Chưa bao giờ quan hệ Pakistan với Mỹ lại cay đắng như lúc này. Hôm 4-5, báo Dawn của Pakistan cho biết Bộ trưởng thông tin Pakistan Firdous Ashiq Awan đã phải ra trước thượng viện nước này và phát biểu: “Loại chiến dịch như đã diễn ra tại Abbottabad không thể được tái diễn một lần nào nữa”.

Một người dân Pakistan đọc báo đưa tin về cái chết của Bin Laden tại Lahore ngày 3-5 - Ảnh: AFP

Trước đó một ngày, thông cáo số 152/2011 của Bộ Ngoại giao Pakistan nêu rõ: “Chính phủ Pakistan kịch liệt phủ nhận các tường thuật của báo chí cho thấy lãnh đạo chính phủ, cả dân sự lẫn quân sự, đã được hay biết trước về cuộc hành quân của Mỹ chống lại Bin Laden vào đầu ngày 2-5-2011...

Các tường thuật về việc trực thăng Mỹ đã cất cánh từ căn cứ không quân Ghazi (của Pakistan) là hoàn toàn sai lạc. Không một căn cứ hay cơ sở nào nằm trong lãnh thổ Pakistan đã được quân lực Mỹ sử dụng, hoặc quân đội Pakistan đã cung cấp bất cứ hỗ trợ chiến thuật hay hậu cần nào cho các chiến dịch của lực lượng Mỹ.

Trực thăng Mỹ đã bay vào Pakistan bằng cách lợi dụng các điểm mù trên rađa do địa hình đồi núi. Trực thăng Mỹ không bị phát hiện nhờ địa hình đồi núi và sử dụng hiệu quả kỹ thuật mới nhất cùng kỹ thuật bay sát mặt đất. Đến khi nhận được thông tin về vụ việc này, không quân Pakistan đã tung máy bay phản lực ra ngay, chỉ trong vòng vài phút...

Chính phủ Pakistan bày tỏ mối quan ngại sâu sắc cùng những dè dặt của mình về cách thức Chính phủ Mỹ đã tiến hành chiến dịch này mà không báo trước hay được phép của Chính phủ Pakistan. Việc đơn phương hành động như thế không thể trở thành lệ. Chính phủ Pakistan khẳng định một việc như thế sẽ không thể trở thành một tiền lệ cho bất cứ quốc gia nào, kể cả Mỹ (có thể hành động tương tự). Những hành động như thế hủy hoại sự hợp tác và có thể tạo thành mối đe dọa cho hòa bình và an ninh quốc tế”.

Thông cáo trên hết sức thiệt tình. Trước hết, “thanh minh” với mọi người và cả Al Qaeda rằng Pakistan không giúp đỡ gì Mỹ trong chiến dịch khử Bin Laden. Sự “phòng xa” này khớp với nhận xét của một website nghiên cứu an ninh chiến lược phương Tây là Global Security: “Ở Pakistan, có sự lo ngại rằng bọn khủng bố sẽ trả thù người Pakistan vì cái chết của Bin Laden”.

Càng thiệt tình hơn khi thừa nhận yếu thế hơn nên đã không dò ra được trên rađa để máy bay trực thăng Mỹ vô ra như chỗ không người! Càng thiệt tình hơn nữa khi nêu thẳng những gì khiến Pakistan sợ hết hồn: 1/ E rằng sẽ biến thành “lệ” và đồng minh Mỹ sẽ làm tiếp dài dài. 2/ Đồng minh Mỹ làm được, biết đâu hai láng giềng Ấn - Trung cũng lấy đó làm tiền lệ mà làm theo.

Một thông cáo nội dung nghiêm trọng cỡ đó song lại “yếu xìu” khi chỉ nói “quan ngại sâu sắc” chứ không phải là “kịch liệt phản đối”.

Ngay sau thông cáo trên lại thêm thông cáo số 153/2011 “yếu xìu” nữa cũng của Bộ Ngoại giao Pakistan loan báo ngắn ngủi về cuộc họp tay ba các quan chức cao cấp Afghanistan, Pakistan và Mỹ tại trụ sở bộ ngoại giao nước này, mà đại diện của Mỹ là đặc sứ Marc Grossman với nội dung là “tiến trình hòa giải và hòa bình ở Afghanistan phải do người Afghanistan; phải ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội...”.

Coi như không có gì xảy ra! Cũng thế, trong cuộc họp báo ngày 4-5 ở Nhà Trắng, khi một phóng viên nêu câu hỏi “Chính phủ Pakistan gọi vụ đột kích hôm chủ nhật là đơn phương hành động không được phép. Phát biểu này sẽ tác động gì đến các chiến dịch đặc biệt trong tương lai liên quan đến Al Qaeda? Quý vị sẽ lại sử dụng cũng phương pháp đó, như hôm chủ nhật, ngay cả sau...?”, thư ký báo chí Nhà Trắng ngắt lời: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm và đưa ra trước pháp luật bọn khủng bố đang âm mưu ám hại người Mỹ và đồng minh. Câu hỏi này là giả định, song chắc chắn rằng phương pháp đó đã, đang rất hiệu quả và hoàn toàn hợp pháp”.

Ở Bộ Ngoại giao Mỹ, khi một phóng viên hỏi “Liệu Mỹ sẽ xem xét hành quân giống vậy trong tương lai, mặc dù Chính phủ Pakistan tỏ rõ không hài lòng với phương cách đó?”, người phát ngôn Toner trả lời: “Thừa nhận rằng Al Qaeda đã bỏ ý định tấn công nước Mỹ. Song đây là một cuộc xung đột vũ trang và chúng tôi tin rằng nước Mỹ, theo luật pháp quốc tế, có quyền sử dụng vũ lực để tự vệ khi cần thiết”.

Không rõ có phải vì lý do này hay gì khác mà cựu tổng thống Bush, người đã khởi sự cuộc chiến chống khủng bố, đã từ chối không tham dự “lễ báo công” của Tổng thống Barack Obama ở Ground Zero!

                                                                                Theo Tuổi trẻ

 

 

Các tin khác


Độc đáo máy bay ''Tomorrowland'' mới với công nghệ thực tế tăng cường

Brussels Airlines vừa giới thiệu phiên bản mới của chiếc máy bay "Amare" mang màu sắc lễ hội Tomorrowland, đánh dấu sự hợp tác lâu dài giữa hãng hàng không Bỉ và lễ hội âm nhạc điện tử nổi tiếng thế giới.

Kế hoạch phòng thủ dân sự của Thụy Điển cho tình huống xung đột lan rộng ở châu Âu

Thụy Điển đang tăng cường phòng thủ dân sự, đặc biệt là kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn khủng hoảng.

Nga và Ukraine nhất trí trao đổi trẻ em di dời do xung đột

Nga và Ukraine đã nhất trí trao đổi khoảng 50 trẻ em phải di dời sau khi xung đột giữa hai nước bùng phát hồi tháng 2/2022.

Tại sao ông Trump không phản đối gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine?

Ông Trump có thể được hưởng lợi khi để Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine.

Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục