Ngày 26-11, trên khắp đất nước Cu-ba đã bắt đầu diễn ra các hoạt động tưởng nhớ vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Phi-đen Ca-xtơ-rô, trong khi nhiều quốc gia, giới chính khách và học giả ở nhiều nước trên thế giới bày tỏ tình cảm kính trọng và tiếc thương sâu sắc trước sự ra đi của nhà lãnh đạo cách mạng huyền thoại...

 

Trong ngày đầu tiên của Quốc tang lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô kéo dài 9 ngày, cả đất nước Cu-ba ngập tràn không khí buồn thương và tiếc nuối. Theo Reuters, các sinh viên Cu-ba vẫy cờ cùng đồng thanh ca bài “Tôi là Phi-đen” để chào vĩnh biệt vị lãnh tụ kính yêu. Cờ rủ được treo khắp nơi, mọi hoạt động biểu diễn, hòa nhạc, bán rượu đều tạm ngừng. ĐàiTruyền hình Quốc gia Cu-ba, Hiệp hội Sinh viên và Liên đoàn Phụ nữ đã tổ chức sớm các cuộc tuần hành nhỏ để tưởng nhớ lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô và thề trung thành với cách mạng.

Người dân Cu-ba đã lên kế hoạch cho các cuộc tuần hành lớn ở Quảng trường Cách mạng tại La Ha-ba-na và ở thành phố Xan-ti-a-gô để vinh danh nhà lãnh đạo kiệt xuất Phi-đen Ca-xtơ-rô. Dự kiến tại nơi đây sẽ diễn ra một lễ diễu hành lớn vào ngày 28-11 để tiễn đưa lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Cu-ba về nơi an nghỉ cuối cùng.

Các tờ báo trên hòn đảo tự do đều được in một màu đen thay vì màu đỏ quen thuộc trên nhật báo Granma của Đảng Cộng sản Cu-ba hay màu xanh trên tờ Juventud Rebelde (Rebel Youth) của Đoàn Thanh niên Cộng sản.

 

 Người dân tưởng nhớ Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô bên ngoài Đại sứ quán Cu-ba ở Xan-ti-a-gô (Chi-lê). Ảnh: CNN.

Chia sẻ với phóng viên Reuters, ông Ra-pha-en U-bay (Rafael Urbay), 60 tuổi, chủ một cửa hàng phô tô và in ấn thuộc chính phủ ở thủ đô La Ha-ba-na, nhớ lại những năm đầu tiên đầy khó khăn sinh sống trên hòn đảo này. “Chúng tôi không chỉ nghèo. Chúng tôi thực sự khốn cùng... Rồi Phi-đen xuất hiện và làm cách mạng. Ông ấy đã cho chúng tôi được làm người. Tôi đã nợ ông mọi thứ”, ông U-bay bày tỏ cảm xúc về lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô.

Trong ngày 28-11, người dân thủ đô La Ha-ba-na có thể tham dự lễ viếng lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô tại Tượng đài Hô-xê Mác-ti từ 9 giờ sáng đến tận 12 giờ trưa ngày 29-11 (theo giờ địa phương), kéo dài thêm nửa ngày so với kế hoạch ban đầu. Nhiều địa phương trên cả nước Cu-ba cũng tiến hành các hoạt động tưởng nhớ lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô trong khoảng thời gian này. Theo kế hoạch, tối 29-11 sẽ diễn ra lễ tưởng niệm chính tại Quảng trường Cách mạng với sự tham gia của nhiều lãnh đạo, quan chức các nước trên thế giới.

Tro cốt của cố lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô sẽ được chôn cất tại nghĩa trang Santa Ifigenia vào đúng ngày kết thúc 9 ngày Quốc tang (4-12).

Sau khi lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô qua đời, chính phủ và nhân dân Cu-ba tiếp tục nhận được nhiều lời chia buồn sâu sắc và bày tỏ tình đoàn kết từ các nước trên thế giới. Ngày 26-11, Chính phủ Ni-ca-ra-goa đã ra sắc lệnh Quốc tang trong 9 ngày để tưởng nhớ lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô, người được coi như một người anh thân yêu của cuộc cách mạng Sandino ở Ni-ca-ra-goa. Tổng thống Ni-ca-ra-goa Đa-ni-ên Oóc-tê-ga (Daniel Ortega) và Phó tổng thống Rô-xa-ri-ô Mu-ri-giô (Rosario Murillo) đã gửi lời chia buồn tới nhân dân Cu-ba và khẳng định tình anh em, tình đoàn kết của chính phủ và nhân dân Ni-ca-ra-goa đối với Cu-ba. Trong điện chia buồn gửi tới Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô (Raul Castro) và nhân dân Cu-ba, Phó tổng thống Rô-xa-ri-ô Mu-ri-giô nhấn mạnh: “Trái tim của cách mạng châu Mỹ đang tan vỡ vì nỗi đau, nhưng sẽ không ngừng đập để tiếp tục đấu tranh và giành thắng lợi cùng với vị lãnh tụ cách mạng bất tử Phi-đen Ca-xtơ-rô”.

Điện chia buồn của Thủ tướng Ca-na-đa Giu-xtin Tru-đô (Justin Trudeau) chia sẻ: “Có một nỗi buồn thương sâu sắc khi tôi nghe tin về sự ra đi của cựu Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô, một nhà cách mạng huyền thoại, nhà lãnh đạo lớn đã dành gần cả cuộc đời mình phục vụ người dân Cu-ba trong gần nửa thế kỷ qua”.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Vê-nê-du-ê-la ra thông cáo cho biết, chính phủ nước này đã quyết định Quốc tang 3 ngày để tưởng nhớ lãnh tụ cách mạng Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Vê-nê-du-ê-la khẳng định Phi-đen Ca-xtơ-rô là con người vĩ đại, người thầy, là người đã cùng với cố Tổng thống U-gô Cha-vết (Hugo Chavez) kiến tạo mô hình hội nhập khu vực, dựa trên tình đoàn kết, sự bổ trợ, đối xử công bằng và nhân văn. Theo Tổng thống Vê-nê-du-ê-la Ni-cô-lát Ma-đu-rô (Nicolás Maduro), Phi-đen đã đi vào lịch sử nhân loại như một lãnh tụ luôn chiến đấu vì nhân phẩm, độc lập chủ quyền quốc gia và ông là một huyền thoại bất tử.

Sau khi lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô từ trần, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma tuyên bố “lịch sử sẽ ghi nhận và phán xét” về tác động của nhà lãnh đạo Phi-đen Ca-xtơ-rô với thế giới. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri cũng bày tỏ sự chia buồn đối với nhân dân Cu-ba, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác với nhân dân Cu-ba sau khi lãnh tụ Phi-đen qua đời.

Tổng thống Cô-lôm-bi-a Hoan Ma-nu-ên Xan-tốt (Juan Manuel Santos) bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Cu-ba, đồng thời bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ của lãnh tụ Phi-đen dành cho tiến trình hòa bình ở nước này. Về phần mình, thủ lĩnh tối cao của Lực lượng vũ trang Cách mạng Cô-lôm-bi-a (FARC) Rô-đri-gô Lông-đô-nhô (Rodrigo Londoño) bày tỏ Phi-đen là một trong những con người vĩ đại nhất của châu Mỹ và thế giới, đồng thời khẳng định thỏa thuận hòa bình vừa đạt được với Chính phủ Cô-lôm-bi-a để tưởng nhớ lãnh tụ Phi-đen.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Bra-xin ra thông cáo khẳng định, lãnh tụ cách mạng Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô là một trong những chính khách nổi tiếng nhất thế kỷ 20 và khi đề cập tới lịch sử châu Mỹ sẽ không thể không nhắc tới Phi-đen.

Nguyên thủ nhiều nước và tổ chức quốc tế trên thế giới tiếp tục gửi điện chia buồn tới Chính phủ Cu-ba, bao gồm: Tổng thống Ác-hen-ti-na Mau-ri-xi-ô Ma-cri (Mauricio Macri), Tổng thư ký Tổ chức Các nước châu Mỹ (OAS) Lu-ít An-ma-grô (Luis Almagro), Giáo hoàng Phran-xít (Francis), đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Phê-đê-ri-ca Mô-ghê-ri-ni (Federica Mogherini)...

Các hoạt động tưởng nhớ vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Cu-ba cũng được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới như đặt hoa tưởng niệm trước cửa Đại sứ quán Cu-ba tại một số nước. Các thành viên Đảng Cộng sản Ấn Độ đã tổ chức diễu hành mang theo ảnh của Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô ở Chen-nai vào ngày 26-11...

Ngay sau khi được tin vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Cu-ba qua đời, nhiều chính khách và học giả trên thế giới đã bày tỏ niềm tiếc thương và ca ngợi nhân cách cùng sự nghiệp cách mạng của ông. Theo Sputnik, ông I-van Men-ni-cốp (Ivan Melnikov), Phó chủ tịch thứ nhất Đu-ma Quốc gia, đại biểu từ Đảng Cộng sản Liên bang Nga đánh giá, nhà lãnh đạo cách mạng Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô là biểu tượng về lòng trung thành với hệ tư tưởng, sự kiên trung và sức chiến đấu, di sản của ông sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho những thế hệ tương lai, ký ức về ông cần trở thành bất tử tại Nga. Ông I-van Men-ni-cốp cho biết, đã có nhiều dịp gặp Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô và luôn thấy ở ông một hình mẫu và tấm gương trong chính trị. Mặc dù nhiều năm nắm quyền lãnh đạo, ông không phút giây nào để mất liên hệ với nhân dân mình. Bất kể tuổi tác, cho đến những ngày cuối cùng, ông vẫn giữ nguyên vẹn chiều sâu và độ sắc sảo trong tư duy. Ông đã sống cuộc đời huyền thoại và vĩ đại.

Chia sẻ những cảm xúc về vị lãnh tụ Cu-ba, chủ nhân giải Nô-ben Hòa bình danh giá, ông A-đôn-pho Pê-rết Ét-xquy-ven (Adolfo Perez Esquivel), người Ác-hen-ti-na, cho rằng: Chủ tịch Cu-ba, nhà lãnh đạo cách mạng Phi-đen Ca-xtơ-rô có đóng góp vĩ đại cho sự phát triển quyền con người và đoàn kết các dân tộc.

 

                                            Theo QĐND

Các tin khác


Tại sao ông Trump không phản đối gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine?

Ông Trump có thể được hưởng lợi khi để Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine.

Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

ASEAN tăng cường hợp tác về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuộc họp lần thứ 72 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72) và các sự kiện bên lề. Hoạt động nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Tương lai không còn ''ô nhiễm trắng''

"Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục