(HBĐT) - Thời gian qua, trên cả nước và tỉnh giáp ranh Sơn La đã xảy ra những vụ việc đau lòng từ xe ô tô đưa đón học sinh. Trong đó, có trường hợp học sinh tử vong do bị bỏ quên trên xe; học sinh đứng ở cửa xe ngã ra ngoài, bị chính xe đưa đón cán qua khi xe phanh gấp; cửa xe rơi ra, học sinh bị văng ra ngoài. Trên địa bàn tỉnh có học sinh một số trường từ trung tâm TP Hòa Bình đến huyện vùng cao đi xe đưa đón. Hoạt động này cần được siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn.


Học sinh trường TH&THCS Đoàn Kết (Đà Bắc) lên xe đưa đón.

Trường Phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành, phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) có trên 500 học sinh, trong đó, trên 150 học sinh đăng ký đi xe đưa đón với 6 xe Huyndai 29 chỗ. Để đảm bảo an toàn, trường đã ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh vận tải có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Cùng với lái xe, mỗi xe bố trí 1 giáo viên chịu trách nhiệm đưa, đón học sinh. Yêu cầu đơn vị kinh doanh, lái xe, giáo viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cẩn thận, tuyệt đối không lơ là. Mặc dù chưa xảy ra trường hợp nguy hiểm nào nhưng trước những vụ việc thương tâm xảy ra, trường coi đó là bài học và luôn quán triệt quy tắc an toàn. Thầy Bùi Văn Thành, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A3 được nhà trường giao nhiệm vụ đi xe đưa đón.

Thầy Thành chia sẻ: Mỗi xe có từ 20 - 29 học sinh các khối lớp. Chúng tôi luôn ý thức phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các em. Nắm chắc danh sách học sinh đi xe, điểm danh cẩn thận, kỹ lưỡng. Phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy trên lớp để giao nhận đầy đủ học sinh. Thực hiện nghiêm các quy tắc như học sinh lên xuống xe an toàn xe mới chuyển bánh; trong quá trình xe di chuyển không cho học sinh đứng, đi lại trên xe…

Những vụ việc xảy ra thời gian qua đối với xe ô tô đưa đón học sinh là lời cảnh tỉnh cho những trường có học sinh đi xe đưa đón và cả phụ huynh, các đơn vị kinh doanh dịch vụ, cơ quan quản lý. Điều đó càng cấp thiết hơn khi qua tìm hiểu, có đơn vị giáo dục không nắm được cụ thể số lượng trường, số học sinh thuộc quản lý của mình đi xe đưa đón. Một số nơi phụ huynh tự tổ chức việc đưa đón bằng ô tô; xe biển kiểm soát các tỉnh khác như Bắc Ninh, Sơn La... chưa được sang tên đổi chủ. Hiện nay, một số trường tại TP Hòa Bình, huyện Tân Lạc, Đà Bắc, Kim Bôi... có học sinh đi xe đưa đón.

Thầy Xa Văn Thái, Hiệu trưởng trường TH&THCS Đoàn Kết (Đà Bắc) cho biết: Trường có 445 học sinh và không ký hợp đồng với bất kỳ đơn vị nào thực hiện việc đưa đón học sinh. Song thực tế, có một số học sinh của trường hiện đang đi xe đưa đón nên cũng chưa nắm được số lượng cụ thể. Trường sẽ thống kê số học sinh đi xe đưa đón và làm văn bản gửi UBND xã về việc kiểm tra, đảm bảo an toàn cho học sinh.

Việc đưa đón học sinh bằng xe ô tô là cần thiết, góp phần đảm bảo tính chuyên cần của học sinh, giảm thời gian đưa đón cho phụ huynh, thuận tiện đối với những học sinh nhà ở cách xa trường. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ thực sự hiệu quả khi đảm bảo các điều kiện theo quy định và quy tắc an toàn.

Nhằm tăng cường quản lý, ngày 22/12/ 2021, Sở Giao thông vận tải ban hành công văn về việc đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) khi sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh. Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT TP Hòa Bình cũng đã ban hành văn bản về hoạt động xe ô tô đưa đón học sinh. Đồng chí Nguyễn Vinh Quang, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên (Sở GD&ĐT) cho biết: Ngày 28/12/2021, Sở ban hành công văn đề nghị phòng GD&ĐT huyện, thành phố; các đơn vị, trường học trực thuộc; các trung tâm GDNN-GDTX; trường phổ thông liên cấp Sao Mai tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao kiến thức, kỹ năng và các quy định của pháp luật về ATGT cho giáo viên, học sinh. Trong đó, lưu ý các quy định về an toàn khi ngồi trên xe, kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố, kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm khi không có người trợ giúp (cách mở cửa lên, xuống xe; bấm còi gây chú ý cho người xung quanh; phát tín hiệu cấp cứu; sử dụng búa thoát hiểm…).

Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị, trường học triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn. Cụ thể như: Chỉ ký hợp đồng đưa đón học sinh với các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật; phải được cấp đăng ký kinh doanh vận tải hành khách, phương tiện được đăng ký, đăng kiểm đầy đủ, còn niên hạn sử dụng và được cấp phù hiệu "xe hợp đồng”. Lái xe phải có giấy phép lái xe đúng hạng, còn thời gian sử dụng; đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, thực hiện nghiêm các quy định về ATGT. Xây dựng, triển khai thực hiện nghiêm túc quy trình đưa đón học sinh bằng xe ô tô; phải có sự thống nhất giữa nhà trường với đơn vị cung cấp dịch vụ và gia đình học sinh; xác định rõ yêu cầu, trách nhiệm của các bên liên quan về ATGT, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho học sinh.

Trường THPT Yên Hòa (Đà Bắc) có 350 học sinh của 4 xã vùng cao, một số học sinh đi xe đưa đón. Hiệu trưởng Xa Văn Não cho biết: Sau khi nhận công văn của Sở GD&ĐT và thông tin phản ánh, trường sẽ họp Ban giám hiệu với Hội phụ huynh nhà trường và đơn vị kinh doanh vận tải để nắm lại, nhắc nhở các quy định, quy tắc an toàn.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, các trường cần sát sao hơn nữa trong quản lý học sinh; các lực lượng chức năng như công an, ngành giao thông vận tải cần siết chặt việc kiểm tra, quản lý, cấp phép. 


Cẩm Lệ

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục