Những cơ sở đào tạo khai man số liệu để tính chỉ tiêu hay báo cáo "3 công khai" không trung thực sẽ bị trừ hoặc tạm dừng tuyển sinh vào năm sau. Đó là quy định về "xử phạt đối với vi phạm trong xác định chỉ tiêu và thực hiện tuyển sinh năm 2010" mà Bộ này dự kiến áp dụng từ tháng 3.

"Chỉ tiêu tuyển sinh" là số lượng sinh viên được tuyển mới hàng năm. Đây là một trong những nguồn thu đáng kể ở nhiều trường ĐH.

Từ trước đến nay, "chỉ tiêu tuyển sinh" thường được tính theo cách,trường đề xuất con số và Bộ GD-ĐT duyệt  căn cứ vào điều kiện đào tạo thực tế (như số lượng giáo viên hiện có, cơ sở vật chất...).

Nhưng thực tế, nhiều trường "khai vống" để nhận chỉ tiêu nhiều hơn năng lực đào tạo. Đồng thời việc kiểm tra, giám sát từ phía Bộ chủ quản còn lỏng lẻo nên câu chuyện "giao - nhận" chỉ tiêu tuyển sinh nhiều năm vẫn chưa thực sự tường minh.

Những năm qua,  có trường gọi đội số thí sinh trúng tuyển lên gấp 2 lần chỉ tiêu được giao dù biết tỏng sẽ "bị" phạt tiền hay khấu trừ vào năm sau.

Năm 2007, đã có 18 trường ĐH, CĐ bị phạt từ 40-60 triệu đồng vì tuyển vượt chỉ tiêu cho phép. Sau mùa tuyển sinh năm đó, Bộ còn phát hiện 34 trườn tuyển vượt trên 20%.

Thế nhưng, càng phạt, danh sách các trường tuyển vượt chỉ tiêu... càng tăng. Năm 2008 lên tới hơn 40 trường.

Thậm chí, ngoài hiện tượng tuyển vượt như những năm trước, đến mùa tuyển sinh 2009 còn thêm hình thức "lách luật" mới: tự điều chỉnh chỉ tiêu cho các trường trực thuộc hoặc "Bộ giao ít, địa phương giao nhiều"... 

Theo Chánh thanh tra Giáo dục Nguyễn Văn Chiến, một số bộ, ngành, địa phương sau khi có thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GD-ĐT lại ra văn bản giao chỉ tiêu nhiều hơn.  "Hậu tuyển sinh 2009", có 38 trường ĐH, CĐ tuyển vượt chỉ tiêu từ 15% trở lên so với tổng chỉ tiêu được giao.

Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, tổng chỉ tiêu tuyển sinh toàn quốc cứ tăng đều đều 10% hàng năm, nhưng tỷ lệ học sinh (HS) tốt nghiệp lớp 12 không tăng, thậm chí giảm là lý do khiến nhiều trường quá lo không có thí sinh đến nên "nhắm mắt làm liều". Một nguyên nhân quan trong khác chính là sự giám sát còn quá lỏng lẻo của Bộ chủ quản, đơn vị có quyền "cho chỉ tiêu’ - cũng là  quyền cho thêm hay bớt một nguồn thu đáng kể của các trường.

Phạt khai man

Trước kỳ tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ phải công bố công khai các điều kiện đào tạo như: diện tích trường, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cơ chế tài chính để từ đó, căn cứ giao chỉ tiêu tuyển sinh.

Đầu tháng 2, Bộ này trình làng dự thảo "Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, quy trình đăng ký, thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, kiểm tra và xử lý việc thực hiện các quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp".

Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở đào tạo được xác định trên cơ sở những điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội của mình.

Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo 2 tiêu chí:  tỷ lệ sinh viên/giảng viên ( tính theo hệ số quy đổi) và diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học tính cho mỗi sinh viên.

Diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học dành cho mỗi sinh viên tối thiểu là 2m2.

Còn tỷ lệ sinh viên/giảng viên được chia theo bốn nhóm ngành. Các nhóm  ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, văn hóa, du lịch, báo chí, thư viện, khoa học xã hội nhân văn, pháp lý, hành chính, sư phạm: không quá 25 sinh viên/1 giảng viên. Các ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm ngư, thuỷ lợi, khoa học tự nhiên, giao thông, xây dựng, mỏ địa chất, cao nhất phải có 1 giảng viên cho 20 sinh viên. Với nhóm ngành nghệ thuật, thể dục thể thao, con số này tối đa là 15. Và các nhóm ngành y dược còn khắt khe hơn: ở bậc ĐH không quá 10 còn ở bậc CĐ tối đa là 15.

Từ đó, các cơ sở đào tạo có tỷ lệ sinh viên/giảng viên thấp hơn các con số trên sẽ được tăng chỉ tiêu không quá 5% của năm 2009.

Các trường có tỷ lệ bằng "chuẩn" thì được giữ ổn định. Ngược lại, con số cao hơn "chuẩn" thì buộc phải giảm chỉ tiêu, đồng thời được "nợ" đến năm 2012 để có thời gian đạt chuẩn.

Những trường năm nay mới tuyển lứa đầu hoặc thứ hai thì được tuyển không quá 100 sinh viên cho mỗi  ngành; đồng thời giữ quy mô sau 3 năm không vượt quá 3.000 sinh viên.

Những cơ sở đào tạo ngành đặc biệt, ngành xã hội có nhu cầu, ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên thì chỉ tiêu tuyển sinh năm 2010 tăng không quá 10% nhưng phải có văn bản thuyết minh.

Hệ tại chức: Bằng 80% hệ chính quy

Ngoài hệ đào tạo chính quy, ở các trường ĐH, CĐ hiện nay hầu hết mở thêm đào tạo vừa làm vừa học (thường được gọi là "tại chức"), liên thông, văn bằng 2. Những hệ đào tạo này là "nồi cơm" của không ít trường.

Năm nay, Bộ GD-ĐT cũng quy định tổng chỉ tiêu tuyển sinh các trình độ, hình thức đào tạo  này theo tiêu chí trên, với tỷ lệ bằng 80% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy.

                                                                                      Theo Vnn

Các tin khác


Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông

Trong tháng Tư vừa qua, Sở GD&ĐT phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” với mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.

Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục