Người dân chầu chực xếp hàng từ đêm đến sáng để kiếm suất học cho con cháu tại Trường mầm non Thành Công A - Ảnh: Nam Khánh

Người dân chầu chực xếp hàng từ đêm đến sáng để kiếm suất học cho con cháu tại Trường mầm non Thành Công A - Ảnh: Nam Khánh

Cảnh “xếp cục gạch” giành chỗ mua hàng lại xuất hiện, nhưng là trong lĩnh vực giáo dục. Cảnh chen nhau xếp hàng cả đêm để kiếm một suất vào trường mầm non cho con cháu đã không còn là chuyện lạ trên địa bàn Hà Nội...

Dù cố chen chân xếp hàng từ 21g-22g đêm 30-6 nhưng nhiều phụ huynh vẫn thẫn thờ vì không ghi danh được cho con mình. “Quá khổ!” - đó là tâm sự của phần lớn phụ huynh đứng chầu chực ngoài cổng Trường mầm non Thành Công A (Ba Đình) liên tục hơn 12 giờ. Họ đã đứng ngồi từ chiều 30-6 đến sáng 1-7 để chờ giành được suất học nhà trẻ hoặc mẫu giáo bé cho con cháu mình.

Trắng đêm

Thực tế, việc xếp hàng ghi danh không phải chỉ bắt đầu từ ngày 30-6. Trước đó năm ngày, từ ngày 25-6 đã có một nhóm phụ huynh... tình nguyện đứng ra lập danh sách, thường trực trước cổng trường cả ngày.

Bà Nguyễn Thị Minh Châu (ngụ ở H1 Thành Công) kể: “Nhà gần trường, tôi biết mọi năm phụ huynh vẫn phải xếp hàng dài từ hôm trước để ghi số nên đã chuẩn bị tinh thần tối 30-6 đến “điểm danh”. Nhưng ngày 27-6 cô con dâu hớt hải chạy về bảo mọi người đã lập danh sách hết rồi. Tôi vội vã đến trường, đọc tên, ghi danh thì đã đến số 100, trong khi lớp nhà trẻ chỉ tuyển sinh 70 cháu! Đến 10g sáng 30-6, nghe thông tin danh sách cũ bị hủy, tôi lại hộc tốc chạy ra đăng ký mới. Tôi 59 tuổi, chồng tôi 60 tuổi, chầu chực suốt ngày đêm, lúc nào cũng sẵn sàng vì sợ “điểm danh” sót”.

Cả nhà bà Châu dồn sức giành suất học cho cháu nội là vì mức học phí tại trường tư lên đến 2,3 triệu đồng/tháng, trong khi lương bán hàng siêu thị của người mẹ trẻ chưa đầy 2 triệu đồng/tháng.

Theo nhiều phụ huynh, việc ghi danh kéo dài gần một tuần qua gây mệt mỏi, ức chế, thậm chí đã dẫn đến xô xát giữa chính những người chờ đợi. Ngày 27-6, khi danh sách lập cho khối nhà trẻ đã lên đến hơn 100 người, có phụ huynh bức xúc chạy đến yêu cầu giải tán vì con em họ chưa kịp ghi danh.

Căng thẳng, cãi cọ, xô xát đã xảy ra ngay cổng trường khiến ban tuyển sinh phải dán thông báo: “Nhà trường không chấp nhận những danh sách xếp hàng trước ngày 1-7-2011”. Tuy nhiên, bất chấp thông báo này, việc xếp hàng chầu chực bên ngoài vẫn tiếp tục tấp nập suốt mấy ngày qua.

10g sáng 1-7, khi công tác phát hồ sơ tại Trường mầm non Thành Công A đã tới giờ chốt sổ, nhưng ông Đỗ Trung Điều (77 tuổi, Thành Công) vẫn không hết bần thần: “Thấy nhà trường dán thông báo rất rõ ràng đến ngày 1-7 mới phát hồ sơ nên tôi đinh ninh 12g đêm sẽ chạy qua đây xếp hàng. Nghe mọi người đồn đoán nhiều, tôi cẩn thận đi sớm hơn, 21g đã có mặt tại trường nhưng xung quanh đông nghịt người rồi, lượt mình chỉ số 95”.

Hi vọng mong manh nhưng ông Điều vẫn cố chen chân trực chờ cả đêm ngoài trời. Có người ghi danh chạy về bị mất số, có nhà cả bố mẹ, ông bà đều đăng ký nên trùng tên, cháu ông được đẩy danh sách lên số 86, nhưng rốt cuộc cũng không đến lượt.

“Bây giờ biết cho cháu tôi học ở đâu?”- ông lão quá tuổi thất thập nói giọng đầy thất vọng.

Cơ hội từ lá thăm may rủi

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, phó Phòng giáo dục - đào tạo quận Tây Hồ, cho biết trên địa bàn quận hiện có tám trường mầm non công lập nhưng năm nay chỉ có bảy trường tuyển sinh do Trường mầm non Phú Thượng sửa chữa, xây mới. Trước khi bước vào năm học, Phòng giáo dục - đào tạo đã đưa ra hai phương án tuyển sinh để các trường tự do lựa chọn: hoặc bốc thăm, hoặc lập danh sách phát hồ sơ theo số thứ tự như truyền thống. Năm học 2011-2012 có ba trường thuộc quận Tây Hồ chọn phương án tuyển sinh theo hình thức ghi danh thứ tự là trường mầm non Quảng An, An Dương và Bình Minh.

Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, tại Trường Bình Minh, cảnh xếp hàng chờ tới lượt ghi danh diễn ra căng thẳng từ buổi tối trước khi trường phát hồ sơ một ngày. Đây là trường có quy mô tương đối lớn với tổng số học sinh lên đến 700-800 em, số tuyển mới năm học này cũng cao nhất so với các trường khác cùng quận: 200 em. Trẻ đúng tuyến đăng ký học tại trường chủ yếu trú tại phường Bưởi, nhưng thực tế trường chỉ đáp ứng được chưa đầy 50% nhu cầu.

Theo bà Thanh, hệ thống trường mầm non của quận đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu học tập của các bé trong độ tuổi. Riêng phường Bưởi, nếu muốn đủ chỗ học cho các bé chắc chắn phải xây thêm một trường mầm non có quy mô tương tự Trường mầm non Bình Minh!

“Đây là năm đầu tiên triển khai hình thức bốc thăm nên Phòng giáo dục - đào tạo mới dừng lại ở việc đưa phương án cho các trường lựa chọn. Phòng sẽ theo dõi, rà soát chặt, nếu tình trạng phụ huynh chen chân xếp hàng vẫn diễn ra thì chắc chắn năm học 2012-2013 chúng tôi sẽ phải dùng biện pháp mạnh, bắt buộc tất cả các trường mầm non công lập cùng triển khai hình thức tuyển sinh thông qua bốc thăm” - bà Thanh khẳng định.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền Tâm - hiệu trưởng Trường mầm non Đống Đa (quận Đống Đa), ban giám hiệu nhà trường đã quá ngán ngẩm với cảnh phụ huynh xếp hàng dài từ đêm hôm trước nên năm nay quyết định tuyển sinh thông qua hình thức bốc thăm. Theo đó, tất cả trẻ có hộ khẩu đúng tuyến đều được ghi danh rồi phát phiếu bốc thăm.

“Cách làm này sẽ dành cơ hội như nhau cho tất cả các bé, đồng thời giúp phụ huynh không còn phải sấp ngửa xếp hàng bất chấp mưa gió” - bà Tâm nói.

                                                                         Theo Báo Tuoitre

Các tin khác


Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục