Chiều hướng gia tăng lớn trong sản xuất năng lượng Mặt trời ở Nam Âu đóng vai trò hàng đầu trong việc ngăn chặn tình trạng thiếu điện trong các đợt nắng nóng đang càn quét châu Âu trong những tuần gần đây, khi nhiệt độ phá vỡ kỷ lục và thúc đẩy nhu cầu dùng điều hoà chưa từng có.

Chú thích ảnh

Cháy rừng nghiêm trọng trên đảo Rhodes (Hy Lạp). Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, nặng lượng Mặt trời đặc biệt phù hợp để đối phó với cái nóng mùa hè do bức xạ mặt trời mạnh nhất vào thời điểm nóng nhất trong ngày, cùng thời điểm với nhu cầu điện để làm mát cũng ở mức cao nhất.

Kristian Ruby, Tổng Thư ký của tập đoàn công nghiệp điện Eurelectric, chia sẻ về tình hình ở Tây Ban Nha: "Về cơ bản, sự tăng trưởng rất đáng kể của năng lượng Mặt trời đã bù đắp cho những đợt tiêu thụ đỉnh điểm do điều hòa không khí gây ra”.

Tây Ban Nha và Hy Lạp nằm trong số các quốc gia đã lắp đặt thêm nhiều tấm pin Mặt trời trước giá năng lượng vọt cao kỷ lục vào năm ngoái và nhiệm vụ tăng cường an ninh năng lượng liên quan đến xung đột Ukraine-Nga.

Nhà điều hành lưới điện Tây Ban Nha Red Electrica cho biết Tây Ban Nha đã bổ sung công suất quang điện Mặt trời kỷ lục 4,5 gigawatt vào năm ngoái, dẫn đến sản lượng năng lượng Mặt trời trong tháng 7 - thường là một trong những tháng nắng nhất - cao hơn bất kỳ tháng nào cho đến nay.

Dữ liệu từ Ember cho thấy năng lượng Mặt trời cung cấp gần 24% điện năng của Tây Ban Nha vào tháng 7 năm nay, tăng từ 16% cùng kỳ năm ngoái.

Theo dữ liệu của Refinitiv, khi nhiệt độ tăng cao và nhu cầu làm mát dẫn đến nhu cầu điện của Sicilia đạt đỉnh vào ngày 24/7, gần một nửa nhu cầu dư thừa - tổng cộng là 1,3 GW - được cung cấp bởi năng lượng Mặt trời. Trong tháng trước, sản lượng năng lượng Mặt trời của Sicily cao hơn gấp đôi so với tháng 7/2022.

Nathalie Gerl, nhà phân tích năng lượng của Refinitiv, giải thích: "Nếu không có thêm năng lượng Mặt trời, sự ổn định của hệ thống điện lưới sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều”.

Sản lượng năng lượng Mặt trời cao hơn đã giúp đáp ứng nhu cầu ở cả Tây Ban Nha và Hy Lạp. Nhà điều hành lưới điện IPTO cho hay trong thời kỳ nhu cầu điện năng cao nhất của Hy Lạp trong năm nay, cũng vào ngày 24/7, quang điện Mặt trời đã đáp ứng 3,5GW trong tổng nhu cầu 10,35GW.

Ngay cả ở các quốc gia phương Tây mát mẻ và ít chịu cảnh nắng nóng hơn như Bỉ, năng lượng Mặt trời đã đáp ứng hơn 100% năng lượng bổ sung cần thiết trong thời gian nhu cầu điện tăng đột biến vào giữa ngày.

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng năng lượng Mặt trời vẫn chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong cơ cấu năng lượng ở hầu hết các quốc gia, nơi các nguồn bao gồm năng lượng gió, khí đốt, than đá và hạt nhân thường đáp ứng phần lớn nhu cầu trong năm.

Bên cạnh năng lượng Mặt trời, các nhà phân tích chỉ ra yếu tố thứ hai đã giúp duy trì các mạng lưới năng lượng của châu Âu hoạt động trong mùa hè này là do nhu cầu điện năng tương đối thấp so với những năm trước.

Kể từ cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu năm ngoái khi Nga cắt giảm việc cung cấp khí đốt cho châu Âu, giá năng lượng tại đây vẫn còn cao so với mức lịch sử. Chính vì vậy, người tiêu dùng cũng như các ngành công nghiệp được khuyến cáo tiết kiệm điện năng hết sức có thể.

Cái nóng gay gắt của mùa hè năm nay đôi lúc phá vỡ xu hướng này. Nhưng nhìn chung, nhu cầu tiêu thụ điện trong năm nay ở dưới mức bình thường. Ví dụ, mức sử dụng điện trung bình mỗi giờ của Italy trong tháng 7 thấp hơn 4,4% so với tháng 7/2022, trong khi của Tây Ban Nha giảm 3,6%.

Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến các đợt nắng nóng như ở miền Nam châu Âu đã phải hứng chịu vào mùa hè này xảy ra thường xuyên hơn và thậm chí còn nghiêm trọng hơn trong những năm tới, từ đó làm tăng thêm gánh nặng cho cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu.

Simone Tagliapietra, thành viên cấp cao của viện nghiên cứu Bruegel, cho biết: "Các mạng lưới năng lượng của chúng ta thực sự không được thiết kế để đối phó với những kịch bản như vậy”.

Ngay cả trước khi xảy ra các vụ cháy rừng và nhiệt độ kỷ lục trong năm nay, nắng nóng và hạn hán vào năm ngoái đã làm giảm sản lượng thủy điện, cản trở việc vận chuyển nhiên liệu bằng đường sông và buộc một số nhà máy điện hạt nhân phải cắt giảm sản lượng khi việc làm mát các nhà máy bị hạn chế.

Trong một bức thư gửi Ủy ban châu Âu vào tuần trước, các tập đoàn lớn trong ngành bao gồm SolarPower Europe đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tăng tốc đầu tư vào lưới năng lượng và thúc đẩy các dự án kết hợp năng lượng Mặt trời với lưu trữ năng lượng, để đảm bảo năng lượng Mặt trời mở rộng đủ nhanh để đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu.

Theo báo Tin tức


Các tin khác


Độc đáo máy bay ''Tomorrowland'' mới với công nghệ thực tế tăng cường

Brussels Airlines vừa giới thiệu phiên bản mới của chiếc máy bay "Amare" mang màu sắc lễ hội Tomorrowland, đánh dấu sự hợp tác lâu dài giữa hãng hàng không Bỉ và lễ hội âm nhạc điện tử nổi tiếng thế giới.

Kế hoạch phòng thủ dân sự của Thụy Điển cho tình huống xung đột lan rộng ở châu Âu

Thụy Điển đang tăng cường phòng thủ dân sự, đặc biệt là kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn khủng hoảng.

Nga và Ukraine nhất trí trao đổi trẻ em di dời do xung đột

Nga và Ukraine đã nhất trí trao đổi khoảng 50 trẻ em phải di dời sau khi xung đột giữa hai nước bùng phát hồi tháng 2/2022.

Tại sao ông Trump không phản đối gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine?

Ông Trump có thể được hưởng lợi khi để Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine.

Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục