Học phí tăng làm tăng thêm gánh nặng cho sinh viên

Học phí tăng làm tăng thêm gánh nặng cho sinh viên

Với lý do chi phí đầu vào tăng, bù trượt giá, tăng mua sắm trang thiết bị… nhiều trường đại học ngoài công lập (ĐHNCL) công bố sẽ tăng học phí trong năm 2010. Nhưng liệu đây có phải là mức phí “cuối cùng” hay các trường vẫn tiếp tục bắt người học phải gánh thêm những khoản phụ thu khác?

Cao nhất 150 triệu đồng/năm

Thực hiện “công khai học phí” theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, thông tin học phí năm học 2010 - 2011 đã được nhiều trường cụ thể hóa trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2010”. Điều dễ nhận biết nhất đối với các trường mang yếu tố quốc tế là phần lớn học phí được quy đổi thành tiền Việt để người học dễ nhận biết. Giữ kỷ lục về mức thu học phí năm học mới là Trường RMIT với mức thu tối thiểu khoảng 15 triệu đồng/tháng (hơn 150 triệu đồng năm). Mức phí này tăng tương đối cao so với năm học 2009 (cao nhất khoảng 6.000 USD/năm).

Tiếp theo lần lượt là Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn mức phí 37.000.000 - 42.550.000 đồng/năm cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt, từ 96.200.000 - 105.450.000 đồng/năm cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh; ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM khoảng 55 triệu đồng/năm, ĐH FPT học phí 20.327.000 đồng/học kỳ.

Tuy nhiên, những trường này bao giờ cũng đạt chữ “khoảng” hay kèm theo phía sau mức học phí dòng chữ “học phí sẽ được tính theo tỷ giá của ngân hàng”… Như vậy, mức học phí ngất ngưởng này thực tế có thể sẽ tiếp tục nhảy múa chứ không ấn định như đã công khai.

Cùng với các trường có mức học phí cao ngất nói trên, nhiều trường ĐHNCL khác cũng bắt đầu rục rịch dự kiến hoặc tăng khoảng 10%-20% so với năm học 2009-2010.

Mức học phí thấp nhất đối với các trường ĐHNCL ở mức 500.000 đồng/tháng (5.000.000 đồng/năm), tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Cụ thể, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM nhảy vọt từ mức 800.000 đồng/tháng lên thành 1,1 triệu đồng/tháng (tăng 300.000 đồng/tháng); Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM cũng tăng từ 10 triệu đồng/năm lên thành 11,5 triệu đồng/năm (ngành CNTT, quản trị kinh doanh), các ngành khác thấp hơn chút đỉnh là 11,3 triệu đồng/năm… Ngay cả trường có mức phí ổn định như ĐH DL Văn Lang TPHCM cũng dự kiến học phí sẽ giao động từ 8 – 10 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1 triệu đồng so với học phí năm 2009).

Theo lãnh đạo của nhiều trường ĐH công lập, nhà trường sẽ tăng học phí kịch trần 240.000 đồng/tháng (theo quy định của Chính phủ) trong năm học mới. Còn mức phí mới theo đề án của Bộ GD-ĐT, khi nào chính thức có thông báo áp dụng các trường mới thực hiện.

Chất lượng có cao?

Nhìn vào mức học phí mà các trường ĐHNCL công bố có thể thấy quan điểm “coi học phí thấp là một lợi thế để cạnh tranh, thu hút thí sinh” đã không hợp thời, thay vào đó là cuộc chạy đua nâng cấp học phí vì đánh vào tâm lý “tiền cao chất lượng sẽ cao”. Tuy nhiên thực tế có bao nhiêu trường đạt đúng với tiêu chí “tiền nào của nấy” như người học đánh giá thì vẫn phải chờ câu trả lời từ “khách hàng”.

Thực tế cho thấy, nhiều trường tăng học phí từ năm 2008 cũng với lý do rất hợp tình hợp lý “tăng vì phải tăng đầu tư cho cơ sở vật chất”, nhưng đến nay đã 2 năm rồi mà cơ sở vật chất vẫn y như cũ, trường lớp vẫn mãi điệp khúc thuê mướn, chật chội, giảng viên vẫn thiếu triền miên. Năm 2009, một số trường ĐH tuy đã công bố công khai mức học phí nhưng mức thu thực tế lại cao hơn khoảng 30%-40% vì phải thêm các khoản phí câu lạc bộ, đồng phục, cặp táp… do nhà trường quy định.

Lý do chung nhất được các trường đưa ra là sự biến động về giá cả trong thời gian qua. Đại diện một trường ĐHNCL tại Đồng Nai cho hay, nhà trường chỉ điều chỉnh đôi chút (căn cứ theo tốc độ trượt giá thực tế) chứ không thể nói tăng. Trong khi đó, nhiều trường tại TPHCM viện dẫn với lý do mức tăng học phí trong năm học 2010-2011 là để nhà trường chi trả những khoản tiền trượt giá trong chi phí hoạt động bao gồm các khoản như: thuê mặt bằng, điện nước, thù lao giảng viên... đều tăng. Một số trường khác thì cho rằng, trường tăng học phí vì phải đầu tư mua thêm trang thiết bị thực hành cho sinh viên.

Trong tổng số 46 trường ĐHNCL tăng học phí, có rất nhiều trường tỷ lệ sinh viên/giảng viên, diện tích xây dựng… không đạt quy định của Bộ GD-ĐT nhưng học phí vẫn cứ tăng như: ĐHDL Văn Lang, ĐHDL Hùng Vương, ĐHDL Phương Đông, ĐHDL Đông Đô, ĐHDL Đại Nam…

Qua kết quả thực hiện “3 công khai”, rất nhiều trường dù hàng loạt tiêu chí cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo không đạt nhưng học phí vẫn cứ tăng hàng năm. Liệu như thế chất lượng có tương xứng với đồng tiền mà người học phải bỏ ra?

Đối với các trường ĐH công lập, trên cơ sở nguyên tắc “chia sẻ kinh phí đào tạo giữa Nhà nước và người dân”, Bộ GD-ĐT đề xuất khung học phí theo bảy nhóm ngành. Khung học phí cụ thể từ năm học 2010 -2011 đến năm học 2014 - 2015 như sau:

Nhóm ngành đào tạo và khung học phí tính theo đơn vị đồng/tháng

1. Khoa học xã hội, kinh tế, luật:  Từ 290.000 đến 550.000

2. Kỹ thuật, Công nghệ: Từ 310.000 đến 650.000

3. Khoa học tự nhiên: Từ 310.000 đến 650.000

4. Nông - lâm - thủy sản: Từ 290.000 đến 550.000

5. Y dược: Từ 340.000 đến 800.000

6. Thể dục thể thao, nghệ thuật: Từ 310.000 đến 650.000

7. Sư phạm: Từ 280.000 đến 500.000

 

                                                                             Theo SGGP

Các tin khác


Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình bế giảng và trao bằng tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên khóa 23

Ngày 3/5, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình tổ chức lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp năm 2024 cho học sinh (HS), sinh viên (SV) khóa 23.

Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông

Trong tháng Tư vừa qua, Sở GD&ĐT phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” với mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.

Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục