Năm học 2010 - 2011, Bộ GD-ĐT bắt đầu triển khai dạy thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học theo đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020. Tuy nhiên, qua khảo sát trình độ, chỉ có 28 giáo viên (GV) đạt chuẩn, bắt buộc Bộ GD-ĐT phải hạ chuẩn GV nếu không muốn việc thí điểm bị phá sản. Thầy Cao Huy Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc (Sở GD-ĐT TPHCM) đã chia sẻ kinh nghiệm của nền giáo dục Indonesia trong việc phổ cập tiếng Anh cho toàn dân. Cách làm của nước bạn khác với con đường Việt Nam đang đi. Báo SGGP xin giới thiệu bài viết này.

 

Nói sai nhưng... ai cũng hiểu

Tôi là một trong hai đại diện của Việt Nam được mời tham dự Diễn đàn hiệu trưởng Đông Nam Á tổ chức tại Indonesia gần đây. Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế, không phải ngẫu nhiên mà người Indonesia “phí phạm” chi phí cho 24 đại biểu trong khu vực. Họ cũng đã mời 50 hiệu trưởng xuất sắc nhất của nước họ để lắng nghe kinh nghiệm quản lý giáo dục.

Học sinh Trường THPT Quốc tế Việt Úc trong giờ học với giáo viên nước ngoài. Ảnh: T.T.

Tôi ngạc nhiên khi những hiệu trưởng, quan chức Indonesia nói tiếng Anh trôi chảy nhưng nghe kỹ thì họ nói không hay, đôi chỗ còn sai phát âm, ngữ pháp. Bên ngoài hành lang, tôi trao đổi cảm nhận của mình với một số hiệu trưởng của Indonesia: “Tôi khâm phục quý vị nói lưu loát tiếng Anh nhưng tôi cũng xin nói thật, không có ý chê bai rằng cách phát âm, nói chính xác là tính hàn lâm của ngôn ngữ của các bạn không đạt”.

Ông hiệu trưởng một trường trung học của Indonesia mỉm cười đáp rằng: “Ngôn ngữ học thuật không là mục tiêu của nền giáo dục Indonesia. Chúng tôi nhận thức rõ ràng khi bước vào thế kỷ 21, không chỉ quan chức mà người dân bình thường cũng cần phải rành rẽ tiếng Anh. Phổ cập tiếng Anh đã được nâng lên thành chính sách. Bộ Giáo dục Indonesia xác định rằng, không phải sau này ai cũng làm thầy. Ví dụ, trong 100 học sinh (HS) sau này ra trường sẽ đảm đương nhiều công việc, vị trí xã hội khác nhau. Vậy nên, chỉ cần đặt ra mục tiêu đơn giản là giao tiếp, nghe - nói - đọc - viết căn bản chứ không nhất thiết sử dụng 4 kỹ năng một cách hàn lâm.

Sau khi giải thích, ông hiệu trưởng Indonesia hỏi vặn lại: “Tôi trình bày ý kiến của mình lên power point, tôi viết sai chính tả, ngữ pháp nhưng ông có hiểu tôi nói gì không?”. Tôi trả lời hiểu. “Tôi phát âm tiếng Anh sai tùm lum, ông có hiểu hay không?”. “Hiểu”. “Ông nói, tôi hiểu, tôi nói, ông hiểu, vậy là OK”.

Như vậy, quan điểm dạy ngôn ngữ của Indonesia khác với của Việt Nam. Trong khi trường học chúng ta đòi hỏi HS nói cho ra nói, viết cho ra viết, yêu cầu bảo đảm tính chính xác của ngôn ngữ, còn Indonesia xác định mục tiêu mang tính thực tiễn hơn nhiều. Dù việc dạy và học ngôn ngữ của Việt Nam đã thay đổi nhiều nhưng các thầy cô vẫn rất nghiêm khắc khi HS sai.

Thực tế, muốn học ngoại ngữ giỏi đòi hỏi phải có năng khiếu, phải có quá trình lâu dài “mưa dầm thấm đất”, chúng ta phải chấp nhận sự thật là không thể có đại đa số HS nói hay, viết đúng. So sánh giữa số ít HS giỏi ngoại ngữ hàn lâm với đa số HS có thể mạnh dạn, tự tin sử dụng ngoại ngữ để giao tiếp ở bất kỳ đâu, chúng ta nên chọn ai? Tôi nghĩ ai cũng có câu trả lời.

Dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh

Khi tìm hiểu chiến lược phổ cập tiếng Anh của Indonesia, tôi thấy họ bắt đầu bằng cách xây dựng các trường song ngữ theo lộ trình. Mỗi năm, giáo dục Indonesia sẽ đặt mục tiêu tăng lượng trường song ngữ này. Tôi hơi chột dạ, vì Việt Nam cũng đã từng có kinh nghiệm không “vui vẻ” với chương trình song ngữ tiếng Pháp. Chương trình tiểu học khiến HS học thú vị nhưng lên cấp 2 lại quá nặng và các em buông bỏ dần khi sang cấp 3.

Bộ Giáo dục Indonesia đã đi con đường xây dựng mô hình song ngữ khác với Việt Nam. Họ xây dựng hẳn một trường chứ không thực hiện ở một số lớp như chúng ta. Tất cả các môn khoa học xã hội - nhân văn sử dụng chương trình Indonesia, dạy bằng tiếng quốc ngữ. Nhưng đối với các môn khoa học tự nhiên, họ dịch chương trình, sách giáo khoa toán, lý, hóa, sinh Indonesia sang tiếng Anh và cho HS học bằng tiếng Anh. Thầy cô dạy những môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh được đào tạo ngay từ trường sư phạm.

Tiếng Anh là môn học kỹ năng, cần thời gian để thực hành. Giờ thực hành càng nhiều, HS càng giỏi. Có một thực tế hiện nay, SV sau khi tốt nghiệp không thể nghe - nói - đọc - viết bằng tiếng Anh. Lỗi “câm điếc” này chẳng phải của bản thân HS, SV mà là lỗi của cả hệ thống. Giáo trình nặng ngữ pháp, việc dạy học đối phó với thi cử. Thầy cô do điều kiện lịch sử không dạy đúng phương pháp theo định hướng giao tiếp. Ngay cả GV giỏi cách mấy cũng khó xoay chuyển được tình thế do giáo trình nặng, số giờ cho ngoại ngữ quá ít. Lạ một điều, càng lên cao càng ít tiết Anh văn, trong khi như đã nói, muốn giỏi thì phải tăng lượng giờ thực hành, giảm sĩ số. Nhiệm vụ này “bất khả thi” xét ở tổng thể, HS phải học tới 13 môn, tăng tiếng Anh sẽ bớt thời lượng của môn nào?

Số tiết học tiếng Anh ở Indonesia cũng chỉ 3, 4 tiết như ở Việt Nam nhưng họ tăng giờ thực hành ở các môn toán, lý, hóa, sinh; nghe giảng, trả bài, đọc bài toán bằng tiếng Anh. Họ giải quyết được bài toán tăng lượng thời gian nhưng không làm HS quá tải. Nếu trở thành kỹ sư, nhà toán học sau này, HS đã có kiến thức tiếng Anh chuyên ngành nền tảng; còn nếu là công nhân viên cũng có đủ “vốn” xài cho giao tiếp. Chúng ta hoàn toàn có thể phổ cập ngoại ngữ như cách làm của nước bạn, vẫn giữ được đậm đà bản sắc dân tộc qua những bộ môn khoa học xã hội - nhân văn, đồng thời nâng cao yếu tố tiên tiến từ các chương trình nước ngoài.

Để cải thiện được vị thế tiếng Anh của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, trước hết cần phải giảm yêu cầu hàn lâm của tiếng Anh. Chúng ta nên xem tiếng Anh là phương tiện giao tiếp, không thể đòi hỏi nghe nói chính xác như người bản xứ. Thứ hai, các trường sư phạm phải đào tạo GV dạy khoa học tự nhiên có khả năng dạy bằng tiếng Anh. Cuối cùng, cần giải quyết vấn đề thi cử, tức “đầu ra”. Nếu học môn tự nhiên bằng tiếng Anh, HS sẽ không thể quay lại thi các môn tự nhiên bằng tiếng Việt. Theo tôi, thí điểm theo cách làm của Indonesia chỉ có thể thành công khi Bộ GD-ĐT chịu “cầm chịch”, hoặc ít ra bật đèn xanh cho một Sở GD-ĐT có nhu cầu và điều kiện làm thí điểm.

 

                                                                                   Theo SGGP

Các tin khác


Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”

Chiều 17/4, Sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo trực tiếp và trực tuyến "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” năm 2024 tới thầy, cô giáo, học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục