Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mới trả lời kiến nghị của cử tri về việc bồi hoàn với học sinh du học bằng ngân sách Nhà nước nhưng học xong không trở về đóng góp cho đất nước.
Tỷ lệ thu hồi chi phí đào tạo đạt khoảng 40%
Cử tri tỉnh Lâm Đồng phản ánh: "Du học sinh (DHS) Việt Nam du học nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước để về phục vụ đất nước. Tuy nhiên phần lớn các DHS sau khi tốt nghiệp đã ở lại nước ngoài sinh sống và làm việc. Vậy Nhà nước có thu hồi kinh phí đầu tư hay không? Tỷ lệ thu hồi đạt kết quả như thế nào? Đề nghị có giải pháp để thu hồi đạt kết quả cao nhất".
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn mới có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri về việc học sinh du học bằng ngân sách Nhà nước nhưng không về nước
Về vấn đề này, văn bản trả lời của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: công tác tuyển sinh, cử đi học và quản lý du DHS được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86/2021/NĐ-CP ngày 25.9.2021 của Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật. DHS sau khi tốt nghiệp được trả về cơ quan công tác (đối với trường hợp có cơ quan công tác) và có trách nhiệm đóng góp cho đơn vị cử đi theo quy định.
Đối với trường hợp không có cơ quan công tác, một số sẽ xin tiếp tục ở lại nước ngoài học lên trình độ cao hơn, một số về nước sẽ được Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực của Bộ GD-ĐT giới thiệu việc làm hoặc giới thiệu về các cơ quan, địa phương, trường đại học đã cử DHS đi học có nhu cầu tuyển dụng.
Trường hợp DHS không hoàn thành khóa học, không thực hiện quy định của người được hưởng học bổng ngân sách Nhà nước phải thực hiện xét bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định hiện hành.
Đối với DHS có cơ quan công tác thuộc diện bồi hoàn chi phí đào tạo sẽ do cơ quan quản lý trực tiếp của DHS thực hiện xử lý và thu hồi chi phí; đối với DHS không có cơ quan công tác sẽ do cơ quan nhà nước cấp học bổng cho DHS thực hiện xử lý và thu hồi chi phí.
Bộ GD-ĐT cho biết: DHS được học bổng ngân sách Nhà nước do Bộ GD-ĐT quản lý về cơ bản học xong về nước, một số không hoàn thành khóa học hoặc đã tốt nghiệp nhưng xin thôi việc hoặc chuyển cơ quan công tác.
Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, trong danh sách DHS phải bồi hoàn hiện nay, tỷ lệ thu hồi chi phí đào tạo chỉ đạt khoảng 40%, do một số DHS không có khả năng hoàn trả hoặc xin hoàn trả dần.
Đối với trường hợp chưa thu hồi được chi phí, Bộ GD-ĐT thường xuyên có văn bản nhắc nhở cơ quan quản lý trực tiếp của DHS, phối hợp các cơ quan có liên quan, Đại sứ quán Việt Nam nước sở tại, địa phương nơi DHS cư trú, cung cấp thông tin cho Cục A03 (Bộ Công an) để yêu cầu DHS bồi hoàn.
Đề xuất bổ sung chế tài xử phạt
Bộ GD-ĐT cũng đề xuất giải pháp thu hồi chi phí đào tạo đối với DHS học bổng ngân sách Nhà nước. Theo đó, đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về bồi hoàn chi phí đào tạo tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP.
Cụ thể bổ sung quy định cho phép DHS hoàn trả chi phí theo nhiều đợt phù hợp hoàn cảnh của cán bộ, công chức, viên chức và đồng thời bổ sung thêm chế tài xử phạt đối với trường hợp không chấp hành quyết định bồi hoàn chi phí đào tạo.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, việc bổ sung các chế tài xử phạt cần có sự phối hợp của các cơ quan có liên quan. Sau khi Nghị định số 101/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung, các đối tượng phải bồi hoàn khác được quy định tại các Nghị định số 143/2013/NĐ-CP, Nghị định số 86/2021/NĐ-CP sẽ được điều chỉnh cho phù hợp, thống nhất.
Ngoài việc bổ sung thêm quy định thu hồi chi phí đào tạo, theo Bộ GD-ĐT, cần có giải pháp thu hút DHS về nước công tác. Cần triển khai các cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất từ T.Ư đến địa phương về trọng dụng, đãi ngộ đối với trí thức trẻ nói chung và đội ngũ du học nói riêng; cải thiện môi trường nghiên cứu, làm việc trong nước theo hướng hiện đại, công bằng, lành mạnh và bảo đảm điều kiện làm việc thuận lợi;
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị cần bố trí nguồn kinh phí thỏa đáng để thực hiện các chính sách thu hút và đãi ngộ nhân tài như trả lương, phụ cấp, nhà ở, điều kiện làm việc, xây dựng quy định hỗ trợ tài năng, khen thưởng, vinh danh, cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ…
Theo Báo Thanh niên
Ngày 5/6, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh công bố kết quả kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 năm 2023.
Chỉ còn gần một tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra với hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi. Vì vậy, ngành giáo dục và các địa phương đang tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
(HBĐT)-Cách đây 8 năm, vào đúng ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, "Không gian đọc T.M” được thành lập tại ngôi nhà nhỏ tràn ngập hương hoa của mẹ con chị Nguyễn Hồng Nhung (nhà số 3, ngõ 116, đường An Dương Vương, TP Hòa Bình). Thời điểm đó, "Không gian đọc T.M” mới có khoảng 200 đầu sách nhưng có sức hút đặc biệt đối với các độc giả nhí đầu tiên. Dần dần, bằng sự kết nối từ trái tim đến trái tim, tình yêu với sách được khơi dậy và lan tỏa. Với trên 1.000 đầu sách, dù vẫn còn khiêm tốn nhưng "thư viện thu nhỏ” đã thực sự trở thành không gian quen thuộc của các bạn nhỏ yêu sách, nơi nuôi dưỡng tình yêu thuần khiết với sách, nơi sách mở ra cho các em thế giới tri thức muôn màu.
Ngày 31/5, Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết vừa tổ chức tham vấn quy trình thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới tại 20 tỉnh, thành phố, làm cơ sở để đánh giá, tiến tới ban hành chính thức.
(HBĐT) - Sáng 31/5, UBND huyện Lương Sơn tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh xuất sắc năm học 2022 - 2023.
(HBĐT) - Ngày 31/5, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.