Ngoại trưởng Úc Kevin Rudd cảnh báo Trung Quốc không nên xen vào các quyết định chính sách an ninh của nước này.

Ngày 16.11, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Úc Julia Gillard công bố chi tiết về thỏa thuận hợp tác quân sự mới giữa hai nước. Cụ thể, máy bay chiến đấu, tàu chiến và tàu ngầm Mỹ sẽ tăng cường hiện diện ở lãnh thổ phía bắc và khu vực Tây Úc, theo báo The Sydney Morning Herald. Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2012, 250 lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ đến thành phố Darwin, phía bắc Úc vào mỗi mùa khô để diễn tập và con số này sẽ tăng lên 2.500 vào năm 2016-2017. “Thỏa thuận này gửi tín hiệu tới khu vực rằng Mỹ không chỉ muốn duy trì mà còn tăng cường sự diện hiện của mình ở châu Á - Thái Bình Dương. Úc cũng muốn nâng cao quan hệ đồng minh với Mỹ”, Sydney Morning Herald dẫn lời một quan chức của Canberra nhận định.

Sau khi thỏa thuận trên được công bố, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vị Dân lập tức lên tiếng: “Đang có tranh cãi về việc liệu tăng cường và mở rộng liên minh quân sự có phải là động thái thích hợp hay không”, theo tờ Financial Times. Cùng lúc tờ Thời báo Hoàn Cầu lớn tiếng: “Nếu dùng căn cứ quân sự của mình để hỗ trợ Mỹ gây tổn hại lợi ích Trung Quốc, Úc sẽ mắc kẹt trong bất đồng Mỹ - Trung. Ít ra Úc nên ngăn chặn một số thứ trước khi chúng vượt tầm kiểm soát”.

Đáp lại, tối 17.11, Ngoại trưởng Úc Kevin Rudd tuyên bố trên Đài ABC rằng nước này sẽ không thay đổi lập trường trong việc thắt chặt quan hệ quân sự với Mỹ. “Chúng tôi sẽ không để chính sách an ninh quốc gia của mình bị chi phối bởi bất cứ thế lực bên ngoài nào. Đó là vấn đề chủ quyền đối với Úc. Chúng tôi không tìm cách ra lệnh cho người Trung Quốc về chính sách an ninh của họ. Do đó, vấn đề này phải được dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau”, ông Rudd nhấn mạnh.

Lo ngại trạm quan sát Trung Quốc

Trong khi đó, cũng có nhiều quan ngại về việc Trung Quốc đang sử dụng một trạm quan sát vệ tinh ở vùng Tây Úc. Chính phủ Úc thành lập trạm quan sát này ở Mingenew, cách thành phố Perth 400 km về phía bắc vào năm 2009 và đồng ý cho Trung Quốc sử dụng để quan sát các vệ tinh của Bắc Kinh. Tuy nhiên, việc Trung Quốc dùng trạm Mingenew chỉ được tiết lộ sau khi báo South China Morning Post của Hồng Kông ngày 5.11 dẫn lời chuyên gia Tạ Kinh Ổn thuộc Chương trình không gian Trung Quốc cho hay nước này đã đưa Úc vào mạng lưới toàn cầu về trạm quan sát của mình. Canberra sau đó cũng xác nhận tuyên bố của Bắc Kinh rằng trạm quan sát Mingenew đã được dùng để theo dõi tàu không gian Thần Châu 8, được phóng ngày 1.11.

Báo The Australian dẫn lời chuyên gia về gián điệp không gian hàng đầu Des Ball cho rằng trạm Mingenew có thể đang được quân đội Trung Quốc sử dụng để hỗ trợ định vị tàu chiến của Úc và Mỹ. “Trạm này sẽ hỗ trợ các thiết bị theo dõi trong không gian của Trung Quốc định vị chính xác hơn những tín hiệu điện tử phát ra từ tàu sân bay, tàu khu trục và tàu chiến khác”, ông Ball nhận định. Chuyên gia này, thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược Canberra, nói thêm cả 8 tàu không gian Thần Châu của Trung Quốc có thể được gắn các thiết bị theo dõi tinh vi và được dùng bí mật cho mục đích quân sự.

Ngay sau đó, một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra lập tức bác bỏ cáo buộc về việc nước này dùng trạm Mingenew cho mục đích quân sự. Tờ The Sydney Morning Herald thì dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Úc khẳng định trạm này chỉ được dùng cho mục đích thương mại và dân sự. Tuy nhiên, giới chức Canberra từ chối xác nhận tổ chức Tổng kiểm soát theo dõi và phóng vệ tinh Trung Quốc (CLTC), đơn vị đang sử dụng trạm Mingenew, là tổ chức dân sự hay quân sự.

Giới chức Úc cũng đã không tư vấn với Mỹ về việc cho Trung Quốc sử dụng trạm Mingenew, theo báo Wall Street Journal. Tuy nhiên, Washington vẫn chưa có phản ứng về vụ này dù giới chức Mỹ từng lo ngại chương trình không gian của Trung Quốc có mục đích quân sự.

 

                                                             Theo Báo Thanhnien

Các tin khác


CNN: Binh sĩ Mỹ và Nga hoạt động trong cùng một căn cứ tại Niger

Quân đội Nga và Mỹ đã hoạt động tại cùng một căn cứ quân sự ở Niger trong ít nhất vài tuần.

Mỹ kêu gọi Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, phản đối Israel tấn công Rafah

Tại cuộc hội kiến Tổng thống Israel Isaac Herzog ở Tel Aviv ngày 1/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết ưu tiên việc đưa con tin về nhà đoàn tụ với gia đình, đồng thời kêu gọi lực lượng Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn đổi lấy con tin mà Israel đề xuất.

Vụ sập cao tốc tại Trung Quốc: Ít nhất 19 người thiệt mạng

Tân Hoa xã dẫn nguồn chính quyền địa phương cho biết 19 người đã thiệt mạng sau khi một phần đường cao tốc ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc bị sập sáng 1/5.

Các nước thành viên WHO thu hẹp khoảng cách về thỏa thuận toàn cầu ứng phó đại dịch

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, các quốc gia đã thu hẹp bất đồng trong quá trình đàm phán về thỏa thuận toàn cầu mới nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

Mặt trận Israel - Liban tiếp tục nóng lên bất chấp nỗ lực hòa giải của Pháp

Xuất hiện động lực mới cho hoạt động ngoại giao trên mặt trận Liban khi trọng tâm hiện đã chuyển khỏi sự leo thang giữa Iran - Israel.

G7 đồng thuận về đóng cửa nhà máy điện than trước năm 2035

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, các phương tiện truyền thông nước này ngày 29/4 đồng loạt đưa tin về việc Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) đã cam kết đóng cửa các nhà máy điện sử dụng than chậm nhất là vào năm 2035.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục