Công trình nhà lớp học đang xây dựng bị chậm tiến độ đã hơn 3 tháng nay

Công trình nhà lớp học đang xây dựng bị chậm tiến độ đã hơn 3 tháng nay

(HBĐT) - Tổng kết năm học 2009 – 2010, trường THCS thị trấn Bo, Huyện Kim Bôi tiếp tục đạt thành tích cao với 60% học sinh đạt học lực khá giỏi, 41 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, 15 em học sinh giỏi cấp tỉnh; 16 giáo viên giỏi cấp huyện, 3 giáo viên giỏi cấp tỉnh, 17 chiến sĩ thi đua các cấp. Nhưng trước thềm năm học 2010 – 2011, nhà trường đang phải đối mặt với nguy cơ không tuyển sinh đủ một lớp 6, phải tiến hành dạy học 2 ca và có tới 9 trong tổng số 16 giáo viên đang trực tiếp giảng dạy nộp đơn xin chuyển trường. Chuyện gì đang diễn ra ở ngôi trường có chất lượng dạy và học hàng đầu của huyện?

 

Cơ sở vật chất thiếu và yếu nghiêm trọng

 

Bước qua cổng trường cũ kĩ, xập xệ là dãy nhà công vụ ẩm thấp gồm 3 phòng căn phòng chật chội đã xuống cấp. Trong phòng chờ của giáo viên, trên tường hằn rõ những vệt nước chảy, những mảng tường lâu năm bị bong tróc. Cô giáo Trần Thị Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Khu nhà công vụ này được xây dựng từ khi mới thành lập trường năm 1995, đến nay do không được sửa sang nên đã bị thấm dột, hễ cứ mưa to là nước chảy tràn vào phòng, ướt hết tài liệu giấy tờ, đồ dùng giảng dạy”. Cạnh phòng chờ của giáo viên là căn phòng chỉ rộng chừng hơn chục mét vuông nhưng là nơi làm việc chung của cả hiệu trưởng, hiệu phó, kế toán, văn thư, thủ quỹ, đoàn đội… Căn phòng này cũng đang trong tình trạng xuống cấp tương tự.

 

Đưa chúng tôi đi thăm khuôn viên nhà trường, trên khoảng sân đất vẫn còn ngổn ngang đất đá, cô Thanh phân trần: “Năm 2000, do thiếu phòng học nên nhà trường đã làm 3 phòng học tạm, móng bằng đá hộc, tường trát vách đất, lợp pờ - rô – xi – măng. Các phòng học tạm này đã phải duy trì hoạt động hơn 10 năm qua, mới được dỡ bỏ hồi cuối tháng 6/2010”. Hiện nay, khu nhà học chính của nhà trường là dãy nhà 2 tầng bao gồm 6 phòng học nhưng có 1 phòng được giành làm phòng chức năng nên chỉ còn 5 phòng cho các lớp học. Có tuổi thọ hơn 15 năm nay, dãy nhà học chính không chỉ không đảm bảo cho việc giảng dạy mà còn là mối nguy hiểm đối với thầy và trò nhà trường. Toàn bộ hệ thống cửa sổ phía sau trường đều đã hư hỏng nặng, nhiều cánh cửa bị bong bản lề, treo lơ lửng như những cái “bẫy” nguy hiểm trên không trung và có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Nếu những “cái bẫy” đó rơi xuống đất từ độ cao 6,7 m, đúng vào lúc các em học sinh đang chơi đùa bên dưới thì không ai dám nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra!

 

Trăn trở về sự xuống cấp nghiêm trọng của cơ sở vật chất nhà trường, cô giáo hiệu trưởng cho biết: “Mỗi năm nhà trường cũng được đầu tư khoảng trên 10 triệu đồng cho việc tu sửa cơ sở vật chất nhưng số tiền này chỉ như muối bỏ bể khi các phòng học đã quá xuống cấp, ngoài ra còn phải mua sắm thay mới bàn ghế, thiết bị giảng dạy. Do đó, chúng tôi không thể có kinh phí để sửa sang, cải tạo, xây mới phòng học”.

 

Trước thực trạng này, tháng 4/2009, UBND huyện Kim Bôi đã có quyết định đầu tư xây dựng cho nhà trường nhà học 2 tầng, 6 phòng học với tổng diện tích 241m2. Công trình do Ban quản lý xây dựng cơ bản huyện Kim Bôi làm chủ đầu tư, Công ty TNHH một thành viên Đức Tuyến là đơn vị trúng thầu thi công. Nhà thầu đã ký hợp đồng thi công xây lắp với Ban quản lý dự án XDCB huyện Kim Bôi tại Hợp đồng số 60/HĐ – XD ngày 19/05/2009 và thời gian thi công là 265 ngày, kể từ ngày 29/05/2009 đến ngày 29/03/2010. Tuy nhiên đến thời điểm ngày 01/06/2010, nhà thầu mới thi công được cơ bản phần xây lắp, chưa thi công lắp đặt cửa và điện nội tuyến với giá trị nghiệm thu và giải ngân là 1.08 tỷ đồng, bằng 63% so với dự toán trúng thầu, quá thời hạn bàn giao là 03 tháng. Ngày 04/06/2010, UBND huyện Kim Bôi đã có công văn số 219/CV - UBND yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Đức Tuyến đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành công trình trước thời điểm ngày 30/06/2010. Tuy nhiên, tại thời điểm này, công trình vẫn còn dang dở, chưa có biến chuyển so với thời điểm nghiệm thu ngày 01/06/2010.

 

Còn chưa đầy một tháng nữa là năm học mới bắt đầu, nhưng công trình nhà lớp học Trường THCS Thị trấn Bo vẫn phải “đắp chiếu” nằm đó chờ đợi. Để duy trì hoạt động của 8 lớp học với 5 phòng học cũ, nhà trường buộc lòng phải tổ chức dạy 2 ca. Một ngôi trường chất lượng cao giữa trung tâm huyện phải dạy học 2 ca là thực tế rất đáng quan tâm, khó tin nhưng khi hoàn toàn có thật! Cho đến lúc này, các giáo viên nhà trường chỉ còn biết ngậm ngùi: “Biết thế không phá 3 phòng học vách đất bởi tồi tàn, dột nát nhưng thà có còn hơn không. Chứ học 2 ca, chất lượng đi xuống là điều chắc chắn!”.

 

Tương lai “tối” ở một điểm “sáng” ?

 

Bên cạnh khả năng phải tiến hành dạy học 2 ca thì Trường THCS Thị trấn Bo đang phải đối diện với việc 9 trong tổng số 16 giáo viên của nhà trường đồng loạt nộp đơn xin chuyển công tác. Điều đáng nói là trong danh sách đó phần nhiều là các giáo viên đã có từ 10 – 17 năm gắn bó với nhà trường, tất cả đều là giáo viên dạy giỏi, có trình độ đạt chuẩn và vượt chuẩn. Năm học 2009 – 2010, huyện Kim Bôi có 5 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh bậc THCS thì riêng nhà trường đã 3 giáo viên. Chất lượng giáo viên nhà trường luôn dẫn đầu khối THCS toàn huyện. Chia sẻ cùng chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Minh, giáo viên dạy giỏi môn Tiếng Anh, đã có 11 năm gắn bó với nhà trường cho biết: “Cơ sở vật chất của nhà trường quá thiếu thốn! Không đảm bảo việc giảng dạy. Không có phòng giáo vụ nên nhiều giáo viên ở xa rất vất vả”. Bộ mặt nhà trường xập xệ, phòng học thiếu thốn, xuống cấp đã có những tác động lớn đến tâm lý, làm nản lòng đội ngũ giáo viên. Ngoài vấn đề cơ sở vật chất yếu kém thì lí do tình trạng giáo viên Trường THCS Thị trấn Bo xin chuyển trường là bức xúc bởi cơ chế, chính sách hiện hành. Một giáo viên tính toán: “Hiện nay tôi được hưởng lương và 35% đứng lớp, mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng. Nhưng nếu tôi công tác ở xã Cuối Hạ (cách nhà trường khoảng 8km đường nhựa) thì tôi sẽ được 70% đứng lớp, thêm các khoản hỗ trợ khác thì trung bình sẽ được trên dưới 5 triệu đồng/tháng.” Sự chênh lệch thu nhập khá lớn cộng với điều kiện giảng dạy ở trường THCS Cuối Hạ tốt hơn trường THCS Thị trấn Bo là lí do vì sao có tới 5/9 giáo viên xin chuyển về trường THCS Cuối Hạ. Số còn lại cũng lựa chọn những trường 135 khác của huyện như: Tú Sơn, Mỵ Hòa… với chế độ phụ cấp hơn hẳn so với trường THCS Thị trấn Bo. Vẫn biết, chế độ ưu đãi giành cho giáo viên vùng 135 là chính đáng nhưng đôi khi chỉ cách một cánh đồng, xã bên này được hưởng chế độ 135, xã bên kia lại không gây nên tình trạng bức xúc trong đội ngũ giáo viên nói riêng, nhân dân nói chung là điều mà các cấp chính quyền nên lưu tâm.

 

Cô hiệu trưởng Trần Thị Thanh lo lắng: “Năm học 2009 – 2010, nhà trường có 7 giáo viên chuyển đi. Điều này đã khiến cho các bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng. Số giáo viên mới chuyển đến bổ sung cho nhà trường chủ yếu từ các trường vùng sâu, vùng xa nên các tổ chuyên môn phải tổ chức bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo hoạt động giảng dạy. Năm học này, lại có tới 9 giáo viên xin chuyển đi trường không biết phải xoay sở thế nào?”. Hệ quả của việc xáo trộn đội ngũ giáo viên dẫn đến niềm tin của phụ huynh vào nhà trường giảm sút. Từ năm học 2009 – 2010, khi giáo viên ồ ạt chuyển đi thì số lượng tuyển sinh vào lớp 6 của nhà trường bắt đầu sụt giảm. Theo số liệu thống kê, năm học 2009 – 2010, thị trấn Bo sẽ có 60 em học sinh vào lớp 6 nhưng chỉ có 33 em học ở trường thị trấn. Công tác tuyển sinh năm học 2010 – 2011 còn đáng báo động hơn. Nhà trường đã có thông báo tuyển sinh bắt đầu từ ngày 28/06 và kết thúc vào ngày 15/07, nhưng cho đến ngày 10/07, nhà trường mới bán được 17 bộ hồ sơ tuyển sinh. Ban giám hiệu Trường THCS Thị trấn Bo đang rất lo lắng về khả năng sĩ số tuyển sinh lớp 6 ít, không biết có đủ một lớp không? 

 

Là một điểm sáng của ngành giáo dục Kim Bôi với chất lượng hai mặt giáo dục luôn thuộc “top” đầu toàn huyện nhưng những thực tế đang diễn ra tại trường THCS thị trấn Bo rất cần sự quan tâm kịp thời của ngành giáo dục cũng như chính quyền địa phương.  

 

 

                                                                                  Dương Liễu

 

Các tin khác


Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”

Chiều 17/4, Sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo trực tiếp và trực tuyến "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” năm 2024 tới thầy, cô giáo, học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục