Một lớp liên thông của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tại Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hà Nội - Ảnh: Lê Quân

Một lớp liên thông của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tại Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hà Nội - Ảnh: Lê Quân

Đào tạo liên thông (LT) đang bị bóp méo từ tuyển sinh đầu vào đến quá trình đào tạo. Tệ hại hơn khi những người thực hiện đang lợi dụng nó chỉ nhằm lôi kéo người học.

“Tặng” điểm cho thí sinh

Điều đáng báo động là chất lượng đầu vào của hệ đào tạo LT quá thấp. Hiện nay việc tuyển sinh đào tạo LT do các trường tự tổ chức nên khá tùy tiện.

''Việc biên soạn giáo án cũng qua loa rút ngắn cho phù hợp với thời gian trên lớp'' - Một giảng viên nói về chương trình dạy liên thông

Theo quy định về đào tạo LT, đề thi các môn cơ bản được lấy từ ngân hàng đề của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT). Tuy nhiên, hiện hầu hết các trường đều tự ra đề thi, tự tổ chức thi và xét trúng tuyển.

Một giảng viên dạy LT cho biết: “Thí sinh tham gia thi tuyển LT hầu hết là đỗ”. Nhiều nơi khi thông báo chiêu sinh còn đưa ra những thông tin rất hấp dẫn về đầu vào. Thông báo chiêu sinh đào tạo LT lên ĐH của trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tại Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hà Nội cho biết: “Tạo điều kiện thuận lợi về đầu vào cho những SV tham gia dự thi”. Một văn phòng tuyển sinh cho Trường ĐH Điện lực khi thông báo chiêu sinh còn cam kết “tỷ lệ đỗ tới 99% nếu ôn tập đầy đủ!”. Chúng tôi liên hệ trực tiếp với cán bộ tuyển sinh ở một số nơi thông báo chiêu sinh chương trình LT của các trường ĐH Điện lực, ĐH Công đoàn, ĐH Công nghiệp Hà Nội đều được khẳng định là sẽ dễ đậu.

Có trường còn tùy tiện “tặng” điểm cho thí sinh dự thi. Trường ĐH Đông Á tự đặt ra một chính sách tặng điểm. Thí sinh có bằng tốt nghiệp loại khá sẽ được cộng 0,5 điểm vào kết quả thi tuyển sinh, loại giỏi được cộng 1 điểm. Một trung tâm tuyển sinh LT của Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội còn thông báo cho thí sinh nợ thi đầu vào.

Nhận xét về thực trạng này, một chuyên gia giáo dục không khỏi bức xúc: “Việc ồ ạt đào tạo LT và đào tạo liên kết, cấp bằng chính quy của các trường ĐH có nguy cơ dẫn đến một nền giáo dục kém chất lượng. Hơn nữa, hệ thống việc làm sẽ có nguy cơ mất cân bằng, thậm chí khủng hoảng khi có quá nhiều cử nhân “ra lò” với chất lượng thấp, trong khi công nhân có tay nghề lại thiếu trầm trọng”.

Cắt xén thời gian đào tạo

Bộ GD-ĐT quy định người học theo hình thức học ban ngày, tập trung liên tục tại trường mới được cấp bằng chính quy. Tuy nhiên, hầu hết các trường đều mở lớp LT ngoài giờ nhưng lại cấp bằng chính quy. Ví dụ, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tổ chức các lớp học toàn bộ vào buổi tối từ 18 giờ đến 21 giờ 15; Trường ĐH Văn Hiến có lớp học vào buổi tối trong tuần và các ngày cuối tuần; Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng tổ chức lớp học từ 17 giờ 50 đến 21 giờ các ngày trong tuần; Trường ĐH Đông Á cũng có các lớp trong và ngoài giờ hành chính; Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho phép sinh viên (SV) đăng ký lớp học ngoài giờ, tập trung theo đợt hoặc liên tục…

Không chỉ học ngoài giờ, nhiều trường như ĐH Điện lực, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công đoàn, ĐH Lao động Xã hội… còn tổ chức học 3 buổi/tuần nhưng vẫn cấp bằng chính quy.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Chút - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến - nói: “Các trường tổ chức lớp học LT chính quy vào buổi tối hoặc ngày cuối tuần là có nguyên nhân. Một phần vì các trường thiếu cơ sở vật chất nên không có phòng ốc vào ban ngày, nhưng quan trọng hơn là để đáp ứng nhu cầu người học. Đối tượng học LT chủ yếu vừa đi làm vừa đi học, nếu không tổ chức lớp học ngoài giờ thì sẽ không có học viên”.

Đáng nói dù chỉ có 3 buổi/tuần nhưng thời gian đào tạo của các khóa học này vẫn là 1 năm rưỡi từ CĐ lên ĐH và 2 năm rưỡi từ trung cấp (TC) lên ĐH. Chính vì vậy chương trình đào tạo bị cắt xén. Một giảng viên tham gia giảng dạy LT cho biết: “Việc biên soạn giáo án cũng qua loa rút ngắn cho phù hợp với thời gian trên lớp, chẳng hạn SV học ban ngày 6 tiết/buổi trong khi học tối lớp LT chỉ còn 2 tiết. Tệ hơn, một số trường ĐH còn tổ chức LT cho SV từ các ngành khác, chẳng hạn một số thí sinh học toán, lý, hóa LT lên ngành điện tử viễn thông, công nghệ thông tin... Thời gian đào tạo có 2 năm trong khi đào tạo chính khóa tối thiểu là 4 năm. Một số trường có học bổ sung và chuyển đổi, tuy nhiên việc học này chỉ là hình thức vì thời gian nhồi nhét, SV không thể nắm được hết kiến thức”.

Lý giải vì sao các trường lại cấp bằng chính quy cho hệ LT, một cán bộ của Bộ GD-ĐT thừa nhận: “Hiện nay khi giao chỉ tiêu, Bộ GD-ĐT giao chung hệ LT với các hệ tại chức, văn bằng 2. Đây là những chỉ tiêu thuộc giáo dục không chính quy. Tuy nhiên, quy định về LT lại cho phép cấp bằng chính quy cho đối tượng học ban ngày và tập trung liên tục, nên các trường đã tự động chuyển những chỉ tiêu này sang hệ chính quy nhưng Bộ GD-ĐT lại không kiểm soát được”.

 

                                                           Theo Báo Thanhnien

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục