(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó đông nhất là dân tộc Mường, tiếp đó là dân tộc Kinh, Thái, Dao, Tày, Mông và các dân tộc khác. Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ riêng bên cạnh tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia. Nhắc đến Hòa Bình là nhắc đến dân tộc Mường với đặc điểm vừa tập trung về dân số vừa đậm đà về đời sống văn hóa ngôn ngữ Mường.

Là 1 trong 6 dân tộc thiểu số có số dân trên 1 triệu người, nhưng dân tộc Mường chưa có bộ chữ chính thức, trong khi 5 dân tộc: Tày, Thái, Khmer, Mông, Nùng đều có chữ viết. Năm 2016, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, bộ chữ viết dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đã được xây dựng và chính thức đưa vào sử dụng. Đó là một dấu mốc quan trọng của dân tộc Mường, gắn với 130 năm xây dựng và phát triển của tỉnh.

Tiếng Mường là tiếng mẹ đẻ của dân tộc Mường. Cho đến nay, tuyệt đại đa số các ý kiến đều thống nhất cho rằng, người Mường và người Kinh có chung nguồn gốc với giả thuyết có người Việt - Mường cổ trước đó.

Xét về mặt ngữ hệ (nguồn gốc), tiếng Mường và tiếng Việt đều có một nguồn gốc chung là thuộc nhóm Việt Mường. Nhóm này, ngoài tiếng Việt, tiếng Mường còn có tiếng Thổ, tiếng Chứt và các tiếng khác như tiếng Cuối, tiếng Poọng, tiếng Arem, tiếng Mã Liềng. Xét từ góc độ loại hình học, tiếng Mường có cùng loại hình với tiếng Việt, thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập với những đặc điểm: Từ không biến đổi hình thái; quan hệ ngữ pháp và ý nghĩa ngữ pháp được biểu thị chủ yếu bằng hư từ, trật tự từ và ngữ điệu; từ có tính phân tiết, các từ đơn tiết làm thành hạt nhân cơ bản của từ vựng; ranh giới các âm tiết thường trùng với ranh giới các hình vị. Xét từ góc độ chức năng, tiếng Mường là ngôn ngữ dùng để giao tiếp trong nội bộ dân tộc Mường, bên cạnh tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ quốc gia. Tiếng Mường có các phương ngữ.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020: "Chú trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể các dân tộc; tuyên truyền giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, con người, bản sắc văn hóa các dân tộc, tổng hợp kiểm kê, lập hồ sơ di sản văn hóa trình Bộ VH-TT&DL quyết định công nhận mo Mường, chiêng Mường là di sản văn hóa cấp quốc gia; xây dựng lộ trình lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, UBND tỉnh, trực tiếp là Sở KH&CN đã triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh "Xây dựng bộ chữ Mường phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy văn hóa Mường tại tỉnh Hòa Bình”. Đề tài do GS.TS Nguyễn Văn Khang làm chủ nhiệm, có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các Ban Đảng, Sở KH&CN cùng các nhà ngôn ngữ học, các trí thức dân tộc Mường. Sau khi Bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được nghiệm thu vào tháng 8/2016, ngày 8/9/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2295/QĐ-UBND về việc phê chuẩn Bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình; tiếp đó, ngày 27/10/2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND triển khai ứng dụng Bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình. Bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình được xây dựng trên cơ sở bảo đảm tính pháp lý, tính khoa học và sự đồng tình của bà con dân tộc Mường tại tỉnh; xây dựng trên cơ sở của chữ quốc ngữ với những nguyên tắc: Phản ánh, bao quát được bộ mặt ngữ âm chung của tiếng Mường tại tỉnh Hòa Bình, tức là có thể dùng để ghi được các biến thể tiếng Mường ở các vùng Mường trong tỉnh.

Như đã nêu ở trên, tiếng Mường tại tỉnh Hòa Bình thường được nhắc đến với 4 Mường: Bi, Vang, Thàng, Động. Có thể coi đây là 4 phương ngữ lớn của tiếng Mường. Trong mỗi phương ngữ lớn này lại có các tiểu phương ngữ, các thổ ngữ làng, bản. Ngữ âm tiếng Mường ở mỗi địa phương tuy có đặc điểm riêng nhưng đều có những đặc điểm chung. Vì thế, tại Hòa Bình, tiếng Mường có tiếng Mường chung (mang đặc điểm khái quát của tiếng Mường) và tiếng Mường phương ngữ (tiếng Mường ở từng địa phương, vừa có những đặc điểm của tiếng Mường chung vừa có những đặc điểm riêng). Việc xây dựng bộ chữ Mường phải dựa trên cơ sở những đặc điểm của tiếng Mường chung và có chú ý đến những đặc điểm riêng của các tiếng Mường phương ngữ.

Bộ chữ Mường được xây dựng trên cơ sở của chữ quốc ngữ, tức là, tận dụng những đặc điểm chung, thống nhất của chữ quốc ngữ để xây dựng chữ Mường tại tỉnh Hòa Bình. Bộ chữ Mường xây dựng trên cơ sở của chữ quốc ngữ, nhưng tránh chịu áp lực của tiếng Việt và chữ quốc ngữ nhằm giữ được bản sắc ngôn ngữ văn hóa của tiếng Mường. Đồng thời, luôn tính đến mối liên hệ với tiếng Việt và chữ quốc ngữ, tức là, tránh quá xa lạ với chữ quốc ngữ, làm cản trở việc phát huy lợi thế của việc biết chữ quốc ngữ khi học chữ Mường, cũng như giữ được thói quen, thẩm mỹ về chữ viết của chữ quốc ngữ đối với chữ Mường. Bộ chữ Mường tuy được xây dựng dựa trên chữ quốc ngữ nhưng phải khắc phục được tương đối triệt để những hạn chế này của chữ quốc ngữ.

Bộ chữ Mường phải là bộ chữ hiện đại nhưng tiện dụng, tức là: Bộ chữ Mường, một mặt phản ánh được lý thuyết của ngôn ngữ học hiện đại đối với việc xây dựng chữ viết và phù hợp với thời đại của công nghệ thông tin, hội nhập quốc tế, nhưng mặt khác phải thuận lợi trong giáo dục bằng chữ Mường và tiện lợi trong sử dụng. Hiện nay, một số sở, ban, ngành đã từng bước triển khai việc ứng dụng bộ chữ dân tộc Mường vào cuộc sống. Trong đó, Báo Hòa Bình điện tử đã xây dựng trang tiếng Mường (cùng với trang tiếng Việt, tiếng Anh) để cập nhật các tin, bài đã được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Mường để phục vụ bạn đọc và duy trì hàng tuần điểm tin truyền hình tiếng Mường.

                                                     VT(tổng hợp)

Các tin khác


Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

ASEAN tăng cường hợp tác về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuộc họp lần thứ 72 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72) và các sự kiện bên lề. Hoạt động nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Tương lai không còn ''ô nhiễm trắng''

"Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".

Tổng tham mưu trưởng IDF phê duyệt kế hoạch tiếp tục chiến dịch ở Gaza

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã phê duyệt các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục