Vượt qua nhiều thách thức trên lộ trình đổi mới GD&ĐT, trường TH&THCS Yên Mông (TP Hòa Bình) được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trước khi bước vào năm học 2021 - 2022.

Tự hào truyền thống văn hiến và hiếu học  
     
Trong cuốn Lịch sử giáo dục và đào tạo Hòa Bình (1945 - 2008), trang đầu tiên trân trọng in tấm ảnh Bác Hồ và lời căn dặn của Bác với ngành GD&ĐT: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.   

Ngược dòng lịch sử trở về những năm tháng đấu tranh phá xiềng xích nô lệ giành chính quyền, đến các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, đều có thể thấy Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực vượt qua gian khó để xây dựng, phát triển nền giáo dục cách mạng. Ngay từ năm 1948, tỉnh đã có 1 xã là Thanh Nông, nay là thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi về thành tích xóa mù chữ (XMC). Năm 1960, Hòa Bình trở thành tỉnh miền núi đầu tiên trong cả nước được công nhận hoàn thành công tác XMC, một lần nữa được Bác Hồ gửi thư khen. 
Giai đoạn 1975 - 1991, trong bối cảnh hợp nhất tỉnh Hà Tây và Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình, ngành giáo dục tiếp tục có những bước đi vững chắc để cải cách, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới và tạo tiền đề phát triển toàn diện cho giai đoạn từ cuối năm 1991 đến nay.

Trong thời gian đầu tái lập tỉnh, Hòa Bình là một trong những tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước, nhưng nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vẫn được xác định là phát triển GD&ĐT. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phát huy truyền thống tốt đẹp đã được củng cố từ nhiều năm, toàn ngành giáo dục cùng Nhân dân đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp với quyết tâm cao, ngành đã khắc phục khó khăn, phát triển ổn định các cấp học, ngành học, từng bước đưa sự nghiệp GD&ĐT phát triển với nền tảng là truyền thống hiếu học đã được kiến tạo vững chắc.

Quyết tâm trên hành trình đổi mới

Đồng chí Quản Văn Giang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đà Bắc đã gắn bó với sự nghiệp giáo dục của huyện gần 30 năm nay nên hiểu rõ từng thách thức trên hành trình phát triển giáo dục của huyện vùng cao này. Đồng chí cho biết: Tuy là huyện có số xã đặc biệt khó khăn nhiều nhất tỉnh, nhưng địa phương luôn xác định GD&ĐT là sự nghiệp quan trọng hàng đầu, đồng thời là nền tảng để phát triển bền vững. Bám sát phương châm "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”, ngành giáo dục huyện luôn chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT. Nhìn lại chặng đường 30 năm mới thấy quyết tâm của cả hệ thống chính trị để có thể đạt những thành quả như ngày nay. Đến nay, huyện đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi; 17/17 xã, thị trấn đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3; 17/17 xã, thị trấn đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3. Riêng về công tác XMC, với 17/17 xã, thị trấn đã đạt chuẩn XMC mức độ 2, huyện đạt chuẩn XMC mức độ 2, bắt nhịp với hành trình chung của toàn tỉnh. Tính đến hết năm học 2020 - 2021, huyện có 25/47 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 53,19% (tỷ lệ này của toàn tỉnh là 54,14%). Đặt vào điều kiện KT-XH khó khăn của huyện mới thấy đây là kết quả rất đáng tự hào, thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn của các cấp, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội đã chung tay đóng góp cho sự phát triển của giáo dục vùng khó.

Trên phạm vi toàn tỉnh, dấu ấn của ngành giáo dục thể hiện đậm nét trong sự phát triển của các địa bàn đặc biệt khó khăn, từng bước giảm bớt sự chênh lệch giữa vùng khó và vùng thuận lợi. Theo thống kê của Sở GD&ĐT: Tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi bình quân hàng năm đạt 99,5 - 99,8%, ngang bằng với các tỉnh, thành phố phát triển trong cả nước. Toàn tỉnh đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn GDPC tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn PCGD THCS và XMC mức độ 2. Cùng với đó, chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn từng bước được cải thiện; ngành luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phát triển cả về số lượng, chất lượng; đồng thời, chú trọng tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu trên hành trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. 

Đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là công việc hết sức trọng đại. BCH T.Ư Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW và Kết luận số 51-KL/TW để thống nhất nhận thức và hành động, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, huy động các nguồn lực để phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, hành trình đổi mới GD&ĐT cần nhiều thời gian với quyết tâm chính trị rất cao, cùng nhóm giải pháp đồng bộ, được triển khai trên nền tảng là sự tích lũy, tiếp nối, kế thừa những kết quả đạt được. Trên hành trình đổi mới, toàn ngành xác định nhiệm vụ hàng đầu là tập trung nâng cao chất lượng GD&ĐT, bám sát "kim chỉ nam” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.   

 Thu Trang



Các tin khác


Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục