Tình cờ đọc SGK Vật lí 6, tái bản lần thứ bảy, Nhà xuất bản Giáo dục 2009 và nhiều cuốn liên quan, độc giả Nhị Giang cho rằng: một số đơn vị được giải thích không đúng hoặc cho không đúng giá trị; cách viết các biểu thức, trị số và đơn vị ở đó cũng không theo một tiêu chuẩn nào.

Điều này ảnh hưởng rất mạnh đến việc hình thành thói quen của học sinh, bởi đây là những kiến thức đầu tiên và có thể là lần duy nhất, về đơn vị đo lường mà các em được học.

Với mong muốn nêu lên những sai sót cụ thể mong góp phần làm cho sách được tốt hơn, độc giả Nhị Giang đã gửi đến VietNamNet bài viết về đơn vị đo lường trong Vật lí  6.

3 cuốn sách mà tác giả khảo sát đều của Nhà xuất bản Giáo dục:  Vật lí 6, tái bản lần thứ bảy, 2009; Bồi dưỡng Vật lí lớp 6, tái bản lần thứ hai, 2009 (gọi tắt là quyển Bồi dưỡng); Câu hỏi trắc nghiệm & bài tập tự luận Vật lí 6, tái bản lần thứ ba, 2008 (gọi tắt là quyển Câu hỏi).

 

Để rộng đường dư luận, VietNamNet giới thiệu bài viết của độc giả Nhị Giang:

 

Đúng và chưa đúng?

Để trả lời câu hỏi thế nào là đúng, chúng tôi cho rằng phải căn cứ vào các chuẩn của quốc gia và quốc tế. Chuẩn quốc gia về đơn vị đo lường hiện đang có hiệu lực thi hành là các văn bản sau:

Văn bản quy phạm pháp luật gồm Pháp lệnh đo lường do Chủ tịch nước công bố ban hành ngày 18/10/1999 và Nghị định số 134/2007/NĐ-CP ngày 15/8/2007 do Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về đơn vị đo lường chính thức.

Tiêu chuẩn Việt Nam: Bộ tiêu chuẩn nhà nước TCVN 6398:1998, gồm 14 phần, do Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, nay là Bộ Khoa học và Công nghệ, ban hành. Bộ này chịu trách nhiệm thực hiện thống nhất quản lí nhà nước về đo lường và đơn vị đo lường.

Chẳng lẽ trong biên soạn SGK có những đặc thù đòi hỏi phải quy định khác? Và giả sử nếu có quy định riêng thì vì sao mỗi quyển lại viết một khác, và ngay trong cùng một quyển, chỗ viết thế này, chỗ viết thế kia, như các ví dụ sẽ nêu dưới đây?

Các văn bản chuẩn về đơn vị đo lường ở nước ta lấy Hệ thống đơn vị đo lường quốc tế (SI) làm cơ sở. Như vậy, khi tuân theo các chuẩn quốc gia thì nói chung cũng phù hợp với chuẩn quốc tế. Khi đó ta nói các đơn vị đo lường được sử dụng và trình bày đúng. Lưu ý rằng, một số từ điển ở nước ta đã không cập nhật các tài liệu chuẩn nói trên, giải thích chưa đúng hoặc thiếu nghĩa quan trọng của từ.

Chưa đúng về giá trị của đơn vị

Về thùng dầu mỏ:  Ở mục 2, Đo thể tích, trang 16 quyển Bồi dưỡng viết: “Riêng trong việc buôn bán dầu thô thì một thùng của Anh bằng khoảng 159l, một thùng của Mỹ bằng 139l” và một ví dụ ngay sau đó được tính toán theo số liệu: 1 thùng dầu bằng 139 lít.

Trong khi đó, theo quy định quốc gia và quốc tế cũng như trong thực tế ngành dầu khí và thị trường dầu mỏ thế giới hiện nay, 1 thùng dầu thô bằng 158,9873 lít (xấp xỉ 159 lít).

Về ao-xơ (ounce, kí hiệu oz): Ở mục 3, Khối lượng, trang 21 quyển Bồi dưỡng viết: “đối với các chất thông thường, 1 oz = 28,35g”. Điều này là không sai, nhưng không có giá trị ứng dụng trong đời sống. Thực tế, ở nước ta không dùng đơn vị ao-xơ đối với các hàng hóa thông thường, mà chỉ dùng nói về vàng bạc, như ta vẫn thấy các phương tiện thông tin đại chúng hằng ngày đưa tin giá cả trên thị trường vàng thế giới. Khi đó, 1 ao-xơ không phải là 28,35g mà bằng 31,103g.

Ngoài ra, chất là một thuật ngữ đã được định nghĩa trong hóa học, dùng từ chất trong câu trên là không thích hợp.

Về chỉ (đồng cân): Ở bài 5, Khối lượng, trang 20 quyển Vật lí 6 viết: “1 chỉ vàng có khối lượng là 3,78g”. Ở trang 19 quyển Bồi dưỡng cũng viết: “1 đồng cân = 3,78g”. Trong khi đó, từ lâu Nhà nước đã quy định 1 chỉ vàng, bạc ở nước ta bằng 3,75g, và điều này đã được áp dụng trong thực tế.

Chưa đúng về khái niệm

Định nghĩa khối lượng: Bài 5, Khối lượng, trang 20 quyển Vật lí 6 viết “Khối lượng của một vật chỉ lượng chất tạo thành vật đó”; còn ở trang 18 quyển Bồi dưỡng viết “Khối lượng của một vật chỉ lượng chất chứa trong vật đó”.

Các định nghĩa này là mơ hồ. Khối lượng cũng như độ dài, thể tích... đều là tên gọi của đại lượng. Trong khi không định nghĩa độ dài và thể tích sao lại phải định nghĩa khối lượng ở lớp 6? Về sau các em sẽ hiểu rõ hơn khối lượng là gì, khi học đến gia tốc và quán tính.

Mặt khác lượng chất (amount of substance) đã là một thuật ngữ khác, tên gọi của một đại lượng cơ bản trong hệ SI mà tên gọi và kí hiệu đơn vị của nó là mol.

Định nghĩa "mét": Trang 6 phần kiến thức cơ bản cần nắm vững ở quyển Câu hỏi viết: “Mét là độ dài bằng khoảng cách giữa hai vạch của mét mẫu”. Nhưng đó là định nghĩa đã cũ. Với trình độ khoa học phát triển, ngày nay "mét" đã được định nghĩa khác, liên quan đến quãng đường ánh sáng đi được trong chân không.

Hiện tượng “mỏi”
: Bài 9, Lực đàn hồi, trang 32 quyển Vật lí 6 viết “Nếu kéo dãn lò xo bằng một lực quá lớn thì lò xo sẽ bị mất tính đàn hồi. Người ta nói là lò xo bị mỏi”.

Đúng ra phải là lò xo bị vượt quá giới hạn đàn hồi. Trong cơ học, mỏi (fatigue) là một hiện tượng hoàn toàn khác. Đó là khi một vật thể chịu tải trọng lặp gây hư hại cho cấu trúc vật liệu có thể dẫn đến phá hủy, chẳng hạn như khi ta bẻ đi bẻ lại một sợi dây thép, nếu bẻ đủ mạnh và số lần bẻ đủ nhiều, sợi dây sẽ gãy.

Trọng lực và trọng lượng: trong khi bài 8, các trang 28 và 29 quyển Vật lí 6 viết “Trọng lượng là cường độ (độ lớn) của trọng lực” thì ở trang 29 quyển Bồi dưỡng viết: “Lực hút mà Trái Đất tác dụng lên một vật và trọng lượng của vật ấy là hai lực khác nhau. Nhưng cường độ của hai lực này cũng như phương, chiều của chúng rất gần nhau”; còn trang 50 phần kiến thức cơ bản cần nắm vững ở quyển Câu hỏi lại viết: “Trọng lực tác dụng lên một vật còn gọi là trọng lượng của vật đó”.

Rõ ràng là chúng mâu thuẫn với nhau. Giáo viên và học sinh chắc hẳn sẽ lúng túng vì những câu này.

Ngoài ra, nên giới thiệu các đơn vị lực thường gặp nhiều trong thực tế là kilôgam lực (kgf) và tấn lực (tf) hơn là những đơn vị khác theo tập quán Anh, Mĩ.

Khái niệm trọng lượng riêng:
Khái niệm này liên quan đến trọng lượng. Nói khối lượng của một vật thì đó là cụm từ chính xác, bởi khối lượng là một tính chất tự thân của vật, không phụ thuộc các yếu tố bên ngoài; còn khi nói trọng lượng của một vật thì chỉ là nói cho ngắn gọn. Đúng ra là trọng lượng mà vật phải chịu, bởi trọng lượng là độ lớn của lực hút của trái đất tác dụng lên vật.

Vì trọng lượng và trọng lượng riêng không phải là thuộc tính của vật, mà thực ra chúng thay đổi ít nhiều theo vị trí trên mặt đất, nên trong các bảng đại lượng ở Nghị định 134 và ở các tài liệu của các tổ chức đo lường quốc tế không có mặt hai đại lượng này, mà chỉ có lực, khối lượng và khối lượng riêng (hay mật độ) mà thôi. Vả lại, khi đã biết khối lượng riêng hoặc khối lượng của vật thì có thể dễ dàng tính được trọng lượng, không cần phải đưa đại lượng trọng lượng riêng vào sách giáo khoa.

Về kenvin: Bài 22, Nhiệt kế, trang 70 quyển Vật lí 6 viết: “Đơn vị nhiệt độ trong nhiệt giai này (nhiệt giai Ken-vin) gọi là độ ken vin”.

Đã 20 năm nay, theo quy định quốc tế và quốc gia, đơn vị này có tên chỉ là kenvin, không có từ độ đứng trước. Thêm nữa, kenvin phải viết liền, không viết cách.

Ngoài ra, không nên đưa từ nhiệt giai vào tiêu đề bài học như một thuật ngữ quan trọng. Nhiệt giai chỉ có nghĩa là thang nhiệt độ, và thực tế cũng thường gọi là thang nhiệt độ hơn là nhiệt giai. Mọi dụng cụ đo, không chỉ riêng nhiệt kế, đều có thang chia của nó. Trong các tài liệu chuẩn quốc gia và quốc tế về đo lường không có từ nhiệt giai.

Chưa đúng về cách trình bày

Tên đơn vị: Theo quy định quốc tế và quốc gia, tên đơn vị và tên đơn vị đi kèm với ước và bội phải viết (in) thẳng đứng, không nghiêng, kiểu chữ thường, kể cả tên đơn vị xuất xứ từ một tên riêng.

Trong khi đó, quyển Vật lí 6, trang 6 viết nghiêng: đềximét, xentimét, milimét, kilômét; trang 36 viết nghiêng: kilôgam trên mét khối, vv; còn ở các phần ghi nhớ ở các trang, chẳng hạn 20, 29, vv lại viết đúng: kilôgam, niutơn. Trang 29 phần những điều cần nhớ, quyển Bồi dưỡng viết Niutơn, và ngay sau đó lại viết niutơn.

Ngoài ra, viết đềximét, xentimét, Ken-vin cũng là chưa đúng quy định.

Kí hiệu đơn vị: Theo tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia, trị số và kí hiệu đơn vị phải viết kiểu thẳng đứng, đúng theo quy định, bất kể phần còn lại của văn bản viết kiểu chữ gì. Trong khi đó, ở các quyển nói trên, chúng được viết khi thẳng đứng khi nghiêng. Ví dụ: 20cm, dm3, 500N, 70oC, thậm chí vừa đứng lại vừa nghiêng như 159l, 1000ml.

Vì kí hiệu l (lít) dễ nhầm với số 1, nên tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia quy định được dùng cả kí hiệu L (chữ hoa). Nếu người biên soạn SGK nên dùng chữ L cho đúng quy định.

Khoảng cách giữa trị số và đơn vị: Theo tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia, giữa trị số và kí hiệu đơn vị phải có một khoảng trống (kí tự trống). Ở trang 16 quyển Bồi dưỡng có vài chỗ đã viết như vậy, ví dụ 1 in3 = 16,390 cm3, 1 ft3 = 0,028 m3. Nhưng ở hầu hết các trang, chúng đều được viết liền không có khoảng trống.

Phân nhóm các số dài: Theo tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia, những số dài, để dễ đọc, được phân thành nhóm ba số một bằng một khoảng trống, bắt đầu từ dấu thập phân về hai phía. Có chỗ đã viết được như vậy: 1 000 dm3, 2 689 kg/m3. Nhưng hầu hết là chưa đúng: không phân nhóm, viết nghiêng và liền với kí hiệu đơn vị, ví dụ 6000kg, 2200N, 20000000oC, vv.

Kí hiệu các đại lượng: Theo tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia, kí hiệu các đại lượng phải viết nghiêng, để tránh nhầm lẫn với kí hiệu đơn vị. Ở một số chỗ đã viết được như vậy: m = D V, d = P/V. Nhưng hầu hết chúng đều được viết chưa đúng, ví dụ: D = m/V, d = P/v, P =10m, kí hiệu cuối cùng này dễ nhầm với 10 mét.

Ngoài ra, không nên đưa vào bài học các biển báo ở hình 22, trang 32, quyển Câu hỏi, ở đó viết 15T, 30km, 4,0m. Hoặc nếu đưa vào thì cần nói rõ, có trường hợp trong thực tế viết như vậy là chưa đúng quy định, như đã nói ở trang 20, quyển Vật lí 6, bởi cũng còn một thực tế khác là nhiều biển báo đã được viết đúng: 15 t, 30 km, 4,0 m.

Chúng tôi nhận thấy, việc viết đúng tiêu chuẩn trong biên soạn SGK nói chung không gặp phải bất kì khó khăn nào, và điều quan trọng là ở chỗ, làm sao hình thành được một thói quen tốt cho học sinh. Sau này ra trường, để làm cho đúng pháp luật và tiêu chuẩn, các em không phải học lại, không phải làm một việc hết sức khó khăn là thay đổi cách viết sai đã thành thói quen.

            

                                                                                     Theo Vnn

 

Các tin khác


Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình bế giảng và trao bằng tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên khóa 23

Ngày 3/5, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình tổ chức lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp năm 2024 cho học sinh (HS), sinh viên (SV) khóa 23.

Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông

Trong tháng Tư vừa qua, Sở GD&ĐT phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” với mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.

Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục