Nhiều nước châu Á đang vật lộn với thời tiết nắng nóng khi nhiệt độ tăng cao kỷ lục. Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu đang là vấn đề được các nước quan tâm bởi nền nhiệt độ tăng cao bất thường gây ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt của người dân, làm đình trệ hoạt động sản xuất và tác động không nhỏ tới kinh tế-xã hội.


Nắng nóng tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Nhiều quốc gia châu Á đã liên tục phải hứng chịu những đợt nắng nóng vào cuối tháng 5 vừa qua, thời điểm thời tiết thường mát mẻ hơn khi bắt đầu mùa mưa. Nắng nóng gay gắt tiếp tục ảnh hưởng đến Seoul và nhiều vùng khác ở Hàn Quốc trong ngày 19/6, khiến người dân hạn chế đi ra ngoài khi nhiệt độ ban ngày vượt quá 30oC.

Theo Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA), thủ đô Seoul ghi nhận mức nhiệt 33,4oC vào lúc 16 giờ. Một số thành phố khác cũng ghi nhận nền nhiệt ban ngày tăng như thành phố Cheongju, Daejeon và Gwangju lần lượt ở mức 33,8oC, 32,9oC và 33,2oC. KMA dự báo nền nhiệt cao nhất ghi nhận hằng ngày có thể tăng lên mức 35oC. Đây là ngày thứ hai liên tiếp cảnh báo về nắng nóng bất thường được đưa ra đối với Seoul, trong khi với 13 thành phố khác thì đây là ngày thứ ba liên tiếp.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), từ ngày 20/5 đến ngày 17/6, đã có 104 người phải nhập viện vì gặp phải những vấn đề về sức khỏe do nắng nóng gây ra. Chính quyền các địa phương ở Xứ Kim chi đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống nắng nóng như lắp đặt máy làm mát phun sương và cơ sở trú nắng tạm thời trên đường phố cũng như chỉ định những địa điểm trú nắng tạm thời cho người cao tuổi và những người dễ bị tổn thương do nắng nóng.

Một số nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Bangladesh cũng đang đối mặt đợt nắng nóng khắc nghiệt. Cơ quan Quản lý Thiên tai và Hỏa hoạn, thuộc Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, cho biết, số trường hợp phải nhập viện vì nắng nóng tại nước này trong tháng 5 vừa qua tăng lên hơn 3.600 người, mức cao thứ hai so với các tháng 5 kể từ năm 2015 khi cơ quan này bắt đầu thu thập số liệu thống kê.

Đất nước Mặt trời mọc cũng phải căng mình chống nóng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa sốc nhiệt, khi dự báo nhiệt độ trong mùa hè sắp tới có thể cao hơn mức trung bình hằng năm. Giới chức Ấn Độ cập nhật thông tin mới nhất về thiệt hại về người do nắng nóng gây ra, theo đó trong vài ngày qua đã ghi nhận ít nhất 96 người tử vong tại hai bang đông dân nhất nước là Uttar Pradesh (54 người) và Bihar (42 người).

Do tình hình nghiêm trọng, cơ quan chức năng địa phương đã yêu cầu các nhân viên y tế không nghỉ phép và cung cấp thêm giường bệnh trong khu cấp cứu để đáp ứng lượng bệnh nhân ngày càng đông. Trong khi đó, Bangladesh đã đóng cửa nhà máy điện lớn nhất nước này do không có đủ than đá để duy trì hoạt động, trong bối cảnh đợt nắng nóng gay gắt khiến nhu cầu sử dụng điện tăng vọt.

Các chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo nhiều khả năng hiện tượng El Nino sẽ trở lại những tháng tới, làm nhiệt độ toàn cầu tăng cao, tạo ra những kỷ lục nắng nóng mới. Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC), nhiệt độ Trái đất càng tăng sẽ làm gia tăng nhiều rủi ro.

Tình trạng nắng nóng gay gắt như thiêu đốt ở châu Á thời gian qua đã trở nên nguy hiểm hơn do độ ẩm cao, khiến cơ thể khó hạ nhiệt, gây ra các triệu chứng như say nắng, kiệt sức, có thể đe dọa tính mạng. Đặc biệt, nắng nóng tác động trực tiếp tới những người lao động làm việc ngoài trời, lao động phi chính thức, đe dọa môi trường và sinh kế vốn bấp bênh của những người dễ bị tổn thương.

Hiện tượng nóng lên toàn cầu, được cho là nguyên nhân khiến các đợt sóng nhiệt xảy ra thường xuyên hơn, đang làm trầm trọng thêm các hình thái thời tiết bất lợi nếu các chính phủ không có những hành động quyết liệt để đảo ngược xu hướng này.

Các chuyên gia cho rằng, các nước trong khu vực Đông Nam Á, một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng biến đổi khí hậu, cần chủ động hơn nữa trong việc tìm cách thích nghi, cải thiện khả năng dự báo để có thể hành động ứng phó sớm, nhằm tránh thiệt hại tối đa do sóng nhiệt gây ra.



Theo Báo Nhân Dân


Các tin khác


Độc đáo máy bay ''Tomorrowland'' mới với công nghệ thực tế tăng cường

Brussels Airlines vừa giới thiệu phiên bản mới của chiếc máy bay "Amare" mang màu sắc lễ hội Tomorrowland, đánh dấu sự hợp tác lâu dài giữa hãng hàng không Bỉ và lễ hội âm nhạc điện tử nổi tiếng thế giới.

Kế hoạch phòng thủ dân sự của Thụy Điển cho tình huống xung đột lan rộng ở châu Âu

Thụy Điển đang tăng cường phòng thủ dân sự, đặc biệt là kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn khủng hoảng.

Nga và Ukraine nhất trí trao đổi trẻ em di dời do xung đột

Nga và Ukraine đã nhất trí trao đổi khoảng 50 trẻ em phải di dời sau khi xung đột giữa hai nước bùng phát hồi tháng 2/2022.

Tại sao ông Trump không phản đối gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine?

Ông Trump có thể được hưởng lợi khi để Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine.

Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục