Sau khi thực hiện thí điểm tại một số trường THPT, Hà Nội đã mở rộng thí điểm việc quản lý học sinh (HS) đi xe máy đến trường tại các trường học của 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Tình trạng HS phạm Luật Giao thông đường bộ được đánh giá là đã giảm, song chưa thực sự bền vững như mong muốn.



Học sinh đối phó

Ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các nhà trường đưa nội dung yêu cầu HS bảo đảm an ninh trật tự, chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ vào nội quy; tổ chức cho HS ký cam kết không đi xe máy khi chưa đủ điều kiện. Thế nhưng, dù HS nào cũng biết lệnh cấm, cũng sẵn sàng ký cam kết, tình trạng phạm luật vẫn cứ xảy ra. Việc quản lý, giám sát có thêm giải pháp được triển khai nhưng dường như không xuể bởi HS có nhiều cách để tránh sự kiểm tra, giám sát của nhà trường và các lực lượng phối hợp. Nhiều HS vẫn đi học bằng xe máy nhưng gửi xe ở ngoài trường để tránh bị phát hiện; khi bị "soi" ở các điểm trông xe gần trường thì HS tìm chỗ gửi ở xa hơn… Số liệu thống kê cho thấy, chỉ có 5% số HS có giấy phép lái xe (kể cả HS các trường TCCN), song số lượng HS dùng xe máy thực tế tại các trường học lớn hơn số người có giấy phép lái xe rất nhiều.

Để hạn chế tình trạng HS phạm Luật Giao thông đường bộ, lực lượng công an giao thông và đích thân hiệu trưởng một số trường học đã mất không ít thời gian và công sức cải trang, đi vào các ngõ ngách gần trường để quay camera hoặc chụp ảnh làm căn cứ xử lý HS vi phạm. Các trường hợp vi phạm hầu hết đã được công an lập biên bản, gửi đĩa ghi hình để nhà trường nhận diện và xác định biện pháp xử lý phù hợp.

Việc "phạt nguội" ban đầu đã phát huy hiệu quả khi số HS đi xe máy khi chưa đủ điều kiện có chiều hướng giảm, tình trạng lộn xộn ngoài cổng trường đã ít hơn. Thế nhưng HS lại đối phó bằng cách tìm chỗ gửi xe trong các ngõ ngách khó tìm ở xa hơn nữa. Nhiều em thậm chí không mặc đồng phục, trùm mặt khi đi đường, gửi xe xong mới thay đồng phục HS và đi bộ vào trường. Cảnh sát giao thông và các thầy, cô không thể ngày nào cũng "vi hành", không phải lúc nào cũng đủ thời gian tầm soát ngõ ngách thường xuyên nên cứ hết "chiến dịch", hết đợt "ra quân" là mọi sự đâu lại vào đó. Những trường có nhiều HS vi phạm, bị nhắc nhở là THPT Hồng Hà - 44 HS, THPT Hai Bà Trưng - 12 HS. Trường THPT Việt - Đức, đơn vị từng rất quyết liệt trong việc ra quân phát hiện, ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ của HS nay cũng bị "nêu gương" với con số 12 HS vi phạm.

Người lớn không nghiêm

Nhiều HS khi lưu thông bằng xe máy rất thích thể hiện, cố gắng thực hiện hành vi khác người, vì thế mức độ rủi ro khi tham gia giao thông rất lớn, không chỉ đối với cá nhân HS mà còn nguy hiểm cho tính mạng người đi đường nói chung.

Theo phản ánh của ban giám hiệu các trường, cái khó là nhà trường không thể quản lý được việc HS gửi xe máy bên ngoài trường; các thầy, cô không thể đi theo các em để nhắc nhở, cũng không thể can thiệp vào việc trông giữ xe ở ngoài trường dù đã rõ mười mươi là học trò của mình thường xuyên tái phạm. Việc một số nơi trông giữ xe "tạo điều kiện" cho HS lẩn tránh sự kiểm tra của nhà trường là bài toán khó cho việc quản lý HS của nhiều trường.

Dù vậy, theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đoàn Hoài Vĩnh, các nhà trường vẫn phải chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, giáo dục HS thực hiện nghiêm luật pháp. Thấy rõ tác hại của việc vi phạm Luật Giao thông của HS, ban giám hiệu các trường đã tích cực vào cuộc, chủ động phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương và phụ huynh nhằm ngăn chặn sai phạm. Tuy nhiên, việc xử phạt đối với HS vi phạm lại chưa quyết liệt, chưa đủ mức răn đe và chưa có sự thống nhất giữa các nhà trường. Các trường có HS vi phạm đã được Sở GD-ĐT yêu cầu báo cáo phương án xử lý, song mới có 7 trường hồi âm. Đáng chú ý, con số 101 HS vi phạm từ đầu năm học đến nay chỉ là số liệu tổng hợp theo thống kê của 1/2 số trường trong diện mở rộng thí điểm. Còn tới hơn hai chục trường chưa có phản hồi, như thể làm ngơ trước sai phạm của HS.

Kết quả thí điểm về quản lý HS đi xe máy từ đầu năm học đến nay được đánh giá có tiến triển, song những gì "mắt thấy, tai nghe" cho thấy điều đó chỉ phản ánh bề nổi. Lãnh đạo Sở GD-ĐT thừa nhận: HS đã được tuyên truyền, giáo dục nhưng một số em vẫn chưa thực sự nhận thức được hậu quả của việc đi xe máy khi chưa đủ điều kiện, có lẽ vì thế mà số HS vi phạm quá nhiều, sự vi phạm diễn ra thường xuyên. Nguyên nhân chính là do công tác xử lý của một số đơn vị chưa nghiêm minh, hình thức xử lý chưa có sức giáo dục, thuyết phục cao chưa kể các em còn được một số phụ huynh hậu thuẫn với vô vàn lý do. Thực tế, các hình thức xử lý đang được các trường áp dụng hiện nay, như phê bình, khiển trách, cảnh cáo trước toàn trường, nặng nhất là hạ một bậc xếp loại hạnh kiểm dường như chưa đủ sức răn đe.

Khi vẫn còn tình trạng thiếu cương quyết trong xử lý vi phạm, khi còn nhiều người lớn nuông chiều thói quen xấu của HS thì việc kiểm tra, giám sát, vận động trẻ không đi xe máy khi chưa đủ điều kiện rất khó đem lại hiệu quả cần thiết.

 

                                             Theo HaNoiMoi

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục