Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân. Trước tình hình đó, ngày 1/12/2023, Công an tỉnh đã tiếp tục đưa ra cảnh báo về các thủ đoạn, hoạt động của tội phạm này.


Công an làm việc với đối tượng Lò Thị Huệ (phải) sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Làm nhiệm vụ trên mạng... mất hàng trăm triệu đồng

Ngay khi phát hiện là nạn nhân "sập bẫy” lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) trên không gian mạng (KGM), chị B. T. T. (SN 1979) ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hoà Bình) ngay lập tức gửi thông tin, tố giác tội phạm đến cơ quan chức năng Công an tỉnh. Tuy nhiên, theo Thượng tá Lê Xuân Hòa, Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh: sau nhiều ngày "quét”, rà soát theo các thông tin do chị T. cung cấp, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy dấu vết của các đối tượng tội phạm liên quan đến vụ việc trên.

Chia sẻ với phóng viên, chị T. cho biết: trong quá trình tham gia mạng xã hội thấy có đường link trang web shopback3.top, tò mò chị đã truy cập. Khi tham gia, người chơi được hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ là mở các gian hàng theo cấp bậc. Đáng nói, khi mở các gian hàng để mua các sản phẩm được quảng cáo trên trang web, người chơi càng có nhiều đơn hàng, số tiền mua hàng càng lớn thì càng được hưởng tiền hoa hồng nhiều. Khi thực hiện nhiệm vụ, số tiền % "hoa hồng” được trả lại tương ứng với mức tiền đóng tham gia thực hiện nhiệm vụ với các đơn hàng trực tiếp vào tài khoản của người chơi. Khi số tiền trong tài khoản để thực hiện nhiệm vụ đến một mức độ nhất định, người chơi sẽ được rút toàn bộ tiền gốc.

Ban đầu, người chơi phải nộp 5 triệu đồng vào số tài khoản do các đối tượng hướng dẫn để nạp tiền vào tài khoản mở gian hàng cấp bậc. Quá trình tham gia, người chơi luôn được "câu nhử” bằng các tin nhắn bằng các đơn thưởng. Song để nhận được đơn thưởng và lợi nhuận, người chơi phải tiếp tục nạp tiền vào tài khoản cá nhân do các đối tượng hướng dẫn. Số tiền này ban đầu chỉ một vài triệu đồng, càng về sau người chơi càng bị "thúc, ép” bằng các tin nhắn "trong vòng 30 phút chưa hoàn thành nhiệm vụ (chuyển tiền-NV) thì phải quay lại dịch vụ khách hàng để cấp lại số tài khoản”. Do lo sợ số tiền nạp vào tài khoản trên web bị mất và không nhận được tiền "hoa hồng”, với tâm lý "đâm lao phải theo lao” người chơi liên tục bị thúc nộp tiền vào tài khoản của tội phạm lừa đảo. Để người tham gia tin tưởng, các đối tượng còn tổ chức hình thức "ghép đôi” giữa người chơi với người chơi khác nhưng thực chất là các đối tượng cùng trong đường dây, tổ chức lừa đảo. Với thủ đoạn đó, trong thời gian rất ngắn, chị T. đã bị các đối tượng lừa chuyển hơn 200 triệu đồng. Cho đến khi chị tỉnh ngộ, phát hiện mình bị sập bẫy, các đối tượng lừa đảo cũng chặn toàn bộ liên lạc và xóa toàn bộ dấu vết.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Thượng tá Lê Xuân Hòa cho biết: vụ việc của chị T. chỉ là một trong nhiều vụ việc LĐCĐTS trên KGM mà cơ quan công an tiếp nhận trong thời gian qua. Quá trình rà quét, đấu tranh với loại tội phạm này, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn do thủ đoạn, hoạt động của chúng ngày càng tinh vi. Các đối tượng chủ mưu thường đăng ký tài khoản hay tạo lập, quản lý các trang web ở nước ngoài. Một số đối tượng thực hiện hành vi phạm tội bởi một đường dây với nhiều đối tượng tham gia ở nhiều tầng, nấc, chân rết khác nhau. Khi người chơi phát hiện mình bị lừa, bọn chúng ngay lập tức "cắt” thông tin, chặn mọi liên lạc để tránh sự truy vết của lực lượng chức năng. 

Theo thống kê của Công an tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị chức năng đã tiếp nhận thông tin về 35 vụ LĐCĐTS trên KGM với tổng số tiền bị chiếm đoạt khoảng trên 25 tỷ đồng. Mặc dù xảy ra nhiều nhưng công tác đấu tranh, khám phá án liên quan đến loại tội phạm này đạt tỷ lệ rất thấp. Từ thực tế trên, các đơn vị chức năng Công an tỉnh liên tục đưa ra cảnh báo về hoạt động tội phạm LĐCĐTS trên KGM để người dân tự nâng cao ý thức cảnh giác.

Các cảnh báo được đưa ra đều được xây dựng, căn cứ từ thực tiễn. Mới đây, lực lượng chức năng Công an tỉnh đã đưa ra những cảnh báo kịp thời đối với nhiều phương thức, thủ đoạn, hình thức lừa đảo mới. Điển hình như việc các đối tượng sẽ gọi điện mời đến dự giới thiệu về khu nghỉ dưỡng và tặng miễn phí vé đi nghỉ; mời mua các gói du lịch có thể đi được nhiều nơi, dễ dàng, tiêu chuẩn cao với mức giá đóng trước rất hời... Tuy nhiên, sau khi người dân đóng tiền "cọc”, các đối tượng chặn tất cả liên lạc và "biến mất”.

Hay kiểu lừa đảo thông qua cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice, các đối tượng dùng công nghệ để ghép mặt và giọng nói của người quen, sau đó nhờ chuyển tiền; lừa đảo là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cảnh báo "khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao để dẫn dụ người dân đăng nhập vào đường link giả mạo nhằm chiếm đoạt tài sản; lừa đảo giả danh các công ty tài chính, ngân hàng thay mật khẩu, cho vay lãi suất cao; lừa đảo giả mạo biên lai chuyển tiền thành công với các dịch vụ mua hàng trực tuyến; lừa đảo giả mạo trang thông tin điện tử của các cơ quan, doanh nghiệp như BHXH, ngân hàng, chứng khoán; lừa đảo tuyển cộng tác viên online cho các dịch vụ đa cấp đơn giản như chỉ cần nghe/click vào 1 số nội dung trên youtube, tiktok theo link gửi sẵn sẽ có thu nhập 200 nghìn đồng - 300 nghìn đồng/ngày; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng rồi xin lấy lại tiền; lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa; lừa đảo dịch vụ lấy lại facebook, tăng like trên facebook; lừa đảo cho số đánh đề/mua xổ số; lừa đảo rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử; lừa đảo gửi link nội dung hấp dẫn về vụ việc giật gân, hoặc có nội dung nhạy cảm sẽ xóa ngay sau vài phút để cài cắm các ứng dụng ăn cắp thông tin cá nhân sử dụng cho mục đích chiếm đoạt tài sản...

Để đẩy lùi và kiềm chế loại tội phạm này, Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác. Tuân thủ nghiêm túc 3 kỹ năng cơ bản để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân: hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng; sử dụng mật khẩu an toàn để bảo vệ tại khoản; chủ động tìm hiểu các phương thức bảo mật thông tin. Tuyệt đối không tải các ứng dụng, phần mềm chưa được cấp phép với mục đích huy động vốn, hoàn tiền khi mua hàng. Không truy cập vào các đường link lạ...


Mạnh Hùng

Các tin khác


Doanh nghiệp tự ý sử dụng thông tin cá nhân để khai khống thu nhập là hành vi vi phạm pháp luật

Vừa qua, một số Cục Thuế địa phương phát hiện hành vi liên doanh nghiệp (DN) sử dụng thông tin của cá nhân (tên, mã số thuế, số căn cước công dân) để kê khai, tính chi phí tiền lương, tiền công khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp trong khi không phát sinh chi trả thu nhập trên thực tế cho cá nhân đó.

Tháng 4/2024, xảy ra 1.995 vụ tai nạn giao thông, làm chết 845 người

Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, tháng 4/2024 (số liệu báo cáo tính từ ngày 15/3 đến ngày 14/4), toàn quốc xảy ra 1.995 vụ tai nạn giao thông, làm chết 845 người và làm bị thương 1.537 người. So với tháng cùng kỳ năm 2023 tăng 334 vụ (20,11%), giảm 62 người chết (6,84%), tăng 431 người bị thương (38,97%).

Danh sách 20 website giả mạo Cổng Dịch vụ công quốc gia, ngân hàng

Qua kiểm tra và phân tích, các chuyên gia của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận thấy có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo các mạng xã hội, ngân hàng, thư điện tử, Cổng Dịch vụ công quốc gia...

Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; tai nạn giảm cả ba tiêu chí

Tình hình trật tự, an toàn giao thông được đảm bảo tốt, năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đây là đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2024.

Chung tay giúp đỡ người tái hoà nhập cộng đồng

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 5/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) đối với người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) trên địa bàn tỉnh đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm và hành động cụ thể của chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân. Tỷ lệ người CHXAPT tái phạm tội, vi phạm pháp luật thấp. Tình hình an ninh trật tự được giữ vững, ổn định.

Dịp nghỉ lễ, tỉnh Hòa Bình xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5/2024), tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên các tuyến đường giao thông trong tỉnh được bảo đảm an toàn, thông suốt. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với các lực lượng khác tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn, đảm bảo TTATGT. Nhờ vậy không để xảy ra các sự việc đột xuất, bất ngờ ảnh hưởng đến tình hình TTATGT trên tuyến quản lý.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục