Theo chuyên gia, thí sinh nên cân nhắc thi đánh giá năng lực đợt 2 nếu điểm nằm ngoài 'vùng an toàn' nhưng cần có chiến lược ôn tập phù hợp để không ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Mức điểm "an toàn"

Từ phổ điểm thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2023, thạc sĩ Bùi Văn Công, giáo viên luyện thi đánh giá năng lực thu hút hơn 60.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội, cho rằng khoảng 40% thí sinh có thể mất cơ hội vào các trường tốp đầu của ĐH Quốc gia TP.HCM như Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM...

"Đây đều là những thí sinh có từ 600 điểm trở xuống và dựa theo điểm chuẩn năm 2022, không trường nào ở danh sách trên tuyển sinh khung điểm này", thầy Công nói.


Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM (ngày 26.3). NHẬT THỊNH

Cũng theo thầy Công, trong số thí sinh đạt 600 điểm trở lên, có 70% đạt từ 600-750 điểm. Tuy nhiên, số ngành lấy điểm trong mốc này tương đối ít, chỉ khoảng 35%, nên sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt. "27% số thí sinh đạt 600 điểm trở lên có điểm từ 750 đến dưới 900 trong khi số ngành tuyển sinh mức điểm này là khoảng 60%. Đây được xem là ngưỡng tương đối an toàn, khả năng cao sẽ trúng tuyển. Còn với mức điểm từ 900 trở lên, thí sinh gần như có một suất trong các ngành tốp đầu của ĐH Quốc gia TP.HCM", thạc sĩ Công nhận định.

Đồng thời, thầy Công cho rằng những thí sinh có kết quả cao hơn điểm chuẩn năm 2022 từ 50 điểm trở lên sẽ tương đối an toàn. Nếu chỉ ở mức ngang bằng thì người học cần nghiên cứu tham gia kỳ thi đợt 2 (ngày 28.5) để nâng cao sức cạnh tranh. "Trong trường hợp thấp hơn đến 100 điểm trở lên, thí sinh rất khó để bứt phá và nên tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra chỉ 1 tháng sau đó", thạc sĩ Công cho hay.

Ôn thi: Đọc thêm sách giáo khoa chương trình mới

Ở một góc nhìn khác, anh Đặng Duy Hùng, Giám đốc Trung tâm luyện thi Strength Education (TP.HCM), khuyên thí sinh nên học với tâm thế kiến thức sẽ được dùng chung với mọi kỳ thi, xem việc thi đánh giá năng lực đợt 2 là một cơ hội để tiến vào cánh cửa ĐH song song với kết quả thi tốt nghiệp THPT. "Tuy nhiên, đề thi đánh năng lực sẽ không phù hợp với những trường hợp học lệch 3 môn xét tuyển ĐH nên thí sinh cần cân nhắc", anh Hùng lưu ý.

Cũng theo anh Hùng, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực không có nhiều sự thay đổi trong 4 năm qua và đợt 2 sắp tới cũng tương tự, với những câu hỏi tuy có nội dung không quá cao siêu nhưng số lượng lại lớn dễ khiến thí sinh gặp áp lực. Vì thế, ở giai đoạn hiện tại, người học phải luyện giải đề thật nhiều để tăng phản xạ, canh chuẩn tốc độ giải quyết các câu hỏi tư duy, đọc hiểu cho tròn thời gian 150 phút làm bài, song song đó cần nắm chắc trọng tâm từng đơn vị kiến thức.

Về thời gian ôn luyện, anh Hùng nhận định thí sinh nên học đều các môn ở những ngày trong tuần để bồi dưỡng độ rộng kiến thức, sau đó tập trung giải đề vào cuối tuần. Ở giai đoạn gần thi, việc ôn luyện đề cần được tăng cường hơn. "Với những câu giải quyết vấn đề thuộc lĩnh vực lịch sử, chính trị, xã hội là điểm mới năm nay, thí sinh có thể đọc thêm sách giáo khoa lớp 10 chương trình mới để xây dựng nền tảng kiến thức", anh Hùng cho hay.

Tập trung cải thiện điểm yếu

Đạt mức điểm 1.009/1.200 trong kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2022 và trở thành thủ khoa Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM theo phương thức này, Đinh Hữu Nghiêm, sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, cho rằng điều quan trọng nhất sau khi nhận điểm là thí sinh phải tự đánh giá năng lực của bản thân thông qua kết quả đợt 1 và các bài làm, bài kiểm tra trên lớp, từ đó đưa ra chiến lược ôn tập phù hợp.

"Nếu nắm được những phần còn yếu và lỗi sai trong bài làm đợt 1, thí sinh có thể tập trung rút kinh nghiệm để cải thiện thành tích trong lần thi kế tiếp. Trong trường hợp không đủ tự tin có thể đạt điểm cao hơn, hãy chú trọng hoàn toàn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhìn chung, thí sinh cần tỉnh táo biết mình muốn gì và cần làm gì, tránh hùa theo đám đông để rồi 'đàn nào cũng chơi, nhạc nào cũng nhảy', vừa mất thời gian vừa không mang lại kết quả tối ưu", nam thủ khoa cảnh báo.

Theo Nghiêm, dù muốn thi đánh giá năng lực đợt 2, thí sinh cũng không được bỏ ngang việc ôn thi 3 môn xét tuyển ĐH trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mà nên chia đều thời gian học, tránh mất kiểm soát nếu kết quả đợt 2 không tốt. "Sức khỏe vật lý và tinh thần cũng phải đặc biệt chú trọng. Thay vì dồn thật nhiều thời gian học tập, thí sinh nên giữ tâm trạng thoải mái thông qua các hoạt động giải trí để không bị 'cháy sạch' (burnout), ảnh hưởng xấu đến kết quả của cả quá trình", Nghiêm đưa ra lời khuyên.


Theo Báo Thanh niên

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục