Học sinh cuối cấp THPT sẽ học và ôn thi thế nào sau khi Bộ GD-ĐT công bố nội dung giảm tải và đề thi minh họa? Đây là lúc mỗi nhà trường và học sinh bắt đầu phải tăng tốc xây dựng kế hoạch thực hiện.


Thí sinh TP.HCM tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 trước giờ thi môn toán - Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo nhận xét của các giáo viên ở Hà Nội và TP.HCM, mỗi môn học thuộc khối 12 có cách giảm tải khác nhau. Cụ thể, ở ba môn chính, môn toán hầu như không giảm, còn môn ngữ văn và tiếng Anh thì được cho là giảm nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc học sinh dự thi THPT quốc gia sẽ "nhẹ" một phần đáng kể.

Giảm tải, bớt lo

"Việc điều chỉnh với môn toán không nhiều do tính liền mạch của các nội dung. Với lớp 12 gần như không có sự cắt giảm" - thầy Nguyễn Thanh Tùng, giáo viên của hệ thống Học mãi (Hà Nội), nhận xét về môn toán. "Do tinh giản ít nên học sinh vẫn cần tập trung ôn tập theo đúng tiến độ, kế hoạch và lộ trình đã thực hiện trước đó" - thầy Tùng lưu ý với học sinh.

Cũng có ý kiến tương tự, thầy Nguyễn Tác Tuấn Ngọc, tổ trưởng tổ toán Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM, chia sẻ: "Phần kiến thức mà bộ quyết định tinh giản trên thực tế một số giáo viên đã tự "lướt" qua rồi. Bộ giữ nguyên các nội dung kiến thức cơ bản của học kỳ 2 nhưng không yêu cầu phải đào sâu, nâng cao nên có thể hiểu đây cũng là một cách giảm tải".

Với cấu trúc và nội dung của đề thi minh họa môn toán THPT quốc gia mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, các giáo viên dạy toán hi vọng học sinh dự thi THPT quốc gia môn toán năm nay sẽ tiếp nhận một đề thi "cơ bản hơn", tỉ lệ câu hỏi vận dụng, nâng cao sẽ giảm bớt. Sự cạnh tranh để có kết quả cao trong tuyển sinh đại học sẽ không phải là những "câu hỏi khó" mà lại nằm ở việc chỉn chu, chính xác tuyệt đối ở những câu hỏi cơ bản để không mất điểm.

Ở môn ngữ văn, thầy Trần Văn Đúng - giáo viên môn văn Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, TP.HCM - chia sẻ: "Thực tế ở môn văn là có những đơn vị bài học Bộ GD-ĐT hướng dẫn sẽ dạy trong ba tiết nhưng giáo viên phải dạy từ 6 - 8 tiết mới có thể chuyển tải đủ những ý mình mong muốn, đồng thời rèn cho học sinh những kỹ năng cần thiết mà bài học đặt ra. 

Nhiều người rất lo khi thấy học sinh nghỉ học dài ngày. Nhưng khi bộ đã tinh giản chương trình và công bố đề thi minh họa thì chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. 

Tính ra cả học kỳ 2, học sinh khối 12 chỉ học ba tác phẩm chính: Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa. Đa số các trường THPT đều đã giảng dạy tác phẩm Vợ chồng A Phủ từ trước Tết Nguyên đán. Như vậy, giáo viên chỉ dạy thêm hai tác phẩm nữa là xong phần văn học. Bên cạnh đó, phần lý thuyết tiếng Việt cũng được tinh giản rất nhiều".

Đừng buông phần "tự học có hướng dẫn"

Theo thầy Đặng Ngọc Khương - giáo viên Trường THPT chuyên ngữ - ĐHQG Hà Nội, các nội dung nằm trong yêu cầu "tự học có hướng dẫn" học sinh vẫn phải lưu ý, đừng nhầm lẫn sang phần kiến thức giảm tải nằm ngoài đề thi. 

Đó là các bài học sinh tự đọc văn bản, tài liệu để giảm bớt thời lượng dạy học, nhưng các phần kiến thức đó có liên quan tới bài dạy trên lớp. Ví dụ bài "Hồn Trương Ba da hàng thịt" trước đây có hai tiết. Nhưng sau khi giảm tải còn một tiết trên lớp, một tiết học sinh phải tự đọc, tóm tắt văn bản, trả lời các câu hỏi cần thiết.

Ở môn tiếng Anh, cô Lê Thị Phương Thoa - tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM - cho rằng: "Môn tiếng Anh giảm tải quá nhiều, khiến một số giáo viên băn khoăn, nhất là phần ngữ pháp cũng được đưa vào tinh giản.

Tiếng Anh là môn học đặc thù, ngữ pháp của bài này có khi liên quan đến bài kia. Vì vậy, một số nội dung tuy thuộc phần "tự học có hướng dẫn" nhưng tôi sẽ sắp xếp để phụ đạo cho học sinh nắm được nội dung cơ bản".

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Bộ GD-ĐT, với học sinh trung học, các phần đưa về "tự học" có hai dạng. Một dạng khuyến khích học sinh đọc, nghiên cứu, thực hiện nhưng không bắt buộc và không có trong nội dung kiểm tra và đề thi THPT quốc gia. 

Một dạng "tự học có hướng dẫn", có nghĩa giáo viên phải là người hướng dẫn học sinh tự học (tự đọc, tự nghiên cứu, thực hiện bài tập) và có biện pháp kiểm tra kết quả tự học. Nội dung này sẽ có thể là nội dung được kiểm tra định kỳ hoặc thi THPT quốc gia.

Ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho biết thêm khi thực hiện tinh giản chương trình, tất cả từ lớp 1- 12 đều thực hiện theo nguyên tắc chung. Tuy nhiên, có một số nội dung cần thiết ở các lớp từ 1-11 có thể tạm lược bỏ, nhưng bổ sung vào lớp học trên ở năm học sau. 

Riêng lớp 12, học sinh sẽ kết thúc giai đoạn giáo dục phổ thông nên không có cơ hội bổ sung. Vì thế, việc giảm tải chỉ có thể lược bỏ hẳn những nội dung không cần thiết, còn những nội dung vẫn cần để đảm bảo học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng tiếp tục học lên đại học, cao đẳng thì vẫn phải giữ.

Đây cũng là lý do chương trình lớp 12 giảm tải ít hơn các lớp khác.

Theo Báo Tuổi Trẻ

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục