(HBĐT) - Theo thống kê của lực lượng chức năng, tính đến tháng 11/2018, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.153 cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT. Trong đó, có 106 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ với 163 người làm nghề, tập trung chủ yếu ở TP Hòa Bình, các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn. So với thời điểm trước ngày 21/4/2017 giảm 105 cơ sở (106/211 cơ sở).



Các đối tượng xã hội mang theo hung khí đến trường mầm non xã Tiền Phong (Đà Bắc) để đòi nợ, gây mất an ninh trật tự tại địa phương và cơ quan Nhà nước.

Toàn tỉnh có 128 cửa hàng đăng ký kinh doanh cho thuê xe ô tô, xe máy, tư vấn hỗ trợ tài chính - thực chất là dạng kinh doanh cầm đồ trá hình hoạt động cho vay tiền. Hoạt động kinh doanh này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ANTT và vi phạm pháp luật. Điển hình như vụ hỗn chiến giữa 2 nhóm thanh niên xảy ra ngày 8/9/2018 tại số nhà 251, tổ 20, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình). Quá trình xác minh cho thấy, vào khoảng 19h00 cùng ngày, tại tổ 5, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình), do mâu thuẫn trong việc nợ nần giữa Nguyễn Văn Dũng (SN 1979), trú tại tổ 15, phường Hữu Nghị và Lưu Anh Tuấn (SN 1985), trú tại tổ 5, phường Hữu Nghị, Dương Tiến Dũng (em rể của Nguyễn Văn Dũng) đã cùng với 5 đối tượng đập phá tài sản và đánh gây thương tích Lưu Anh Tuấn. Sau đó, Lưu Anh Tuấn cùng với 4 đối tượng kéo đến nhà Dương Tiến Dũng tại tổ 20, phường Tân Thịnh đập phá tài sản, đánh người gây thương tích. Qua khám nghiệm tại hiện trường, lực lượng chức năng thu được nhiều hung khí nguy hiểm... 
Ngoài vụ việc trên, thời gian qua các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực tín dụng "đen” còn gây ra nhiều vụ việc nghiêm trọng gây mất AN-TTATXH trên địa bàn tỉnh. Theo thông tin từ lực lượng chức năng, tính từ thời điểm tháng 4/2017 đến tháng 11/2018, các đối tượng hoạt động liên quan đến lĩnh vực cầm đồ, tín dụng "đen” đã gây ra 4 vụ bắt giữ người trái pháp luật, trong đó huyện Tân Lạc xảy ra 2 vụ, các huyện Đà Bắc, Lạc Sơn mỗi nơi xảy ra 1 vụ; cố ý gây thương tích 9 vụ, riêng địa bàn thành phố Hoà Bình xảy ra 6 vụ, các huyện Cao Phong, Kim Bôi, Mai Châu mỗi nơi xảy 1 vụ vụ; cưỡng đoạt tài sản 1 vụ tại huyện Tân Lạc; huỷ hoại tài sản 2 vụ tại thành phố Hoà Bình và huyện Lạc Thuỷ; dùng chất bẩn ném vào nhà xảy ra 12 vụ, trong đó, địa bàn thành phố Hoà Bình xảy ra 6 vụ, huyện Cao Phong xảy ra 5 vụ, huyện Kim Bôi xảy ra 1 vụ; uy hiếp tinh thần 8 vụ xảy ra trên địa bàn huyện Cao Phong...

Hoạt động đòi nợ mang tính chất "xã hội đen”

Là một người từng "dính” vào tín dụng "đen”, cô giáo B.T.M ở trường mầm non xã Tiền Phong (Đà Bắc) đến giờ vẫn còn chưa hết sợ và chưa thể quên được những lần chạy trốn các đối tượng đầu gấu được chủ nợ thuê đến đòi tiền. Do cần một khoản tiền để đưa bố đi chữa bệnh, B.T.M đã "liều” đi vay số tiền 6 triệu đồng tại một cơ sở "hỗ trợ tài chính” tại thị trấn Đà Bắc. Số tiền cô vay được tính lãi theo ngày. Do điều kiện khó khăn nên số tiền B.T.M được trả dần làm nhiều lần. Tuy nhiên, với phương thức "lãi mẹ đẻ lãi con” B.T.M đã phải trả đến 27 triệu đồng. Tuy vậy, chủ nợ thông báo cô vẫn còn nợ số tiền gần 10 triệu đồng nữa. Để đòi số tiền này, chủ nợ thường xuyên cử các đối tượng xăm trổ đầy người, mang theo hung khí đến nhà và nơi làm việc của B.T.M là trường mầm non xã Tiền Phong (Đà Bắc) để uy hiếp tinh thần, gây mất ANTT tại địa phương và cơ quan nhà nước.

Đó chỉ là một trong số các vụ việc các đối tượng đòi nợ theo kiểu xã hội đen gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân. Mới đây, trong 2 ngày 6 - 7/11/2018, TAND huyện Tân Lạc đã đưa ra xét xử và tuyên phạt 36 năm tù cho một nhóm gồm 5 đối tượng thực hiện hành vi đòi nợ theo kiểu xã hội đen. Theo đó, ông Bùi Văn Đại (SN 1963) trú tại phố Lâm Lưu, xã Phú Cường vay của Trần Thị Thu Trang (SN 1982), số tiền 300 triệu đồng. Do ông Đại không có tiền trả nên Trang đã nhờ em trai là Trần Tuấn Anh (SN 1984) đòi nợ hộ. Tuấn Anh đã nhờ Nguyễn Anh Dũng (SN 1991), trú tại tổ 17, phường Thái Bình (TP Hoà Bình) đòi nợ và Dũng đã đồng ý. Sau đó, Dũng đã nhờ nhóm của Chu Hồng Hải (SN 1983), Phạm Thanh Lâm (SN 1982), Nguyễn Công Đức (SN 1987), Bùi Quang Hùng (SN 1983) và Quách Đình Long (SN 1992), đều là những đối tượng làm việc tại quán cầm đồ Nghĩa Phương (TP Hoà Bình) đòi giúp số tiền trên. Cả nhóm đã đến nhà ông Đại để đòi nợ. Do ông Đại chưa có tiền trả nên đã bị các đối tượng uy hiếp tinh thần. Thấy vậy, ông Bùi Hải Quynh là hàng xóm đã sang xin nhóm của Hải cho ông Đại thêm thời gian để trả nợ. Ông Quynh đứng ra bảo lãnh, hứa có trách nhiệm giúp ông Đại đi vay tiền. Nhóm của Hải đã đồng ý và thống nhất 20 ngày sau ông Đại phải trả trước 50 triệu đồng. Khi đến hẹn nhóm của Hải lên nhà ông Đại để lấy tiền. Không gặp ông Đại, chúng đã sang nhà ông Quynh chửi bới, đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hành hung và buộc ông Quynh phải trả nợ thay cho ông Đại. Do bị uy hiếp nên người thân của ông Quynh phải đi vay mượn để đưa cho nhóm đối tượng trên số tiền 50 triệu đồng...

Có thể nói, thời gian qua hoạt động của các cơ sở hoạt động theo hình thức tín dụng "đen” đã len lỏi sâu từ thành thị đến các khu dân cư ở nông thôn gây ra tình trạng bất ổn về ANTT, bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân... Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng này cũng gặp nhiều khó khăn do những "con nợ” thường bị uy hiếp, dọa dẫm nên hầu như không dám tố cáo. Ngoài ra, các đối tượng đã lợi dụng sơ hở của các chính sách, pháp luật để hợp thức hoá hành vi phạm tội, né tránh cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. Tính từ tháng 4/2017 đến tháng 11/2018, toàn tỉnh xảy ra 36 vụ việc liên quan đến hoạt động của dịch vụ cầm đồ, hoạt động tín dụng "đen”, cơ quan chức năng mới chỉ tiến hành khởi tố 5 vụ, 15 bị can. Trong đó, có 2 ổ, nhóm với 12 đối tượng có hành vi bắt giữ người trái pháp luật để siết nợ theo kiểu "xã hội đen”. Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra 320 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ chỉ phát hiện 51 cơ sở vi phạm các điều kiện về ANTT. Tiến hành tạm giữ 16 xe máy, 94 giấy đăng ký xe máy; 12 giấy chứng nhận đủ điều kiện ANTT. Đáng nói, trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng còn thu giữ được cả vũ khí gây sát thương như kiếm, mác tại các cơ sở này. Lập biên bản vi phạm và đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 48 trường hợp với tổng số tiền 72 triệu đồng; thu hồi giấy phép đối với 15 cơ sở hoạt động kinh doanh vi phạm các điều kiện về đảm bảo ANTT. 

Đó chỉ là "phần nổi của tảng băng” bởi hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, tín dụng "đen” vẫn đang tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp; các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. Do vậy, cần phải tăng cường quản lý Nhà nước về ANTT, nhất là quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện; kịp thời đấu tranh, phát hiện và xử lý nghiêm đối với hoạt động tín dụng "đen” và quản lý dịch vụ cầm đồ trên địa bàn tỉnh, nhằm giữ vững ổn định về TTATXH trên địa bàn tỉnh. 

 
        P.V

Các tin khác


Công an huyện Lương Sơn làm rõ 9 thanh thiếu niên mang hung khí vào Hòa Bình đánh nhau

Công an huyện Lương Sơn cho biết, qua công tác tuần tra, kiểm soát tại quốc lộ 21A đoạn qua UBND xã Thanh Cao, tổ công tác Công an huyện phát hiện nhóm thanh thiếu niên điều khiển 5 xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, cầm theo một số thanh kim loại khoảng 2m (dạng phóng lợn) có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng. Nhóm này điều khiển xe từ ngã tư Chợ Bến đi chợ Đồi Sim.

Ký ức những người lính cựu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Đã gần 50 năm trôi qua kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, mặc dù tuổi đã cao, song ký ức hào hùng về những ngày tháng mưa bom, bão đạn vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người lính giải phóng năm xưa…

Huyện Tân Lạc: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông cho học sinh

Thời gian qua, Công an huyện Tân Lạc đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh, nhất là học sinh tại các xã vùng cao, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật giao thông cho lứa tuổi học đường.

Triệu tập người bán dứa cho du khách nước ngoài với giá "cắt cổ"

Sau khi yêu cầu Công an của 18 phường trên địa bàn quận rà soát, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xác định và mời người bán hàng rong lên trụ sở để làm rõ việc bán 3 quả dứa cho khách du lịch nước ngoài với giá 500.000 đồng.

Cảnh báo nguy cơ tấn công mã hoá đánh cắp dữ liệu nhân sự

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang điều tra một cuộc tấn công mạng sau khi các tác nhân đe dọa vi phạm hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) để đánh cắp dữ liệu nguồn nhân lực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục