việc đầu tiên ông bắt tay vào làm là sắp xếp, củng cố và hoàn chỉnh hồ sơ kho hiện vật theo đúng yêu cầu nghiệp vụ bảo tàng; tổng kiểm kê di sản văn hoá vật thể để phân loại, lập hồ sơ khoa học lựa chọn các di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia để có phương hướng bảo tồn, phát huy giá trị về lâu dài. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm kê các hiện vật đã phát hiện có danh sách của chiếc sanh đồng cổ Mường Bi nhưng hiện vật lại không lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh.

 

Với mong muốn tìm lại chiếc sanh đồng cổ, bằng các mối quan hệ trong ngành, ông Khánh đã tìm ở kho của Bảo tàng Quân khu 3, Bảo tàng tỉnh Nam Định, Bảo tàng tỉnh Thái Bình, Bảo tàng Quân đội, hỏi cả Tổng Cục Chính trị, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam là đơn vị tổ chức triển lãm cổ vật Việt Nam năm 1959 nhưng không ai biết thông tin về chiếc sanh đồng cổ hiện đang ở đâu. Sau này, tình cờ làm việc với Bảo tàng lịch sử quốc gia, bằng mối quan hệ đặc biệt, ông Bạch Quốc Khánh đã vào tìm trong nhà kho của Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Tại đây, ông đã phát hiện một chiếc sanh to giống như mô tả về chiếc sanh đồng cổ Mường Bi đang được Bảo tàng Hòa Bình tìm kiếm bấy lâu. Sau khi xem lại hồ sơ hiện vật thì đó đúng là chiếc sanh của tỉnh Hoà Bình. Theo hồ sơ cổ vật, chiếc sanh này do ông Nguyễn Văn Đắc ở Tỉnh Đội Hoà Bình đưa về trưng bày tại triển lãm cổ vật Việt Nam năm 1959 tại Quân khu 3. Tuy nhiên, do không có xe chở về Hoà Bình nên đã nhập vào kho của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Sau đó, chiếc sanh đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Trao đổi với chị Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh được biết, hiện chiếc sanh cổ Mường Bi vẫn được lưu giữ trong kho của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

 

Bảo vật truyền đời

 

Về nguồn gốc của chiếc sanh, theo suy đoán của ông Bùi Văn Khẩn ở xóm ải, xã Phong Phú - người được xem là một pho sử sống ở vùng đất Mường Bi thì với độ to, lớn quý hiếm như vậy, trước đây, chiếc sanh chắc chắn thuộc về một vị quan Lang lớn nhất vùng Mường Bi. ông nhớ, hồi trẻ được nghe các cụ kể lại, chiếc sanh này đủ lớn để người ta có thể nấu thịt 4 con trâu cùng một lúc. Nếu để đựng nước thì cả chục người đi gánh cả buổi mới đổ đầy nước vào chiếc sanh. Đây là chiếc sanh to nhất của cả vùng Mường Bi mà cũng có khi to nhất tỉnh lúc bấy giờ, không có chiếc thứ 2. Trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược và chiếm đóng ở vùng Mường Bi, lính Pháp ở đồn Do Nhân đã lấy chiếc sanh này về để đựng nước. Khi bộ đội ta tấn công tiêu diệt đồn Do Nhân, trong quá trình chiến đấu, chiếc sanh đã bị 1 viên đạn bắn trúng và làm thủng một lỗ ở thân. Sau khi đánh chiếm được đồn Do Nhân, chiếc sanh đã được mang đi, từ đấy chẳng có ai biết chiếc sanh này ở đâu.

 

Ngoài chiếc sanh hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, hiện nay ở xã Phong Phú (trung tâm Mường Bi) cũng đang lưu giữ một chiếc sanh cổ rất đẹp. Theo ông Bùi Anh Xuân, Trưởng Ban văn hoá xã Phong Phú, chiếc sanh hiện lưu giữ ở xã tuy không to bằng chiếc sanh cổ ngày xưa nhưng nó cũng có 4 quai, được chạm khắc hoa văn lá đề, hoa đào, mai rất tinh xảo. Chiếc sanh này trước đây cũng là đồ dùng trong nhà Lang. Nó được người dân xóm Lũy phát hiện trong quá trình đào móng làm nhà.

 

Theo ông Bùi Văn Khẩn thì những chiếc sanh như thế này ngày xưa chỉ được dùng trong những dịp lễ, tết hoặc nhà Lang có việc lớn thể hiện rõ sự phú quý, uy quyền của nhà Lang trong xã hội xưa. Trước khi mang ra dùng, người ta mời thầy đến cúng, khi dùng xong phải cất vào nơi trang trọng. Những chiếc sanh đồng ngoài giá trị như một món tài sản lớn thì với người Mường nó như một vật báu truyền đời.

 

 

                                                                                    Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục