Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 346.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.600 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 229 triệu ca, trong đó trên 4,7 triệu ca tử vong.


Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân tử vong do COVID-19 tới nhà xác bệnh viện ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 31.000 ca), Ấn Độ (30.809 ca) và Anh (29.612 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (793 ca), Mexico (765 ca) và Iran (391 ca).

Châu Á đến nay vẫn đang là điểm nóng dịch COVID-19 trên toàn thế giới, với tổng số ca mới hằng ngày ở mức cao nhất so với khu vực khác. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ, Philippines, Iran, Thái Lan là những nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất khu vực này, dao động từ khoảng 13.500 đến 31.000 ca. Đến nay, châu Á có tổng cộng 74,1 triệu ca mắc, trong đó có trên 1,09 triệu ca tử vong do COVID-19.

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về cả ca mắc và tử vong, lần lượt là trên 42,8 triệu và gần 692.000 ca.

Trung Quốc ghi nhận trên 40 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng


Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một trường học ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, ngày 15/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 19/9, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết nước này ghi nhận 66 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 43 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 23 ca nhập cảnh.

Theo số liệu của NHC, trong số các ca mắc nhập cảnh có 9 ca ở Vân Nam, Hồ Bắc, Quảng Tây và Tứ Xuyên mỗi nơi 3 ca, Thượng Hải và Quảng Đông mỗi nơi 2 ca và 1 ca ở Thiên Tân. Không có thêm trường hợp tử vong vì COVID-19 nào được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục trong ngày 18/9.

Tính tới ngày 18/9, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 8.792 ca mắc COVID-19 nhập cảnh, trong đó 8.248 bệnh nhân đã được xuất viện và vẫn còn 544 ca đang được điều trị. Tổng số bệnh nhân COVID-19 đã được ghi nhận tại Trung Quốc là 95.689 người, trong đó 4.636 người đã tử vong và 90.126 bệnh nhân đã bình phục.

Khu hành chính đặc biệt Hong Kong tính tới cuối ngày 18/9 đã ghi nhận tổng cộng 12.157 ca mắc, trong đó có 213 ca tử vong. Khu hành chính đặc biệt Macao vẫn dừng ở mức 63 ca mắc, trong khi tổng số ca mắc ghi nhận tại Đài Loan là 16.129 ca, bao gồm 839 ca tử vong. Tổng cộng 11.689 bệnh nhân mắc COVID-19 đã được xuất viện tại Hong Kong, trong khi con số này ở Macao và Đài Loan lần lượt là 63 người và 13.742 người.

Ấn Độ yêu cầu các bang phân tích sâu về tình hình COVID-19


Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ ngày 9/9/2021. Ảnh: Hindustan Times/TTXVN

Chính phủ liên bang của Ấn Độ đã yêu cầu các bang tiến hành phân tích sâu về tình hình COVID-19, củng cố cơ sở hạ tầng y tế, gia tăng dự trữ thuốc men thiết yếu và tăng cường nguồn nhân lực.

Những chỉ đạo trên được đưa ra trong cuộc họp trực tuyến do Chánh văn phòng Nội các Ấn Độ Rajiv Gauba chủ trì nhằm xem xét chiến lược ứng phó và kiểm soát COVID-19.

Trong một tuyên bố, Bộ Y tế Ấn Độ nêu rõ: "Ông nhắc nhở các bang rằng không có chỗ cho sự tự mãn và nhấn mạnh về sự cần thiết phải thực thi nghiêm túc quy định Hành xử Phù hợp COVID-19.

Ông đã khuyên các nhà quản lý y tế bang tiến hành phân tích chi tiết tình hình COVID-19, tăng cường cơ sở hạ tầng y tế, tiến hành dự trữ thuốc thiết yếu và tăng cường nhân lực sớm nhất để ứng phó với bất kỳ đợt bùng phát tiềm tàng các ca nhiễm”.

Về mùa lễ hội sắp tới, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết các bang được chỉ đạo đảm bảo và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa cần thiết để tránh tụ tập đông người và có quá nhiều người trong không gian kín. Bộ Y tế cũng hướng dẫn các bang theo dõi chặt chẽ tình hình số ca bệnh ở các huyện hàng ngày để xác định các tín hiệu cảnh báo sớm và đảm bảo áp dụng các biện pháp hạn chế nếu cần thiết.

Abu Dhabi dỡ bỏ quy định xét nghiệm cho người dân UAE

Hãng thông tấn WAM của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 18/9 cho hay Tiểu vương quốc Abu Dhabi từ ngày 19/9 sẽ dỡ bỏ quy định bắt buộc người dân phải xét nghiệm COVID-19 để có thể từ những nơi khác của UAE tới Abu Dhabi.

Thủ đô của UAE đang yêu cầu những người từ các nơi khác phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 mới được tới khu vực này. Quyết định mới của Abu Dhabi được đưa ra dựa trên tình hình dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát.

Đầu tháng này, Abu Dhabi cũng đã dỡ bỏ quy định bắt buộc cách ly đối với mọi du khách đã tiêm vaccine nhập cảnh từ nước ngoài.

Iran mở cửa trở lại các bảo tàng

Ngày 19/9, Iran đã cho mở cửa trở lại các bảo tàng ở thủ đô Tehran và nhiều thành phố khác sau hơn một năm ngừng hoạt động vì đại dịch COVID-19.

Giám đốc các viện bảo tàng của Iran, Mohammad-Reza Kargar cho biết: "Các bảo tàng ở Tehran và những thành phố lớn không còn thuộc vùng đỏ đã hoạt động trở lại. Chúng tôi chào đón khách du lịch, tham quan đồng thời cũng sẽ giám sát kỹ lưỡng các biện pháp phòng dịch". 

Là một quốc gia sở hữu bề dày văn hóa và lịch sử, Iran có tới 746 bảo tàng, trong đó 170 bảo tàng ở Tehran. Theo ông Kargar, để bảo đảm sức khỏe cho mọi người, số lượng khách tham quan sẽ phụ thuộc vào quy mô bảo tàng đồng thời những quy định dịch tễ được yêu cầu triển khai nghiêm túc.

Trong 14 tháng qua, do những biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19, các bảo tàng ở Iran chỉ cho phép nhân viên, nhà nghiên cứu, sinh viên được tiếp cận. Trong năm trước khi dịch COVID-19 buộc các bảo tàng ở Iran phải đóng cửa hồi tháng 5/2020, các bảo tàng này đã thu hút hơn 21 triệu lượt khách tham quan. 

Iran là quốc gia Trung Đông bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19, với trên 5,4 triệu ca mắc trong đó có trên 117.000 ca tử vong theo số liệu chính thức của Bộ Y tế nước này cập nhật ngày 19/9. Đã có 29 triệu người Iran trong tổng số 83 triệu dân được tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19 và gần 14 triệu người đã tiêm phòng đầy đủ.

Malaysia sẽ tiêm mũi vaccine tăng cường cho nhân viên tuyến đầu và người cao tuổi

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri cho biết chính phủ nước này đã quyết định tiêm mũi tăng cường vaccine COVID-19 cho những nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi để nâng cao hệ miễn dịch. 

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 19/9, Thủ tướng Ismail nhấn mạnh việc triển khai mũi tiêm tăng cường cho các nhóm có nguy cơ cao như có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch và người cao tuổi sẽ được triển khai sau khi tỷ lệ tiêm chủng quốc gia đạt 80% nhóm người trưởng thành. Mũi tiêm tăng cường này sẽ làm tăng khả năng miễn dịch ở những người có nguy cơ cao vì khả năng miễn dịch của họ có thể suy giảm sau một thời gian nhất định kể từ khi tiêm mũi thứ hai.

Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết việc triển khai mũi tiêm tăng cường có thể sẽ được bắt đầu vào tháng 10 tới. Trước đó, ông Khairy cảnh báo rằng nguyên nhân của số ca nhiễm mới và tử vong tại bang Sarawak tăng cao có thể là do hệ miễn dịch suy giảm. Sarawak là bang có tỷ lệ tiêm chủng cao và sớm nhất cả nước. Nếu điều này được chứng minh là đúng thì các bang khác sẽ đối mặt với tình trạng tương tự trong những tháng tới. Ngoài việc hiệu quả của vaccine bị giảm theo thời gian, ông Khairy cho biết khả năng gia tăng số ca nhiễm ở Bornean cũng có thể là do biến thể Delta cũng như nền kinh tế đang dần mở cửa trở lại.

Theo thống kê của Chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19, tính đến ngày 18/9, đã có 78,2% người Malaysia trưởng thành hoàn thành tiêm chủng. Riêng ngày 18/9 Malaysia đã thực hiện được 232.559 mũi tiêm. Tính trên tổng dân số, có khoảng 67,2% được tiêm ít nhất 1 mũi và 56% đã tiêm chủng đầy đủ.

Tính đến hết ngày 18/9, trong 24 giờ qua, Malaysia có thêm 15.549 ca mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 2.082.876 ca. Có thêm 324 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này lên 23.067 ca.

Lào tăng cường biện pháp phòng dịch COVID-19 tại thủ đô Viêng Chăn

Bộ Y tế Lào ngày 19/9 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 371 ca mắc mới COVID-19; trong đó có tới 303 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 19.185 ca, trong đó có 16 người tử vong. 

Theo Bộ Y tế Lào, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại nước này vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, thủ đô Viêng Chăn tiếp tục ghi nhận số ca cộng đồng cao nhất cả nước với 225 ca; trong đó, ổ dịch tại một nhà máy may mặc trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp khi ghi nhận 179 trường hợp mắc COVID-19 trong một ngày. 

Ngoài ra, một số tỉnh khác của nước này vẫn ghi nhận nhiều ca lây nhiễm cộng đồng trong một ngày như: Khammuan 27 ca, Champasak 26 ca…

Trước tình hình trên, Chính phủ Lào đêm 18/9 đã gửi thông báo hỏa tốc, đồng ý với đề nghị của Chính quyền thủ đô Viêng Chăn cho phép phong toả cục bộ 4 quận nội thành và một phần của 3 quận khác tại thủ đô kể từ 0h ngày 19/9 đến 24h ngày 30/9.

Đề nghị được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm cộng đồng ở thủ đô Viêng Chăn những ngày qua gia tăng đáng lo ngại, được cho là do người dân phớt lờ các quy định phòng chống lây nhiễm, tụ tập đông người ở nhiều nơi trong thành phố. Việc thủ đô Viêng Chăn ngày 18/9 phát hiện một ổ dịch lớn với 247 ca nhiễm tại một nhà máy may đã làm dấy lên nguy cơ bùng phát trên diện rộng và buộc chính quyền phải đi tới quyết định trên.

Theo đề xuất, thủ đô Viêng Chăn sẽ áp dụng lệnh phong toả hoàn toàn tại 4 quận trung tâm là Chanthabouly, Sikhottabong, Sisattanak và Xaysettha, trong khi việc đi lại tại 3 quận khác sẽ bị phong tỏa một phần. 

Theo đó, việc đi lại ở các vùng phong toả bị cấm hoàn toàn, ngoại trừ trường hợp được cấp phép. Các nhà máy tại khu vực bị phong toả cũng sẽ phải đóng cửa, ngoại trừ những nhà máy được xác nhận là đủ điều kiện hoạt động. Trong khi Chính quyền thủ Viêng Chăn sẽ trưng dụng lại một số trường học để làm nơi cách ly người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19.

Bên cạnh việc phong tỏa, mức phạt đối với các trường hợp vi phạm cũng sẽ bị tăng rất nặng, có thể lên đến 10 triệu Kip (khoảng 20 triệu đồng) hoặc đối mặt với biện pháp truy tố. Để chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống một làn sóng lây nhiễm mới xuất hiện tại thủ đô, chính quyền thủ đô Viêng Chăn cũng lên kế hoạch mở thêm bệnh viện dã chiến và các điểm xét nghiệm lưu động.

Indonesia tiếp nhận hơn 1,1 triệu liều vaccine do Mỹ viện trợ

Ngày 19/9, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia Johnny G. Plate cho biết nước này đã tiếp nhận thêm 1.140.750 liều vaccine COVID-19 của hãng Pfizer. Đây là lô vaccine thứ ba do Chính phủ Mỹ viện trợ qua Cơ chế COVAX. Trước đó, Indonesia đã tiếp nhận 877.500 liều vào ngày 16/9 và 1.755.000 liều vào ngày 17/9. Lô thứ tư với 871.650 liều dự kiến sẽ được bàn giao vào ngày 23/9.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Johnny cho hay cộng với 8.000.160 liều vaccine Moderna đã được Chính phủ Mỹ chia sẻ trước đó, tổng số vaccine mà quốc gia này viện trợ cho Indonesia lên tới 12.645.060 liều. Theo ông Johnny, việc tiếp nhận hơn 1,1 triệu liều vaccine trong ngày 19/9 nâng tổng số vaccine ngừa COVID-19 mà Indonesia đang sở hữu lên 257.350.400 liều. Ông Johnny nhấn mạnh rằng hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực ứng phó với COVID-19 của Indonesia. Ngay từ đầu, chính phủ đã thúc đẩy ngoại giao vaccine với nhiều quốc gia phục vụ cho chương trình tiêm chủng quốc gia.

Thêm 24 ca mắc mới tại New Zealand

Bộ Y tế New Zealand ghi nhận 24 ca mắc mới của COVID-19. Tất cả đều là các lây nhiễm trong cọng đồng ở thành phố Auckland. 

Theo Giám đốc Cơ quan Y tế công New Zealand Caroline McElnay, tổng số ca mắc COVID-19 trong đợt bùng phát dịch lần này tại New Zealand đã lên tới 1.050 ca với 1.033 ca ở Auckland và 17 ca ở Wellington. Tổng số ca mắc được ghi nhận ở New Zealand kể từ khi dịch bùng phát hồi năm ngoái là 3.704 ca.

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khuyến khích người dân sớm tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19. Đến nay, New Zealand đã tiêm 4.684.416 liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân.

Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Triều Tiên từ chối mọi liên lạc với Nhật Bản

Bà Kim Yo-jong, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, tuyên bố nước này sẽ từ chối mọi liên lạc với Nhật Bản.

LHQ kêu gọi Israel rút lại lệnh cấm vận chuyển thực phẩm tới phía Bắc Gaza

Ngày 26/3, người phát ngôn Cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA), ông Jens Laerke kêu gọi Israel rút lại lệnh cấm vận chuyển thực phẩm tới phía Bắc Gaza, khẳng định rằng người dân nơi đây đang phải đối mặt với nguy cơ chết vì đói.

Nga chiếm giữ các vị trí thuận lợi ở khu vực Donetsk

Hôm 25/3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng nước này đã chiếm giữ được các vị trí thuận lợi ở khu vực Donetsk.

Xung đột Hamas-Israel: HĐBA LHQ thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 25/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã lần đầu tiên thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Gaza.

Israel cân nhắc cho phép dân thường Palestine trở lại miền Bắc Gaza

Ngày 24/3, Israel đã phát đi tín hiệu về khả năng cho phép những người Palestine phải đi lánh nạn có thể trở về nhà tại khu vực miền Bắc Dải Gaza. Đây cũng là một phần của tiến trình đàm phán nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn tại khu vực này.

Vụ tấn công tại Moskva: Hai nghi phạm bị buộc tội khủng bố

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Ủy ban Điều tra Liên bang Nga ngày 24/3 đã đưa ra các cáo buộc đối với 2 người đàn ông bị tình nghi tham gia vụ tấn công khủng bố Nhà hát Crocus City Hall hôm 22/3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục