Hôm nay (8-11) hoặc ngày mai, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ ra báo cáo, mà theo các nguồn tin phương Tây, trong đó khẳng định Iran đã làm chủ được các bước cần thiết để chế tạo bom hạt nhân.

 

Lực lượng vệ binh cộng hòa Iran thử tên lửa ở sa mạc bên ngoài thành phố Qom hồi tháng 11-2006 - Ảnh: AFP/Getty Images

Ngày 6-11, dẫn lời các quan chức và chuyên gia hạt nhân phương Tây đã tiếp cận được báo cáo của IAEA, báo Washington Post cho biết các nhà lãnh đạo Iran chưa quyết định có sản xuất vũ khí hạt nhân hay không. Nhưng Tehran đã chuẩn bị đầy đủ mọi kỹ năng và thiết bị để chế tạo bom hạt nhân nếu muốn. Theo cựu quan chức IAEA David Albright, IAEA đã thu thập thông tin tình báo từ nhiều nguồn và xác định Iran “có đủ dữ liệu để thiết kế và sản xuất một thiết bị nổ hạt nhân, sử dụng uranium làm giàu”.

Hỗ trợ từ chuyên gia nước ngoài

Theo báo cáo, một trong những đột phá của Iran là có được bản thiết kế thiết bị có tên máy phát R265. Đây là thiết bị gây nổ có độ chính xác cao nhằm kích hoạt một phản ứng hạt nhân dây chuyền. “Thiết bị này là một thách thức công nghệ khó khăn, và Iran cần sự hỗ trợ kỹ thuật từ nước ngoài để thiết kế và thử nghiệm nó” - ông Albright cho biết.

Theo các thông tin tình báo mà IAEA nhận được, nhà khoa học hạt nhân Liên Xô Vyacheslav Danilenko đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Tehran thiết kế thiết bị R265. Trung tâm Nghiên cứu vật lý Iran (PRC) đã ký hợp đồng thuê Danilenko hồi giữa thập niên 1990 và theo các tài liệu của IAEA, Danilenko đã làm việc cho chính quyền Iran trong năm năm.

Các quan chức ngoại giao châu Âu cũng tiết lộ các thanh sát viên IAEA đã rất nỗ lực liên hệ với Danilenko và Danilenko thừa nhận từng hỗ trợ Iran phát triển công nghệ hạt nhân, nhưng ông khẳng định công việc của mình chỉ là hỗ trợ các chương trình hạt nhân dân sự của Tehran. Theo Washington Post, không có bằng chứng nào cho thấy các quan chức chính quyền Nga biết về các hoạt động của Danilenko ở Iran.

Các nhà ngoại giao và chuyên gia hạt nhân phương Tây cũng cho biết Tehran còn được các chuyên gia nước ngoài, từ CHDCND Triều Tiên và Pakistan, cung cấp các công thức và mã toán học để thiết kế các thiết bị hạt nhân. Trong số này đáng chú ý là cha đẻ chương trình hạt nhân của Pakistan là Abdul Qadeer Khan, người từng bị buộc tội cung cấp thiết kế vũ khí hạt nhân cho Libya.

Bài học Iraq

Các thông tin trên được đưa ra chỉ một tuần sau khi có tin chính quyền Israel lên kế hoạch tấn công phủ đầu các cơ sở hạt nhân của Iran. Ngay lập tức, một số tờ báo phương Tây đã lên tiếng cho rằng cần phải mạnh tay với Iran. Báo Independent chỉ trích cách tiếp cận mềm mỏng của Mỹ về vấn đề Iran là đã thất bại, không thể ngăn cản được Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân. Đã đến lúc ông Obama phải hành động vì “Mỹ không thể đứng nhìn khi Iran đe dọa sự tồn tại của Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông”.

Tuy nhiên, báo New York Times lại cho rằng hãy còn quá sớm để khẳng định Iran muốn sản xuất vũ khí hạt nhân. Việc chính quyền Tehran cản trở các thanh sát viên IAEA khiến các kết luận của IAEA về chương trình hạt nhân của Iran nhiều khi chỉ là đoán mò, dựa trên cảm tính. Nhắc lại bài học Iraq: năm 2003, báo này cảnh báo chính quyền Mỹ của cựu tổng thống George Bush đã tấn công Iraq vì cho rằng chính quyền Saddam Hussein đang sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng rõ ràng đó chỉ là thông tin bịa đặt. Sau tám năm, quân Mỹ vẫn chẳng tìm thấy một quả bom hạt nhân nào ở Iraq.

Nga và Trung Quốc đã kêu gọi giám đốc IAEA Yukia Amano tạm hoãn công bố báo cáo về chương trình hạt nhân của Iran với lý do “những thông tin như vậy chỉ càng đẩy Iran vào chân tường”. Điều đáng lo ngại, theo AP, là các nước vùng Vịnh đang lặng lẽ tán đồng kế hoạch tấn công phủ đầu của Israel. Chắc chắn những thông tin mới từ IAEA sẽ càng khiến chính quyền Israel quyết tâm hơn.

Tuy nhiên, một cuộc chiến mới tại Trung Đông sẽ đẩy khu vực và cả nền kinh tế toàn cầu vào khủng hoảng. Giá dầu tăng vọt sẽ chỉ là hậu quả đầu tiên. Trong xã luận ra ngày 7-11, báo Haaretz, nhật báo lâu đời nhất ở Israel, đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Obama hãy ngăn chặn Israel mở cuộc chiến tranh chống Iran “trước khi quá muộn”.

Iran: “Sẽ cảm nhận cơn giận dữ của chúng tôi ở Tel Aviv”

Theo Hãng thông tấn Iran Fars, các quan chức Ủy ban An ninh quốc gia và chính sách đối ngoại Iran (NSFPC) đã lên tiếng cảnh báo Israel. “Trước khi mở cuộc tấn công nào vào Iran, người Israel sẽ cảm nhận được cơn giận dữ của chúng tôi ở Tel Aviv” - Hossein Ebrahimi, quan chức của NSFPC, cảnh báo.

Theo AFP, ngày 7-11 Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cũng cảnh báo Iran “có khả năng đương đầu với Israel và với phương Tây, nhất là với Mỹ - ông Ahmadinejad khẳng định - Mỹ đang lo ngại tiềm lực của Iran. Iran sẽ không cho phép bất cứ một hành động quân sự nào chống lại mình” và nếu tấn công, “Israel sẽ sụp đổ” - ông Ahmadinejad tuyên bố.

 

Theo TTO

 

Các tin khác


Kế hoạch phòng thủ dân sự của Thụy Điển cho tình huống xung đột lan rộng ở châu Âu

Thụy Điển đang tăng cường phòng thủ dân sự, đặc biệt là kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn khủng hoảng.

Nga và Ukraine nhất trí trao đổi trẻ em di dời do xung đột

Nga và Ukraine đã nhất trí trao đổi khoảng 50 trẻ em phải di dời sau khi xung đột giữa hai nước bùng phát hồi tháng 2/2022.

Tại sao ông Trump không phản đối gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine?

Ông Trump có thể được hưởng lợi khi để Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine.

Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục