Dân tộc ta đã phải trải qua hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trên mặt trận ngoại giao đã có những cột mốc lịch sử với những bước ngoặt cho hai cuộc kháng chiến lâu dài ấy diễn ra tại hai thành phố Giơneve (Thụy Sĩ) và Paris (Pháp). Vì thế từ lâu tôi ao ước có dịp đặt chân tới những địa danh ấy. Tour du lịch châu Âu Pháp - Thụy Sĩ - Ý - Áo - Đức diễn ra trong 10 ngày là rất phù hợp với ý nguyện của tôi. Theo múi giờ, châu Âu chậm hơn nước ta 5 giờ, vì thế vào lúc 12 giờ đêm hôm trước bay từ sân bay Nội Bài, Hà Nội đến sân bay Charles de Gaulle, Paris thì đã là buổi sáng hôm sau của nước Pháp.


Tháp Eiffel biểu tượng của nước Pháp.

Bảo tàng Louvre với kiến trúc độc đáo.

Sông Seine thơ mộng.

Đoàn tham quan du lịch chúng tôi được bố trí một xe du lịch 45 chỗ ngồi để rong ruổi qua 5 nước phía Tây "lục địa già”. Lái xe là anh da màu Colepha, 35 tuổi, người Senegal, quốc tịch Pháp, theo đạo Hồi. Những ngày đầu của hành trình, Colepha còn chuyển hành lý ra khỏi gầm xe cho du khách nhưng mấy ngày còn lại anh chỉ mở gầm xe để khách chui vào lấy hành lý. Qua hướng dẫn viên du lịch cho biết trong đoàn ai đó đã có hành động, lời nói hoặc hành vi làm cho anh ta phật ý. Ở Pháp vấn đề chủng tộc rất nhạy cảm vì người nhập cư khá đông. Nước Pháp với 67,75 triệu dân mà năm 2022 đón 66,6 triệu du khách quốc tế, ước năm 2025 sẽ là 93,7 triệu lượt, vì thế các điểm tham quan nổi tiếng ở Paris đều đông nghịt du khách. Chỉ có 1 ngày đêm với thủ đô nước Pháp nên những Khải Hoàn Môn (từng quản linh cữu Victor Hugo một đêm và thi hài Napoleong đi qua), quảng trường Concorde (quảng trường Hòa Hợp), tháp Eiffel, bảo tàng Luvre… cũng chỉ dám lướt qua chụp hình lưu niệm.

Nhưng đến Paris mà không ngồi du thuyền trên sông Seine hay ghé qua quận 8 chuyên dành cho mua sắm hàng lưu niệm và ngắm những khu phố với kiến trúc Hausmani (một nam tước, kĩ sư) mà ta từng gặp đâu đó ở trung tâm Hà Nội thì thật đáng tiếc. Thủ đô Paris có 20 quận thì các quận 1 - 11 xây dựng theo kiến trúc cổ, không quá 5 tầng, các quận còn lại (chủ yếu là ngoại vi) được phép xây dựng cao tầng theo kiến trúc mới. Chúng tôi đến là mùa hè nên người dân Paris thường ngồi ở các quán cafe có ánh nắng, vừa nhâm nhi ly cà phê vừa tắm nắng. Sông Seine được mệnh danh là "nàng công chúa quyến rũ”, nó được bắt nguồn từ cao nguyên Langres với độ cao 446 m và đổ ra eo biển La Manche dài 776 km, chảy qua địa phận Paris với 37 cây cầu. Cùng quần thể kiến trúc cổ kính dọc 2 bên bờ sông Seine, Thủ đô Paris đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1991. Ngồi trên du thuyền tôi bỗng bừng thức một ao ước đến tương lai (dẫu là còn xa vời): hạ du sông Đà quê tôi sẽ trở thành một vùng du ngoạn bằng tàu thủy cho du khách thập phương. Theo đó, từ sau đập thủy điện Hòa Bình, đến ngã ba Hồng Đà (nơi gặp gỡ của sông Hồng và sông Đà) có chiều dài gần 100 km với cảnh vật hai bên bờ - một vùng truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh, nơi phát tích Đức Thánh Tản (vị thần đứng đầu "tứ bất tử” của dân tộc) với nhiều cây cầu bắt qua cùng đỉnh Ba Vì soi bóng xuống Đà Giang trầm mặc, lung linh. Sau một đêm bay tới 13 giờ đồng hồ và một ngày thăm thú "thủ đô ánh sáng” Paris, chúng tôi đắm chìm vào trong giấc ngủ tại một khách sạn vùng ngoại vi.

Ngày hôm sau, đoàn rời Paris trên một cao tốc dài 400 km để đến với ngôi làng cổ Colmar thuộc miền Đông Bắc nước Pháp. Dọc hai bên đường cao tốc là những cánh đồng lúa mì vàng óng trải dài tít tắp, với những bơm nước tưới tự động, thấp thoáng đâu đó là những vùng đất trồng hoa Lavende (oải hương) tím ngắt, dùng chế biến tinh dầu làm nước hoa Pháp nổi tiếng. Những cánh đồng cỏ đã được cắt xong, đóng thành kiện nằm lăn lóc, chờ xe chở về kho chuẩn bị cho mùa đông tới. Trở lại làng Colmar - đây là ngôi làng có từ thời trung cổ chủ yếu được làm bằng gỗ, với mái ngói màu đỏ, các ban công có nhiều giỏ hoa tươi đầy màu sắc rực rỡ. Ngôi làng được ví "viên ngọc ẩn đẹp nhất châu Âu”, các ngõ phố trong làng ngắn, không có con đường nào thẳng. Auguste Bartholdi (1834 - 1904) - người đã tạo dựng "Nữ thần Tự Do” ở nước Mỹ, sinh ra và lớn lên ở làng này. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông, làng đã dựng bản sao tượng Nữ thần Tự Do cao 12m được đặt ở đầu làng. Làng mà như phố và ngược lại, một hình mẫu về quản lý các làng cổ sao cho hài hòa giữa bảo tồn và phát triển trong xu thế hội nhập ngày càng sâu của thế giới. Ngôi làng cổ đẹp đến mức trải qua hai cuộc đại chiến thế giới, không một người lính nào (từ hai phía) nỡ nhả đạn vào ngôi làng này.

Làng Colmar tọa lạc ngay bên dòng sông Lauch thơ mộng của Pháp, cạch Strasbourg - thủ phủ vùng Alsace khoảng 64 km về phía Tây Nam. Với diện tích 66 km2 và gần 70 nghìn dân, được mệnh danh là "tiểu Venice” của Pháp. Nơi đây còn nổi tiếng là một trong những vùng đất có những vườn nho trải dài nhất nước Pháp. Chế biến rượu vang ở đây cũng dễ dàng hơn nhờ điều kiện khí hậu ôn hòa khô ráo, hằng năm địa phương cũng tổ chức lễ hội rượu vang. Đi thuyền dọc con sông Lauch, ngồi trên đoàn tàu màu trắng chạy bằng hơi nước, đi xe đạp… là những thú vui trải nghiệm ngôi làng cổ này. Vẻ đẹp đầy lôi cuốn của ngôi làng cổ đã khiến những cặp tình nhân luôn muốn đến đây hò hẹn và không ít lần nơi đây vinh dự trở thành địa điểm cầu hôn lãng mạn cho các cặp đôi.

Chúng tôi - những du khách đã ở tuổi xế chiều thì cảm giác lãng mạn ấy chỉ thoáng qua như là quá vãng, chỉ biết ghi lại những tấm hình về con đường mui rùa - cho móng ngựa đi khỏi trượt ngã trong mùa đông phủ đầy tuyết; những bức tường nhà dân nhiều họa tiết, kiến trúc tinh túy thời trung cổ, rồi tranh thủ ngả lưng cho đẫy giấc để sáng hôm sau còn đủ sức theo kịp    bước chân của đoàn tới những miền đất mới của "lục địa già”.


Tùy bút của Đà Giang

Các tin khác


Độc đáo máy bay ''Tomorrowland'' mới với công nghệ thực tế tăng cường

Brussels Airlines vừa giới thiệu phiên bản mới của chiếc máy bay "Amare" mang màu sắc lễ hội Tomorrowland, đánh dấu sự hợp tác lâu dài giữa hãng hàng không Bỉ và lễ hội âm nhạc điện tử nổi tiếng thế giới.

Kế hoạch phòng thủ dân sự của Thụy Điển cho tình huống xung đột lan rộng ở châu Âu

Thụy Điển đang tăng cường phòng thủ dân sự, đặc biệt là kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn khủng hoảng.

Nga và Ukraine nhất trí trao đổi trẻ em di dời do xung đột

Nga và Ukraine đã nhất trí trao đổi khoảng 50 trẻ em phải di dời sau khi xung đột giữa hai nước bùng phát hồi tháng 2/2022.

Tại sao ông Trump không phản đối gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine?

Ông Trump có thể được hưởng lợi khi để Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine.

Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục