Nhiều phương pháp giảng dạy thích ứng với tình huống tác động của dịch bệnh, cùng với những hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sinh viên đã được triển khai. Các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước bước vào năm học mới 2021 - 2022 với "mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.


Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền học trực tuyến khi ở nhà. Ảnh: THANH HẰNG

"Đến trường” trực tuyến

Ngày 9/8, sinh viên năm thứ 2 trở lên của Trường đại học Ngoại thương chính thức bước vào năm học mới 2021 - 2022. Khác với không khí vui tươi, náo nhiệt trên giảng đường của ngày đầu trở lại sau kỳ nghỉ hè như trước đây, năm học 2021 - 2022, sinh viên "đến trường” trên nền tảng dạy học trực tuyến. PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương cho biết, toàn trường có gần 11 nghìn sinh viên năm thứ 2 trở lên bước vào năm học mới 2021 - 2022 với các hoạt động dạy học trực tuyến. 

Ngoài hệ thống hạ tầng máy, thiết bị, đường truyền, các phần mềm dạy học trực tuyến đang triển khai, trường cũng quan tâm mua và phát triển thêm các phần mềm mới; đẩy mạnh các hoạt động trên mạng nhằm tăng tương tác giữa giảng viên với sinh viên, sinh viên với các khoa, phòng và nhà trường. "Đây là lần thứ tư trường tổ chức dạy học trực tuyến, các thầy giáo, cô giáo và sinh viên đã quen với hình thức học tập này cho nên những phát sinh về kỹ thuật, đường truyền  đều được giải quyết nhanh gọn, bảo đảm chất lượng dạy học tốt nhất” - PGS, TS Bùi Anh Tuấn chia sẻ. 

Cùng mở đầu năm học mới 2021 - 2022, gần 4.000 sinh viên năm thứ 2 trở lên của Trường đại học Lâm nghiệp đã có những buổi học đầu tiên theo hình thức trực tuyến. Phó Trưởng Phòng Đào tạo, Trường đại học Lâm nghiệp, Lê Ngọc Hoàn cho biết, để thích ứng bối cảnh tác động của dịch Covid-19, thời gian đầu năm học, nhà trường đã sắp xếp, bố trí lại khung thời lượng kiến thức, chỉ giảng dạy lý thuyết cho sinh viên. 

Những nội dung kiến thức thực hành sẽ được để lại, khi sinh viên đến trường học tập trung, lên các phòng nghiên cứu, thí nghiệm, khu thực hành thì mới triển khai nhằm bảo đảm chất lượng kiến thức, kỹ năng cho người học. Nhìn chung, giảng dạy, học tập trực tuyến là giải pháp thích ứng với tác động của dịch Covid-19, bởi ngay khi hết dịch, sinh viên của trường sẽ trở lại học tập trung bình thường. 

Hiện phần lớn các cơ sở đào tạo đều đang gấp rút chuẩn bị bước vào năm học mới 2021 - 2022. TS Hà Xuân Linh, Trưởng Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên cho biết, với đặc thù ngành đào tạo có cả sinh viên trong nước và sinh viên nước ngoài, khoa đã hoàn thiện các khâu để bắt đầu bước vào năm học mới từ đầu tháng 9. Nếu tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, hoạt động giảng dạy trực tuyến sẽ được triển khai. 

Khoa Quốc tế đã chuẩn bị mọi phương án cho năm học mới từ hạ tầng, nhân lực, giảng viên, thời khóa biểu… Trong khi đó, Trường đại học Kinh tế quốc dân cũng đang chuẩn bị tích cực, dự kiến ngày 23/8 sẽ tổ chức dạy học năm học mới trên nền tảng trực tuyến. Theo đại diện Trường đại học Kinh tế quốc dân, toàn trường đã hoàn thiện hạ tầng cơ sở vật chất, công nghệ thông tin, hệ thống bài giảng, phương thức thi, kiểm tra, đánh giá trực tuyến đáp ứng yêu cầu chống dịch hiện nay.

Chia sẻ khó khăn, chung tay phòng, chống dịch bệnh

Một điều dễ nhận thấy khi năm học mới 2021 - 2022 bắt đầu là các cơ sở đào tạo không chỉ chuyển đổi phương thức dạy học phù hợp mà còn tăng cường quan tâm, chăm lo chia sẻ gánh nặng với sinh viên, phụ huynh và xã hội. PGS, TS Bùi Anh Tuấn cho biết, năm học mới, Trường đại học Ngoại thương  quyết định hỗ trợ sinh viên mức tương đương 7% học phí học kỳ 1. Ngoài ra, nhà trường cũng có học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 các mức tương đương  100%, 70%, 50%, 30% học phí tùy từng trường hợp cụ thể. 

Tổng quỹ hỗ trợ sinh viên khoảng 20 tỷ đồng. Đối với giảng viên được hỗ trợ 300 nghìn đồng khi giảng dạy một tín chỉ. Đáng chú ý, mặc dù bước vào năm học mới nhưng nhà trường đã dành một khu ký túc xá khoảng 700 chỗ ở cho sinh viên để làm khu cách ly cho địa phương. Những thí sinh trúng tuyển năm 2021 theo hình thức xét tuyển kết hợp được đăng ký nhập học trực tuyến và gửi giấy tờ theo quy định qua đường bưu điện nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho tân sinh viên bước vào năm học 2021 - 2022. 

Trong khi đó, PGS, TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, để chia sẻ khó khăn, lãnh đạo nhà trường đã quyết định giảm học phí một triệu đồng/sinh viên. Tổng số tiền hỗ trợ sinh viên của trường khoảng 24 tỷ đồng. Đối với thí sinh trúng tuyển khóa mới được nhập học trực tuyến và gửi giấy báo điểm, hồ sơ qua đường bưu điện. 

Tuy nhiên, nếu vì lý do cá nhân nào đó, các em có sự lựa chọn khác, nhà trường vẫn tạo điều kiện để các em có thể rút hồ sơ với phương châm  bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người học. Đáng chú ý, chung tay với công tác phòng, chống dịch Covid-19, Trường đại học Kinh tế quốc dân chi kinh phí 8,2 tỷ đồng tiêm vắc-xin cho toàn bộ cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường.  

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), các cơ sở đào tạo căn cứ vào tình hình dịch bệnh của địa phương để điều chỉnh kế hoạch dạy, học và tuyển sinh. Bộ GD và ĐT triển khai giải pháp tăng cường xây dựng kho học liệu số, cơ sở dữ liệu, hỗ trợ kỹ thuật cho việc dạy học trực tuyến, điều chỉnh trạng thái hoạt động của hệ thống giáo dục đại học phù hợp tình hình dịch bệnh. Theo Thứ trưởng GD và ĐT Phạm Ngọc Thưởng, thực hiện chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên và phụ huynh, Bộ đã trình Chính phủ xem xét ban hành nghị định mới (thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP) về cơ chế thu, quản lý học phí, trong đó quy định mức trần học phí đối với năm học 2021 - 2022 ổn định bằng năm học 2020 - 2021. 

Đối với việc triển khai dạy học trực tuyến, các cơ sở GD và ĐT  tính toán xác định mức thu hợp lý trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học theo nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục với người học và bảo đảm công khai, minh bạch. Bên cạnh các chính sách của Nhà nước, Bộ GD và ĐT cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ sở GD và ĐT kêu gọi và huy động các nguồn lực của xã hội để hỗ trợ học sinh, sinh viên và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong năm học 2021 - 2022.


Theo Báo Nhân Dân


Các tin khác


Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục