Chấp nhận làm công việc trái chuyên môn, nhiều giáo viên tại TPHCM nuôi hy vọng một ngày nào đó sẽ được đứng trên bục giảng

 

Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TPHCM, có kinh nghiệm dạy 2 năm tại một trường THPT ở Quảng Bình, thế nhưng khi vào TPHCM tìm việc, suốt một năm trời, chị Dương Thị Hương lại lao đao với nghề sư phạm mình đã chọn.

 
Tủi phận hạng hai
 
Xin vào trường công chẳng được, trường tư cũng không xong, cuối cùng, chị Hương phải bằng lòng làm giáo viên (GV) quản nhiệm tại một trường tư thục ở quận Gò Vấp - TPHCM.
 
“Ngày ngày đi qua lớp học, nhìn bục giảng, học trò mà tôi không khỏi chạnh lòng. Vậy mà công việc của mình lại là săm soi em nào đi học muộn, em nào không ngoan, em nào có biểu hiện yêu đương sớm...”- chị Hương ngậm ngùi.
 
Làm được vài tháng, tủi phận GV hạng hai, chị xin nghỉ việc. “Hiện tại, tôi đi dạy thêm buổi tối cho mấy em học THPT gần nhà. Tuy chẳng có danh phận gì nhưng còn được sử dụng tới kiến thức, bài giảng, còn thấy mình được là GV” - chị Hương chia sẻ.
 
Tương tự, khi nộp hồ sơ vào một trường THPT tại quận 11 - TPHCM, anh Th., GV môn hóa, nhận được câu trả lời: Trường chỉ thiếu nhân viên thư viện, nếu anh đồng ý thì làm.
 
“Tôi buộc phải đi tìm một việc khác để sống nhưng lúc nào cũng thấp thỏm dò hỏi nơi nào còn thiếu để xin dạy. Bạn bè đồng nghiệp gọi những người như tôi là GV “nằm vùng” bởi cứ phải dạt đi làm việc gì đó trước khi được đứng trên bục giảng”- anh Th. bộc bạch.
 
Tính đến nay, huyện Cần Giờ  - TPHCM có hai GV được phân công không đúng với cấp học khi được tuyển dụng. Ông Dương Văn Thư, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ, cho biết: “Hai GV này có bằng ĐH ngoại ngữ nhưng khi xin về huyện công tác, khối THPT đã đủ người nên họ được bố trí xuống dạy tại Trường THCS Thạnh An và THCS Cần Thạnh”.
 
 
Được đứng trên bục giảng là niềm mong ước, tự hào chính đáng của các thầy cô.
Trong ảnh: Cô và trò Trường Tiểu học Đuốc Sống, quận 1 - TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH


Ông Đặng Thái Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An, tâm sự đa số GV tại trường đều có trình độ CĐ. Thuận lợi là những GV này gắn bó với trường lớp thường xuyên, chịu ra đảo công tác nhưng khó khăn cũng bắt đầu từ cấp học được đào tạo.
 
“Cách giảng dạy THCS khác với tiểu học. Vừa qua, khi một GV dạy lớp 1 nghỉ giữa chừng, trường buộc phải vận động cô giáo có kinh nghiệm dạy lớp 1 lâu năm đang dạy lớp 4 tại ấp Thiềng Liềng về thay thế. Lớp 1 là lớp nền tảng nên chúng tôi không dám để GV quen cách dạy ở bậc THCS đảm nhận”- ông Bình phân tích.
 
Lãng phí nguồn nhân lực
 
Thực tế, tại TPHCM, lượng cung và cầu GV hằng năm vẫn mất cân đối, “thiếu vẫn thiếu mà thừa vẫn thừa”. Một cán bộ ngành giáo dục phân tích trường thừa GV dạy văn nhưng thiếu GV dạy toán, vì thế nếu GV môn văn muốn xin vào trường buộc phải “làm tạm” một việc nào đó để chờ cơ hội.
 

Ước tính mỗi năm có gần 1.000 GV tại TPHCM nghỉ việc. Một cán bộ Sở GD-ĐT cho rằng nguyên nhân không phải chỉ ở lương bổng mà còn do môi trường làm việc không phù hợp, nhất là với những GV trẻ.

“Ngành giáo dục chỉ có thể thống kê được số GV đang giảng dạy không đúng với lúc họ được tuyển dụng. Nhưng liệu có thống kê được số GV đang phải làm những việc hoàn toàn không liên quan đến sư phạm hay không?” - vị cán bộ này băn khoăn.
 
Theo ông Đinh Thiện Căn, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 1 - TPHCM, trong quận không có trường hợp GV nào phải dạy trái với cấp học khi được tuyển dụng. Quận Tân Phú cũng vậy.
 
Tuy nhiên, một lãnh đạo phòng giáo dục thừa nhận điều này chưa phản ánh thực chất số GV đang phải làm trái chuyên môn. Nhiều GV tâm sự, họ mang tiếng GV nhưng phải làm những việc như: trông coi thiết bị dạy học, lo trà nước cho GV đứng lớp; thậm chí, khi có việc đột xuất còn làm thay bảo vệ trường... là điều chẳng ai muốn nhưng vì trót đam mê nghề nên chấp nhận làm tạm để chờ cơ hội.
 
Tuy nhiên, không ít GV nản lòng nên sau một thời gian đành chia tay nghề giáo. Một số GV làm lâu năm với những việc không tên, đến khi được quay lại bục giảng thì ngại ngần vì đã “lụt nghề”.
 
Bà Nguyễn Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lư, nhận xét: “Một cô giáo có chuyên môn là giảng dạy nhưng với lý do kinh phí không đủ để tuyển thêm nhân sự mà trường phân công cô kiêm thêm nhiệm vụ làm bảo mẫu, lau chùi nhà vệ sinh thì không những bất công mà còn lãng phí nguồn nhân lực”. một hiệu trưởng tại quận 4 - TPHCM nhìn nhận môi trường sư phạm vốn đã nhiều áp lực nên nếu lãnh đạo các trường và cả ngành giáo dục không tạo cơ hội cho những GV trẻ, cứ mãi hứa suông và “ém” họ vào những việc không liên quan đến bảng đen phấn trắng thì trong tương lai không xa, bài toán thiếu GV sẽ càng nan giải hơn.
 
 
 
                                                                                         Theo NLĐ

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục