Theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo (KN-TC), quyết định giải quyết KN lần đầu mà trong thời hạn luật định, người KN không KN tiếp hoặc không khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án; quyết định giải quyết KN lần hai là những quyết định có hiệu lực pháp luật, phải được nghiêm chỉnh chấp hành. Những văn bản xử lý TC cũng có hiệu lực thi hành tương tự. Tuy nhiên, trên thực tế không ít quyết định chỉ thể hiện tính hiệu lực trên giấy!

 

Thi hành... ầu ơ

Việc xử lý phía trước tầng trệt căn nhà 399 Điện Biên Phủ quận 3 vẫn chưa được tổ chức thực hiện nghiêm túc. Ảnh: L.T.Hân

Căn nhà số 399 Điện Biên Phủ phường 4, quận 3 TPHCM thuộc quyền sở hữu Nhà nước, có cấu trúc nhà phố hai lầu. Cuối năm 2001, được sự đồng ý của lãnh đạo quận, Công ty Dịch vụ Công ích quận 3 ký hợp đồng cho ông Ngô Quốc Cang (với tư cách đại diện Công ty cổ phần Dược phẩm quận 3) thuê phần phía trước tầng trệt căn nhà này có diện tích 60,76m² với mục đích sử dụng kinh doanh đại lý thuốc tây. Sau đó, ông Cang nhập hộ khẩu gia đình vào căn nhà 399 Điện Biên Phủ trong khi chưa có ý kiến của ngành nhà đất, đồng thời không trực tiếp kinh doanh mà cho thuê lại phần diện tích này.

Từ đơn tố cáo của một cá nhân, qua kiểm tra xác minh, UBND TPHCM ra văn bản số 06/TB-UBND ngày 22-2-2007 kết luận: Việc tố cáo, khiếu nại Chủ tịch UBND quận 3 liên quan đến việc chuyển đổi công năng sử dụng từ nhà để kinh doanh sang nhà ở không đúng thẩm quyền, làm thất thu ngân sách Nhà nước, không có biện pháp về xử lý hộ khẩu của ông Cang… là có cơ sở.

UBND TP chỉ đạo Chủ tịch UBND quận 3 tiến hành thu hồi phần diện tích đã cho ông Cang thuê; truy thu ngay số tiền hơn 64 triệu đồng, chưa tính truy thu tiền sử dụng đất đối với ông Cang theo quy định; giao Sở Tài chính khẩn trương chủ trì cùng các ban ngành có liên quan định giá bán phần diện tích tầng trệt căn nhà 399 Điện Biên Phủ (sau khi trừ lối đi cho hai hộ đã được bố trí sử dụng phần còn lại của căn nhà từ trước) theo giá thị trường hoặc bán đấu giá để tránh thiệt hại cho Nhà nước.

Tuy nhiên, hơn 3 năm trôi qua, những ý kiến chỉ đạo trên vẫn chưa được thực hiện dù UBND TP tiếp tục có ba văn bản nhắc nhở (mới nhất là văn bản số 1257/UBND-PCNC ngày 24-3-2010) và Thanh tra TPHCM - cơ quan được giao trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các quyết định giải quyết tranh chấp, KN đã có hiệu lực pháp luật - ra hai văn bản đôn đốc. Tại buổi làm việc mới đây với Thanh tra TP, lãnh đạo UBND quận 3 xin khất giải quyết vụ việc đến hết tháng 7-2010.

Trường hợp chậm giải quyết dứt điểm quyết định giải quyết KN có hiệu lực pháp luật tương tự là vụ liên quan đến việc điều chỉnh số liệu diện tích đất của các chi trong gia tộc ông Bành Văn Kỷ (tọa lạc tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh).

Trong quyết định giải quyết KN số 5249/QĐ-UB ngày 17-12-2002, UBND TP xác định bốn nội dung. Tháng 2-2003, tổ công tác thực hiện các quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của huyện Bình Chánh tổ chức thực hiện Quyết định số 5249/QĐ-UB nhưng trong biên bản lại chỉ ghi đã thực hiện một nội dung, thiếu ba nội dung. Không đồng ý với cách làm của tổ công tác, một đương sự là ông Bành Ngọc Điệp làm đơn yêu cầu được thực hiện theo Quyết định số 5249/QĐ-UB. Tuy nhiên, dù Thanh tra TP có hai văn bản đề nghị Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh chỉ đạo các bộ phận có liên quan khẩn trương rà soát lại, tổ chức thực hiện từng nội dung của Quyết định số 5249/QĐ-UB và báo cáo kết quả trước ngày 20-6-2010, đến nay vụ việc vẫn không có hồi âm.

Giải “treo” bằng biện pháp mạnh

Trên đây chỉ là hai trong số hàng chục quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý TC kéo dài nhiều năm, chưa được giải quyết dứt điểm dù đã có hiệu lực pháp luật (theo số liệu chưa đầy đủ mà các quận, huyện báo cáo lên Thanh tra TP). Phần lớn các quyết định này đều được UBND TP ban hành từ năm 2005 trở về trước, thậm chí có quyết định ban hành vào năm 1996 và phần nhiều là các quyết định giải quyết tranh chấp về đất đai. Gặp vướng mắc trong tổ chức thực hiện những quyết định này, các quận huyện không báo cáo ngay lên UBND TP để xin ý kiến tháo gỡ. Chỉ đến khi người dân có đơn yêu cầu thực hiện quyết định hoặc Thanh tra TP ra văn bản đôn đốc thực hiện, các quận, huyện mới báo cáo.

Qua kiểm tra trực tiếp một số hồ sơ cho thấy, nguyên nhân dẫn đến hiệu lực quyết định bị “treo” là do việc thực hiện không theo trình tự, thủ tục, không lập kế hoạch chi tiết như đã được quy định tại điều 40 Quyết định số 132/2006/QĐ-UBND ngày 5-9-2006 của UBND TP quy định về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết tranh chấp KN-TC trên địa bàn TPHCM; cơ quan chức năng chưa mạnh dạn áp dụng biện pháp cưỡng chế trong trường hợp đương sự không chấp hành…

Điều 8 Luật KN-TC năm 1998 (được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005) quy định: “Quyết định giải quyết KN có hiệu lực pháp luật phải được cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan nghiêm chỉnh chấp hành. Người có trách nhiệm thi hành quyết định giải quyết KN mà không thi hành phải bị xử lý nghiêm minh”.

Điều 98 của Luật KN-TC cũng nêu rõ: “Người có trách nhiệm chấp hành quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý TC nếu không chấp hành thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Dù vậy, hầu như chưa có trường hợp nào bị xử lý do luật chưa quy định chế tài cụ thể.

Để kéo giảm tình trạng quyết định chỉ thể hiện tính hiệu lực trên giấy, lãnh đạo Phòng Tiếp công dân và xử lý đơn - Thanh tra TP, cho biết, trong thời gian tới, Thanh tra TP sẽ tăng cường kiểm tra và đôn đốc các quận huyện, cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Nếu trường hợp nào vẫn không được tổ chức thực hiện nghiêm túc thì Thanh tra TP sẽ báo cáo và kiến nghị UBND TP xử lý theo thẩm quyền đối với những người có trách nhiệm. Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp trước mắt. Về lâu dài, cần có chế tài để xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình thực hiện dây dưa, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và đảm bảo hiệu quả công tác giải quyết KN, xử lý TC trên địa bàn TP.

 

 

                                                                                    Theo SGGP

Các tin khác


Bắt 4 đối tượng tạt sơn vào nhiều xe ô tô

Ngày 4/5, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết đã làm rõ thông tin và bắt 4 đối tượng liên quan đến vụ 6 xe ô tô bị tạt sơn tại phường Định Công.

Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái bị khởi tố, bắt tạm giam

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang.

Bắt cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Điều khiển xe mô tô lạng lách, quay video tung lên mạng, nam thanh niên bị xử phạt 7,5 triệu đồng

Công an huyện Mai Châu cho biết, đơn vị vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Đinh Văn D. (SN 2003), trú tại xã Mai Hịch 7,5 triệu đồng về các hành vi vi phạm quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Bắt đối tượng mua bán, tàng trữ ma túy với thủ đoạn tinh vi

Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, trong 2 ngày 2 - 3/5, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm (ĐTTP) về ma túy đã liên tiếp phát hiện 2 vụ, bắt 3 đối tượng về hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý với thủ đoạn tinh vi.

Xã An Bình đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Xác định xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Thời gian qua, xã An Bình, huyện Lạc Thủy đã có nhiều giải pháp sáng tạo, tích cực nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục