Có sự thiếu nhất quán trong thông tin giữa Bộ GD-ĐT, các đơn vị liên quan và nhận định của chuyên gia xung quanh vụ 58 bài thi trắc nghiệm của 34 thí sinh Tây Ninh bị điểm 0.


Điểm thi tốt nghiệp THPT có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc đời mỗi người. Trong ảnh: học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM xem điểm thi THPT quốc gia 2019 trên báo Tuổi Trẻ điện tử - Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, nguyên nhân của sự việc này là do thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án.

Phải kiểm tra

Trao đổi với Tuổi Trẻ về câu chuyện chấm trắc nghiệm thi THPT quốc gia, PGS.TS Trần Văn Tớp - hiệu phó Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trưởng ban chấm thi trắc nghiệm tại Thanh Hóa năm nay - cho biết theo quy trình chấm thi năm nay, sau khi scan các túi bài thi và mã hóa, gửi file gốc cho Bộ GD-ĐT, hội đồng chấm thi mới chuyển sang bước kiểm dò, phát hiện lỗi.

Theo ông Trần Văn Tớp, từ thực tế chấm thi của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ở Thanh Hóa cho thấy có hai loại lỗi ở bài thi trắc nghiệm. Một loại là lỗi bắt buộc phải sửa thì phần mềm chấm thi mới cho nhận diện chấm, đó là thí sinh tô sai số báo danh, tô sai mã đề. 

Loại lỗi thứ hai là thí sinh tô phương án trả lời quá mờ, hoặc thay đổi phương án trả lời nhưng xóa không hết phương án đã chọn trước đó, với loại lỗi này phần mềm chấm thi khuyến cáo nên kiểm tra.

"Nếu phần mềm ổn định thì trường hợp tô sai mã đề, số báo danh, hoặc tô nhầm số báo danh, mã đề của thí sinh khác, nếu không sửa, máy sẽ loại không chấm. Vì thế tôi không rõ các trường hợp thí sinh ở Tây Ninh rơi vào lỗi gì. Nhưng nếu do tô sai mã đề và số báo danh mà hội đồng chấm trắc nghiệm không kiểm tra thì cũng khó hiểu" - ông Tớp bày tỏ băn khoăn.

Đề cập đến trường hợp tô mờ, xóa không sạch, ông Tớp cho biết đây là lỗi gặp rất nhiều ở Thanh Hóa: "Chúng tôi đã phải mở 11.000 bài thi trắc nghiệm để kiểm tra lỗi do phần mềm khuyến cáo xem xét. Hội đồng chấm thi xem xét kỹ từng bài. 

Có những bài phải zoom hết cỡ để kiểm tra có đúng thí sinh đã tô phương án trả lời nhưng mờ không. Những trường hợp không rõ sẽ không sửa, nhưng những trường hợp xác định được thì sẽ sửa để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh. Chúng tôi đã sửa 1.000 bài thi trong số này".

PGS.TS Nguyễn Việt Hà, hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, đơn vị chấm thi trắc nghiệm cho Hà Nội, cũng xác nhận phần mềm chấm thi năm nay tự động phát hiện lỗi sai. 

"Những trường hợp tô sai số báo danh, mã đề đều báo lỗi và bộ phận chấm thi sẽ kiểm tra, đối sánh để sửa lại. Duy có trường hợp thí sinh tô nhầm mã đề, số báo danh của thí sinh vắng mặt trong buổi thi thì phần mềm có thể không phát hiện được. Tuy nhiên, hội đồng chấm thi làm đúng trách nhiệm thì phải cập nhật dữ liệu về thí sinh vắng mặt để phát hiện lỗi kiểu này" - ông Hà nói.

Không chỉ lỗi của thí sinh?

Nhiều cán bộ ở các trường ĐH làm công tác chấm thi trắc nghiệm các bài thi THPT quốc gia 2019 không đồng ý với quan điểm cho rằng chỉ có lỗi của thí sinh.

Cán bộ một trường ĐH tham gia chấm thi khu vực phía Nam cho rằng nguyên nhân dẫn tới việc máy chấm sai có thể đến từ ba yếu tố: thí sinh, người chấm và phần mềm. Thí sinh có thể tô sai mã đề, chưa xóa kỹ câu trả lời bỏ, đó là lỗi của thí sinh. 

Khi chấm, cán bộ chấm thi không nhận ra các lỗi này hoặc phát hiện nhưng không biết sửa thế nào, đó là lỗi của cán bộ chấm thi. Khi phần mềm không nhận diện được bài thi, đó là phần mềm lỗi.

"Không phải lỗi nào phần mềm cũng báo. Thực tế trong quá trình chấm, chúng tôi cũng gặp trường hợp phần mềm không nhận dạng được bài thi hoặc nhận dạng không đúng. Chúng tôi phát hiện và báo cáo bộ để chỉnh sửa, cập nhật phần mềm rất nhiều lần trong suốt quá trình chấm thi" - vị cán bộ này nói thêm.

Tương tự, đại diện một trường ĐH khác cũng cho biết khi chấm thi, lúc đưa dữ liệu vào phần mềm chấm, có một số bài thi bị nhận diện ngang (trong khi phải nhận diện đứng) mới chấm được. Sau khi báo cáo bộ trường hợp này thì đã được cập nhật phần mềm chấm thi. 

Do vậy, trong trường hợp 58 bài thi bị điểm 0 tại Tây Ninh, có thể phần mềm lỗi, cán bộ chấm thi không phát hiện, không thực hiện cập nhật phần mềm. Có lẽ cán bộ chấm thi đã bỏ qua một khâu nào đó của quy trình chấm thi mới xảy ra lỗi như thế.

Bên cạnh đó, ở khâu ráp điểm, đối soát điểm cũng có thể phát hiện những bất thường này và khắc phục nhưng cũng bị bỏ qua. 

"Dù thí sinh có lỗi khi tô sai, tô mờ cũng không thể khiến một bài thi 8 điểm thành 0 điểm được, thậm chí hàng loạt bài thi, môn thi bị điểm 0 như thế. Đó là lỗi phần mềm trước tiên và cái chính là lỗi của người chấm, không phát hiện sai sót để điều chỉnh kịp thời. Nói lỗi đó hoàn toàn của thí sinh là không thỏa đáng" - vị này khẳng định.


Theo Báo Tuổi Trẻ

Các tin khác


“Hành trình thắp sáng ước mơ” tại Trường THPT Tân Lạc

Đoàn Trường THPT Tân Lạc vừa phối hợp các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường tổ chức chương trình "Hành trình thắp sáng ước mơ”. Đến dự có đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, UBND huyện Tân Lạc. Chương trình có sự hiện diện của nhà báo Tạ Bích Loan - Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí (VTV 3) Đài Truyền hình Việt Nam...

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ngày 22/3 đã công bố 15 đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2024.

Trang bị kỹ năng sơ cấp cứu cho 500 giáo viên, học sinh

Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh, Hội CTĐ thành phố Hòa Bình vừa phối hợp tổ chức tập huấn, truyền thông phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa và sơ cấp cứu cho trên 500 giáo viên, học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh.

Chuyển biến trong công tác giáo dục ở huyện Mai Châu

Chất lượng giáo dục đại trà trên địa bàn huyện Mai Châu từng bước được nâng lên, giáo dục mũi nhọn đạt nhiều kết quả tích cực; công tác quản lý giáo dục được đổi mới, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phát triển về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của địa phương... Đó là những kết quả nổi bật mà ngành Giáo dục huyện Mai Châu đạt được.

Nâng cao chất lượng giáo dục qua hội thi giáo viên dạy giỏi

Mỗi năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giáo viên. Với hội thi giáo viên dạy giỏi trung học phổ thông (THPT) cấp tỉnh thường niên đã trở thành sự kiện quan trọng, là ngày hội thao giảng của giáo viên nhằm góp phần vào thúc đẩy sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà.

Cục Thi hành án dân sự tặng quà học sinh nghèo vượt khó xã Tân Minh

Thiết thực kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với chủ đề "Thanh niên xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, ngày 19/3, Đoàn Thanh niên Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã đến thăm, tặng quà thầy và trò Trường tiểu học xã Tân Minh, huyện Đà Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục