Trẻ em xóm Dối, Bình Tiến (xã Dân Hạ) trong ngôi trường mới được khánh thành.

Trẻ em xóm Dối, Bình Tiến (xã Dân Hạ) trong ngôi trường mới được khánh thành.

(HBĐT) - Ở tận cuối con đường đất gập ghềnh sống trâu, nổi bật giữa vườn mía trắng, chúng tôi đã thấy thấp thoáng mái tôn xanh và màu sơn tường vàng của trường mầm non Họa Mi. Giữa lao xao tiếng cười nói, trong hanh hao nắng vàng đầu xuân, đôi má em bé nào cũng ửng hồng xinh xắn với nụ cười trên môi với ánh mắt sáng trong veo hy vọng. Xuân này, người dân 2 xóm vùng đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn là xóm Dối và xóm Bình Tiến (xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn) phấn khởi hơn, vui hơn khi trường mầm non khanh trang, sạch đẹp được hoàn thành đưa vào sử dụng.

           

Cách trung tâm xã Dân Hạ chỉ chừng hơn 7 km nhưng do giao thông đi lại quá khó khăn nên xóm Dối, Bình Tiến dường như bị tách ra biệt lập so với các xóm khác trong xã. Chưa có một đoạn đường bê tông nào vươn dài được tới hai xóm này, đường liên xóm và đường trong xóm hoàn toàn là đường đất, bụi mù mịt vào mùa nắng và lầy lội, trơn trượt vào mùa mưa. Hai xóm có tới gần 50% hộ dân thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Vì chất chồng những khó khăn, gian nan như vậy nên cơ sở hạ tầng nói chung, cơ sở vật chất cho ngành giáo dục tại đây rất thiếu thốn.

           

Cô Nguyễn Thị Thắng, Hiệu trường trường mầm non Họa Mi cho biết: Trường mầm non Họa Mi trước đây chỉ là các chi, điểm trường trường mầm non xã Dân Hạ. Năm 2008, do số lượng học sinh đông nên trường được thành lập. Lúc này, cơ sở vật chất của nhà trường chỉ gồm 4 phòng học được xây dựng từ những năm 90 đã cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng. Sĩ số nhà trường lên đến hơn 80 em, không đủ lớp học, chúng tôi đành ghép các em ở những độ tuổi khác nhau học chung lớp. Hành lang lớp học quây lại thành phòng hội đồng, dùng bạt che một góc sân thành bếp nấu ăn cho các cháu. Đời sống người dân ở đây còn gặp nhiều khó khăn nên không thể huy động bà con đóng góp tiền xây dựng nhà trường được.

           

Việc quá thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở vật chất dẫn đến chất lượng giáo dục không được đảm bảo, chất lượng vệ sinh bếp ăn cũng không đạt yêu cầu….Trẻ em ở lứa tuổi nhà trẻ trên địa bàn ra lớp chỉ đạt 35% do phụ huynh e ngại về cơ sở vật chất của nhà trường.

           

Trước thực trạng xuống cấp và thiếu thốn nghiêm trọng về cơ sở vật chất của trường mầm non Họa Mi, tháng 6/2013, Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn đã quyết định đầu tư 1,7 tỷ động để xây mới và nâng cấp cơ sở vật chất cho nhà trường. Sau 6 tháng khẩn trương thi công với sự tham gia ủng hộ ngày công của nhân dân, ngày 2/1/2014, trường mầm non Họa Mi đã hoàn thành và chính thức được đưa vào sử dụng. Đưa chúng tôi đi thăm trường mới, cô giáo Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết: Trường được xây mới thêm 1 phòng học, 1 phòng hội đồng, 1 phòng hiệu trưởng, 2 bếp ăn, khu vực sân chơi, trang thiết bị ngoài trời đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất cho hoạt động dạy và học. Trường mới được hoàn thành, nhà trường đã vận động giáo viên, phụ huynh học sinh san lấp đất, dọn dẹp, trồng vườn rau xanh đảm bảo cung cấp đủ rau xanh cho bữa ăn hàng ngày của các cháu. Nhân dân trên địa bàn rất phấn khởi khi trường mới được hoàn thành, đã có nhiều phụ huynh đến đăng ký cho con em bắt đầu đi học lại từ học kỳ II năm học 2013 – 2014.

           

Cùng với trường mầm non Họa Mi, năm 2013, phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cũng đã đầu tư gần 500 triệu đồng để xây dựng cơ sở vật chất cho một trường mầm non thuộc vùng đặc biệt khó khăn khác trên địa bàn huyện là trường mầm non Suối Hoa (xã Độc Lập). Trao đổi về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Hiền, Trưởng Phòng GD& ĐT huyện cho biết: Năm vừa qua, việc xây dựng cơ sở vật chất cho ngành giáo dục với tổng số kinh phí được phân bổ trên 7 tỷ đồng đã được chúng tôi tập trung vào 2 trọng tâm, trọng điểm chính. Thứ nhất là ưu tiên xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất cho các nhà trường thuộc các địa bàn đặc biệt khó khăn. Thứ hai là hoàn thiện cơ sở vật chất cho các nhà trường xây dựng trường chuẩn quốc gia. Do đó, ngoài đầu tư, xây mới cho hai trường mầm non thuộc vùng đặc biệt khó khăn của xã Dân Hạ, Độc Lập, chúng tôi đã hoàn thiện cơ sở vật chất để cho 2 nhà trường là trường THCS Hợp Thành (xã Hợp Thành) và trường mầm non Hoa Phượng (xã Dân Hòa) được công nhận mới và trường tiểu học Dân Hòa được công nhận đạt chuẩn quốc gia trong năm 2013.

           

Hiện nay, thực hiện việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất cho các nhà trường, toàn huyện Kỳ Sơn đã có 13/32 (chiếm 40,6%) nhà trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Dự kiến năm 2014, toàn huyện sẽ phấn đấu có thêm hai nhà trường là trường mầm non Suối Hoa (xã Độc Lập) và trường tiểu học Dân Hạ (xã Dân Hạ) đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu đến đầu năm 2015, toàn huyện sẽ có 15 (chiếm 47%) nhà trường đạt chuẩn quốc gia, vượt 2 trường so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2011 – 2015 đã đề ra.

           

Kết thúc câu chuyện với cô trưởng Phòng GD&ĐT huyện, chúng tôi bước ra sân trường mầm non Họa Mi khi chiều dần buông. Lần đầu tiên được thỏa sức chơi nhà bóng, cầu trượt, bập bênh….Tôi lặng lẽ lắng nghe xuân về trong nụ cười giòn tan của những đứa trẻ vùng cao.

 

 

                                                                     Dương Liễu

 

 

  

Các tin khác


Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục