(HBĐT) - Hàng đêm, không chỉ có đàn ông, phụ nữ mà còn có cả những đứa trẻ nhỏ ở xóm Dướng, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) vẫn đều đặn lớp học chữ nôm Dao do cụ Bàn Văn Thân truyền dạy. Đó là một lớp học đặc biệt mà người dân ở đây luôn tìm đến để học đạo làm người...

Việc dạy chữ Nôm - Dao và những bài học làm người luôn được cụ Bàn Văn Thân truyền dạy cho con cháu.

Mỗi ngày học... 1 chữ

"Từ xưa đến nay, với người Dao chúng tôi cho dù ở bất cứ đâu, ngay từ khi biết bập bẹ tiếng gọi cha, gọi mẹ đã phải học. Học để trở thành người hiểu biết lý lẽ trái - phải ở đời. Nhưng cao nhất là học để thấu hiểu đạo làm người”. Câu chuyện giữa chúng tôi với cụ Bàn Văn Thân ở xóm Dướng, xã Vầy Nưa được bắt đầu theo cách tự nhiên như vậy. Theo cụ Thân, việc học và học đạo làm người đối với đồng bào người Dao là một việc quan trọng. Thế nên, người ta phải học ngay từ bé giống như "cái cây phải uốn cành từ khi còn non”. Việc dạy chữ, dạy người của cụ không chỉ bó hẹp ở xóm Dướng mà đôi chân của cụ đã đi hầu khắp các vùng trong huyện, trong tỉnh, thậm chí ra cả các tỉnh bạn. Cụ bảo: Cứ ở đâu có người Dao sinh sống và ở đâu người ta cần thì tôi đến dạy. Chẳng vậy mà suốt hơn 20 năm làm thầy, cụ Thân đã mở hàng chục lớp dạy chữ nôm Dao ở trong, ngoài huyện và cụ cũng không nhớ nổi mình đã có bao nhiêu học trò. Ngay ở xóm Dướng với 77 hộ, gần 300 nhân khẩu thì phần đông trong đó tìm đến ông để bái thầy, học chữ.

"Đối với đồng bào người Dao, việc dạy làm người và học làm người là những việc đầu tiên và quan trọng. Ai cũng phải học. Đó là một quy tắc truyền đời bất di bất dịch”, cụ Thân chia sẻ. Cứ vậy, những lớp học chữ nôm Dao ở đây từ bao năm qua vẫn âm thầm tồn tại như một lẽ tự nhiên. "Người dạy và cả người học đều tự nguyện, chẳng ai ép buộc ai. Thế nhưng người ta vẫn đến theo học chữ nôm, Dao của cụ Thân đông lắm”, đồng chí Bàn Văn Suôi, Bí thư Đảng uỷ xã Vầy Nưa cho biết.

Trước đây theo tập tục, chỉ có con trai khi đủ 15 tuổi trở lên mới được làm lễ xin gia nhập cửa thầy. Nhưng bây giờ, con trai hay con gái cũng đều được đi học. "Bây giờ thì không phải đợi cho đến khi đủ 15 tuổi người ta mới làm lễ xin gia nhập cửa thầy mà nhiều nhà đã cho con theo học thầy từ rất sớm. Bởi, đối với người Dao việc học cái chữ, răn dạy con cháu lẽ phải tránh làm những điều sai trái là việc làm không thể không có trong cuộc đời mỗi con người. Bao đời nay, người Dao mình chỉ nói lẽ phải, làm theo lẽ phải và cũng chỉ răn dạy nhau bằng lẽ phải, coi đó như một lẽ sống. Muốn người khác nghe mình thì mình phải biết nói cái lẽ phải trái, rõ ràng trắng - đen. Chúng tôi sợ điều mang tiếng hơn cả nghèo túng. Ai cũng cố gắng làm điều tốt để mình không mắc phải những điều xấu. Các cụ xưa thường dạy bé không uốn, lớn cả vin gãy cành. Thế nên ai cũng phải học”, anh Lý Văn Hương, học trò của cụ Thân chia sẻ.

Trong tư tưởng của đồng bào người Dao cho rằng việc học là việc cả đời. Việc học hướng con người, uốn nắn con người trở thành người tốt. Trẻ học chữ để biết đọc, biết viết, biết nguồn gốc tổ tiên. Lớn học để biết lẽ phải, lẽ sống. Còn người già đi học để giữ lòng tự trọng và truyền dạy giữ gìn lẽ phải, lẽ sống cho con, cháu. Do đó, tất cả các bài học bao giờ cũng là lẽ sống, về đối nhân xử thế. Thế nên, mỗi buổi dù chỉ học... một chữ người ta cũng trân quý. Nói như "thầy” Thân thì có những chữ mà người ta học cả đời cũng chưa xong. Ví như chữ "đức” nó là nền tảng đạo đức của con người. Đức ở đây không chỉ đơn giản là đạo đức mà còn có ý nghĩa là nhân cách của mỗi người trong đối nhân xử thế cũng như trong cuộc sống. Chẳng vậy mà trong những "bài học làm người” của đồng bào dân tộc Dao chữ "đức” luôn được xếp đứng đầu. Ngay trong bài học đầu tiên, người Dao đã răn dạy: "... muốn nên người thì phải dạy. Như cây muốn thẳng thì phải uốn từ lúc còn non” hay "ta có thể mua được mọi thứ khi xuống chợ nhưng cha mẹ thì không có chợ nào bán”... Đó cũng chính là bài học về lẽ sống phải - trái, không trái với đạo lý làm người... Trước đây, cũng có nhiều người chưa tham gia lớp học cũng hay cờ bạc, gây gổ đánh nhau nhưng khi đã học thì không còn cờ bạc, đánh nhau, không vi phạm pháp luật.

Học để ... giữ gìn lòng tự trọng

Trong câu chuyện, chúng tôi được cụ Thân chia sẻ nhiều điều về những bài học làm người và cả khó khăn cụ phải trải qua khi làm thầy. Cụ bảo: Trước đây không có đường, việc đi lại cực kỳ khó khăn. Thêm nữa, điện không có, đời sống người dân còn nghèo đói, ban ngày đi làm nương rẫy, lao động nặng nhọc vậy nhưng hàng đêm người ta vẫn đến chật nhà để học chữ trong ánh đèn dầu leo lét giữa bóng đêm đặc quánh của núi rừng. Thế mới biết, trong tư tưởng của đồng bào người Dao mình vẫn còn rất coi trọng việc học chữ, học làm người.

Tham gia lớp học của thầy Thân không chỉ có trẻ nhỏ, đám thanh niên mà còn có cả những người già trong xóm, bản. ông Bàn Văn On cho biết: Khi đến lớp, chúng tôi thường được nghe giảng, được học về đạo nghĩa ở đời. Như con trai, con gái mà hỗn thì khó lấy vợ, gả chồng. Chính vì thế sống phải biết lẽ phải, trọng lẽ phải. Không bao giờ được phạm vào những điều trái với đạo lý, trái với những luật tục, gây tội lỗi với người khác; khuyến khích làm điều nhân nghĩa. Những việc làm sai trái dù lớn, dù bé kiên quyết không làm. Nếu ai vi phạm sẽ phải chịu những hình phạt nghiêm khắc từ chính những người trong họ tộc, làng bản. Ví như bẻ trộm 1 cây măng dù to hay nhỏ nếu bị bắt sẽ bị phạt từ 3 - 5 kg thóc; tội đánh bạc nếu bị bắt ngoài việc tịch thu hết tiền, mỗi người sẽ bị phạt thêm 15 kg thóc. Tội nào cũng được quy định rõ ràng trong hương ước và được chính cộng đồng giám sát chặt chẽ. Cũng nhờ đó trong nhiều năm nay ở xóm Dướng nói riêng và các xóm của đồng bào người Dao ở Đà Bắc nói chung hầu như không có trộm cắp, không có TNXH và không có người vi phạm pháp luật.

Trong luật tục, người Dao phạt rất nặng tội bỏ vợ, ngoại tình và tội chửa hoang. "Người nào mắc phải 1 trong 3 tội này ngoài việc bị phạt vạ xin lỗi họ hàng, dòng tộc còn phải mổ lợn, làm cỗ rồi khẩn cầu từng nhà trong bản để mời người ta đến ăn. Xấu hổ lắm nhưng vẫn phải làm”, anh Bàn Văn Hải, một người dân ở xóm Dướng cho biết. Do vậy, người Dao rất sợ phạm vào những điều trái với luật tục.

Cụ Thân bảo: Người Dao hiểu đạo lý thế nên dù chỉ một lỗi nhỏ cũng không có ai dám phạm vào. Những tội lớn như giết người thì người ta lại càng không dám phạm vào. Chả thế mà trải qua hàng trăm đời người ở vùng đất này, chưa bao giờ có ai phạm vào tội tày trời này cả. Có thể nói, trong cuộc sống của đồng bào người Dao, lòng tự trọng và lẽ phải vẫn luôn là điều cốt yếu là chuẩn mực. Nó tự nhiên như cây trên núi, cá dưới khe và có một sức sống mãnh liệt trong tâm thức của mỗi người. Cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn nhưng "chúng tôi thà chịu nhịn đói chứ không bao giờ mảy may lòng tham để rồi suốt đời không dám ngẩng mặt với bà con dân bản”, anh Lý Phú Xuyên, một người dân ở xóm Dướng chia sẻ.

Giữ gìn lòng tự trọng, đó chính là điều mà ai cũng được học, được dạy ngay từ buổi đầu tiên vỡ lòng con chữ ở những lớp học đặc biệt này. Đó là những điều mà cụ Thân vẫn giữ và răn dạy con cháu mình. Điều đó cũng đã được cụ Thân viết rõ, ghi rõ trong 9 cuốn sách dạy chữ nôm Dao của mình. Đáng mừng, 9 cuốn sách này của cụ Thân năm 2014 đã được Bộ GD&ĐT công nhận là bộ sách dạy chữ Nôm Dao Việt Nam. Từ những cuốn sách này, từ những người thầy như cụ Thân đã có nhiều "bài học làm người” được khai mở. Hơn hết có nhiều người đã từ bỏ những thói hư, tật xấu, tự rèn mình trở thành người sống hiểu biết và có đạo nghĩa.


                                                                           Mạnh Hùng


Các tin khác


Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình bế giảng và trao bằng tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên khóa 23

Ngày 3/5, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình tổ chức lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp năm 2024 cho học sinh (HS), sinh viên (SV) khóa 23.

Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông

Trong tháng Tư vừa qua, Sở GD&ĐT phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” với mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.

Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục