(HBĐT) - Năm nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tạo nhiều áp lực cho quá trình ôn thi và tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Vượt qua những thách thức, ngành GD&ĐT đã chủ trì tổ chức thành công kỳ thi quan trọng này với tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 97,49% (cao hơn mức 95,15% của năm 2020), số điểm trung bình đạt 5,92 điểm (tăng 0,2 điểm so với năm 2020). Trao đổi với phóng viên Báo Hòa Bình, đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trên địa bàn tỉnh được tổ chức an toàn, nghiêm túc, chất lượng, cho thấy quyết tâm của ngành GD&ĐT cũng như sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.


Các đồng chí: Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT cùng đoàn công tác kiểm tra công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại trường THPT Tân Lạc.

P.V: Nhìn lại quá trình tổ chức kỳ thi, xin đồng chí cho biết ngành GD&ĐT đã triển khai những biện pháp trọng tâm nào để kỳ thi được tổ chức thành công tốt đẹp?

Đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt do dịch Covid-19 bùng phát. Hòa Bình cũng là tỉnh có các trường hợp F0. Trước khi diễn ra kỳ thi, một số địa phương trong tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy, kỳ thi năm nay rất áp lực so với mọi năm, chúng ta phải thực hiện "nhiệm vụ kép”: Vừa tổ chức thi vừa đảm bảo phòng, chống dịch.

Nhìn chung, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức an toàn, nghiêm túc, không có cán bộ coi thi và thí sinh vi phạm quy chế thi. Để làm được điều đó, trước hết là nhờ chúng ta đã kế thừa, phát huy những thành công trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm 2019, 2020. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo sát sao công tác tổ chức kỳ thi. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương. Sở GD&ĐT đã chủ động phối hợp các cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền về kỳ thi, qua đó tạo được sự đồng thuận của các bậc phụ huynh và toàn xã hội.

Riêng về công tác tổ chức, Sở GD&ĐT đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về kỳ thi; đôn đốc sát sao công tác tập huấn, quán triệt quy chế thi; quán triệt đến tất cả cán bộ, giáo viên trong toàn ngành thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và quy chế thi, không được chủ quan, buông lỏng. Chúng tôi yêu cầu các thầy, cô phải nỗ lực, cố gắng và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tổ chức kỳ thi; yêu cầu kiểm tra kỹ lưỡng công tác chuẩn bị của tất cả các điểm thi, đảm bảo mọi chi tiết đều được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo. Những khó khăn, vướng mắc đều được Sở GD&ĐT kịp thời giải đáp, tháo gỡ.

Đặc biệt, với tinh thần trách nhiệm rất cao, Sở GD&ĐT theo dõi sát tình hình dịch Covid-19 và các hiện tượng thời tiết cực đoan để xây dựng các kịch bản, phương án tổ chức kỳ thi, không để bị động trong mọi tình huống, đảm bảo kỳ thi được diễn ra an toàn, nghiêm túc và theo đúng kế hoạch.

P.V: Công tác chấm thi đã được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến: Ngành GD&ĐT đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất cho các ban chấm thi, như: Lựa chọn địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, văn phòng phẩm, ấn phẩm… theo quy định, đồng thời đáp ứng tốt các yêu cầu thực tế của ban chấm thi. Về việc lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi, Sở GD&ĐT quán triệt phải lựa chọn những người có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, phẩm chất đạo đức tốt. Đặc biệt, trước khi tiến hành chấm thi, chúng tôi quán triệt tất cả cán bộ chấm thi phải nghiêm túc, trung thực, khách quan, thực hiện đúng quy định của quy chế thi. Nhìn chung, các bài thi được thực hiện chấm theo đúng quy trình, quy định. Riêng đối với ban chấm tự luận, đã tổ chức nghiên cứu kỹ hướng dẫn chấm; khâu tổ chức chấm chung đảm bảo chấm đủ số lượng bài theo quy định, tổ chức trao đổi, thảo luận kỹ từng câu, từng ý để có sự thống nhất về cách đánh giá, vận dụng đáp án và mức độ cho điểm bài thi. Tất cả nỗ lực đó đều nhằm đảm bảo sự khách quan, công bằng cho các thí sinh.

P.V: Thưa đồng chí, Sở GD&ĐT đánh giá thế nào về kết quả kỳ thi năm nay? Trong quá trình thực hiện Chương trình đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT), kết quả kỳ thi đã cho thấy điều gì và qua đây, ngành GD&ĐT sẽ chú trọng triển khai những giải pháp nào trong thời gian tới?

Đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tỉnh có 8.810/9.037 thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT, đạt 97,49% (chưa tính thí sinh tự do). Trong đó, khối THPT có 7.983/8.155 thí sinh đỗ tốt nghiệp, đạt 97,89%; khối giáo dục thường xuyên (GDTX) có 827/882 thí sinh đỗ tốt nghiệp, đạt 93,76%. Điểm trung bình của tất cả các bài thi là 5,92 điểm, trong đó điểm trung bình khối THPT đạt 5,99 và khối GDTX đạt 4,69.

 Kết quả trên phản ánh tương đối chính xác lực học và nguyện vọng của học sinh khi đăng ký tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Đồng thời cũng cho thấy sự cố gắng của ngành GD&ĐT trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà. Riêng đối với GDPT, kết quả năm nay cho thấy chúng ta đã làm tốt công tác phân luồng theo Kế hoạch số 137/KH-UBND của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Đây sẽ là cơ sở thực tế quan trọng để trong các năm học tiếp theo, ngành GD&ĐT tiếp tục làm tốt công tác phân luồng, tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà ở tất cả các đơn vị, trường học.

Rút kinh nghiệm từ kỳ thi năm nay, Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo tăng cường các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng GD&ĐT. Nhằm nâng cao kết quả thi tốt nghiệp THPT những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị, trường học tiến hành khảo sát, tổ chức ôn tập sớm hơn cho học sinh thi tốt nghiệp; tăng cường tổ chức thi thử và sát với đối tượng, nguyện vọng của học sinh; tăng cường bồi dưỡng cho giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ, công tác ôn thi tốt nghiệp; chú trọng điều động giáo viên có nhiều kinh nghiệm tham gia ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh các trường vùng khó khăn; tích cực đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh, học viên… Đặc biệt, đối với các Trung tâm GDTX - GDNN, chúng tôi nhận thấy, ngay từ đầu năm học cần tổ chức khảo sát học lực học viên theo từng môn học, phân loại đối tượng, xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng sát đến từng nhóm đối tượng, từng môn học để từng bước nâng cao chất lượng học tập của học viên.

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!


Thu Trang (TH)


Các tin khác


Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục