Theo đề án của Sở Nội vụ, trường THCS Pà Cò hiện đang chỉ có 5 lớp học với 146 học sinh sẽ phải sáp nhập trong năm học 2015 - 2016.

Theo đề án của Sở Nội vụ, trường THCS Pà Cò hiện đang chỉ có 5 lớp học với 146 học sinh sẽ phải sáp nhập trong năm học 2015 - 2016.

(HBĐT) - Ngày 13/4/2015, Sở Nội vụ đã ban hành đề án số 684/SNV-ĐA về “Sắp xếp tổ chức bộ máy các trường học và cơ sở giáo dục công lập” trong đó nêu rõ huyện Mai Châu cần sáp nhập 10 trường THCS hạng 3 vào 10 trường tiểu học trên địa bàn cùng xã để thành lập trường liên cấp tiểu học và THCS; thời gian triển khai thực hiện trong tháng 5 – 6/2015. Tuy nhiên cho đến nay, huyện Mai Châu mới hoàn thành được việc sáp nhập của 1 trường là trường THCS Tân Sơn, dự kiến sẽ sáp nhập thêm được 1 trường nữa là trường THCS Cun Pheo, còn 8/10 trường sẽ chưa thể sáp nhập được trong thời gian tới.

 

Sáp nhập trường học, sắp xếp tổ chức bộ máy các nhà trường rất cần thiết

 

Theo số liệu thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Mai Châu, hiện nay toàn huyện đang có 10 trường THCS được xếp là trường hạng 3 (trường dưới 10 lớp) cần sáp nhập. Đáng lưu ý là trong đó tới 8 trường chỉ có từ 5 lớp trở xuống là THCS Tân Sơn (4 lớp, 41 học sinh), THCS Tân Mai (4 lớp, 58 học sinh), THCS Phúc Sạn (4 lớp, 78 học sinh), THCS Pù Bin (4 lớp, 84 học sinh), THCS Tân Dân (4 lớp, 112 học sinh), THCS Pà Cò (5 lớp, 146 học sinh), THCS Vạn Mai (5 lớp, 125 học sinh). Cá biệt trước đây là trường THCS Đồng Bảng (trước khi sáp nhập với trường Tiểu học Đồng Bảng) chỉ có 4 lớp, 31 học sinh.

 

Theo quy định hiện hành, những trường này chỉ có khoảng từ 8 – 10 giáo viên đứng lớp, trong khi bậc THCS có 14 môn học, như vậy, một số giáo viên phải dạy kèm thêm các môn phụ. Kéo theo đó là nâng cao chất lượng dạy và học sẽ trở nên rất khó khăn.

 

Ngoài ra, tuy số lớp học, học sinh, giáo viên ít nhưng mỗi nhà trường đều cần đầy đủ 2 cán bộ quản lý, 3 nhân viên trường học đối với trường mầm non và 2 cán bộ quản lý, 5 nhân viên trường học đối với trường tiểu học và THCS. Điều này dẫn đến bộ máy, biên chế của ngành giáo dục trở nên “phình to, cồng kềnh”, không hiệu quả, lãng phí ngân sách.

 

Việc các trường, nhóm lớp học rải rác, số lượng học sinh quá ít như vậy còn ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư, thu hút xã hội hóa giáo dục để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng dạy và học.

 

Từ thực tế đó cho thấy, việc sáp nhập các nhà trường có quá ít học sinh là cần thiết. Năm học 2014 – 2015, phòng GD&ĐT huyện Mai Châu đã tham mưu cho UBND huyện sáp nhập 3 trường: THCS Tân Sơn, THCS Đồng Bảng và THCS Ba Khan.

 

Bài học kinh nghiệm từ việc sáp nhập trường học

 

Đồng chí Nguyễn Hữu Cường, Phó Trưởng phòng GD & ĐT huyện Mai Châu cho biết: Năm học 2014 – 2015, phòng GD&ĐT quyết định thực hiện thí điểm sáp nhập 3 trường là THCS Tân Sơn, THCS Đồng Bảng, THCS Ba Khan vào những trường tiểu học trên địa bàn cùng xã, thành lập trường liên cấp tiểu học và THCS vì đây là những trường có ít học sinh. Phòng GD&ĐT cũng đã thành lập trường liên cấp Thung Khe với 6 nhóm lớp mầm non, 5 lớp tiểu học, 3 lớp THCS (không có lớp 6) với khoảng 140 học sinh. Sở dĩ phòng GD&ĐT lựa chọn sáp nhập các trường này là vì các trường ở ngay cạnh nhau, chỉ cách 1 bức tường bao nên việc sáp nhập thuận lợi, phù hợp. Thực tế sau khi sáp nhập cho thấy, ưu điểm lớn nhất của việc sáp nhập là tinh giảm được biên chế. Khi 2 nhà trường nhập đã giảm bớt được 1 quản lý, 5 nhân viên trường học (kế toán, y tế học đường, nhân viên thiết bị - thư viện, nhân viên phục vụ, bảo vệ). Sau khi sáp nhập, quy mô trường lớp lớn hơn nên thuận lợi hơn trong các hoạt động bề nổi, phong trào đoàn, đội. Tuy nhiên, việc sáp nhập cũng đã phát sinh rất nhiều vấn đề đáng bàn.

 

Thứ nhất là về yếu tố con người, bộ máy quản lý vì sau khi sát nhập, 1 đồng chí hiệu trưởng có chuyên môn, bằng cấp cao hơn sẽ được tín nhiệm là hiệu trưởng trường liên cấp, đồng chí hiệu trưởng còn lại sẽ bị “giáng chức” xuống làm hiệu phó mặc dù không vi phạm đạo đức, kỷ luật hoặc phải điều chuyển đi trường khác. Vấn đề này dễ dẫn đến những tác động tiêu cực về tâm lý, tư tưởng cũng như dễ dẫn đến bè phái, mất đoàn kết nội bộ. Số cán bộ tinh giảm nếu là diện hợp đồng có thể chấm dứt hợp đồng nhưng nếu là biên chế thì phải luân chuyển đi các trường khác, như vậy, bản chất của vấn đề lại trở thành giảm chỗ này nhưng “phình to” chỗ khác.

 

Cũng theo đồng chí Phó trưởng phòng GD & ĐT, sau khi sáp nhập, có 2/3 đồng chí hiệu trưởng trường THCS làm hiệu trưởng trường liên cấp, 1 đồng chí hiệu trưởng trường tiểu học làm hiệu trưởng trường liên cấp. Trong khi đó, hiện nay, ngành giáo dục đang đẩy mạnh việc đổi mới, cải cách phương pháp dạy và học nên không tránh khỏi sự bỡ ngỡ, lúng túng trong điều hành chuyên môn của hiệu trưởng đối với cả 2 cấp học. Sẽ là khó khăn hơn nữa nếu như trường tiểu học nào đang tham gia mô hình trường học mới của dự án VNEN.

 

Ngoài ra, về công tác tổ chức, triển khai thực hiện việc dạy và học phát sinh khó khăn là 1 tiết học cấp tiểu học chỉ có 40 phút nhưng cấp THCS lại 45 phút. Vì “lệch giờ” nên giờ ra chơi của cấp này lại ảnh hưởng đến giờ học của cấp kia. Công việc của nhân viên trường học cũng trở nên vất vả hơn vì cơ sở vật chất, phòng chức năng…cũng chưa nhập thành một.

 

Điều quan trọng hơn cả theo đánh giá của lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện đó là: việc sáp nhập mới chỉ là hình thức; thực ra mọi hoạt động, sinh hoạt chủ yếu vẫn là riêng rẽ. Đáng quan ngại nhất là chất lượng dạy và học vẫn dậm chân tại chỗ, chưa có chuyển biến tích cực như mong đợi.

 

Loay hoay bài toán sáp nhập trường học

 

Việc sáp nhập các trường học ít học sinh là cần thiết, đây cũng là một chủ trương lớn đang được triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, thực tế thực hiện thí điểm năm học 2014 – 2015 tại huyện Mai Châu cho thấy kết quả mang lại chưa được như mong đợi. Trong khi đó, Sở Nội vụ lại đang tiếp tục có đề án yêu cầu huyện Mai Châu trong năm học 2015 – 2016 phải sáp nhập thêm 10 trường THCS. Đây thực sự là bài toán khó đối với ngành giáo dục huyện Mai Châu.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết vấn đề mấu chốt cần được quan tâm, chú trọng trong quá trình sáp nhập trường học là công tác cán bộ, quy mô và khoảng cách trường lớp. Trong đó, khoảng cách giữa các trường sáp nhập là cực kỳ quan trọng. Sở dĩ huyện Mai Châu chưa thể sáp nhập theo đề án của Sở Nội vụ vì trong số các trường yêu cầu sáp nhập có rất nhiều xã có trường cần sáp nhập cách xa nhau đến 4 - 5 km và đường đi lại rất khó khăn như: xã Tân Dân, Bao La…

 

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Hữu Cường, Phó Phòng GD&ĐT trăn trở, đã có những bài học đáng tiếc xảy ra ở các tỉnh bạn khi thực hiện việc sáp nhập 2 trường có khoảng cách địa lý cách xa nhau, đi lại khó khăn. Do đó khi sáp nhập, chúng tôi phải hết sức cẩn trọng và cân nhắc, đảm bảo an toàn, quyền lợi cho học sinh. Tránh không để xảy ra hiện tượng học sinh bỏ học, thất học do phải đi học xa sau khi sáp nhập trường. Một khó khăn nữa cũng đang đặt ra là sau khi sáp nhập 10 trường thì sẽ “dư” ra một số lượng lớn cán bộ quản lý và nhân viên trường học với những trường hợp đã biên chế thì không thể cho ra biên chế, những trường còn lại trên địa bàn huyện cũng đã cơ bản đủ cán bộ, vậy phải sắp xếp số cán bộ “dư” này như thế nào để đảm bảo phù hợp với vị trí việc làm, quy định của Bộ GD&ĐT? Nếu tiếp tục sáp nhập ồ ạt sẽ dẫn đến thừa cán bộ quản lý, nhiều cán bộ quản lý sẽ phải chuyển xuống làm giáo viên, điều này sẽ dẫn đến sự xáo trộn lớn trong tư tưởng đội ngũ cán bộ, giáo viên.

 

Để tìm một hướng mở cho công tác sáp nhập trường học, hiện nay, phòng GD&ĐT huyện Mai Châu đang công tác chính trị, tư tưởng, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh học sinh cũng như giáo viên, nhất là đội ngũ quản lý cần điều chuyển để có sự sắp xếp hài hòa, hợp lý.

 

Từ việc sáp nhập trường học ở Mai Châu cho thấy, đây là một chủ trương đúng đắn, tuy nhiên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng; bắt đầu từ đánh giá khách quan, toàn diện, rút ra bài học kinh nghiệm về việc thí điểm trước khi triển khai thực hiện ồ ạt với số lượng lớn trên quy mô toàn tỉnh. Việc sáp nhập phải đảm bảo một tiêu chí cực kỳ quan trọng là phù hợp với thực tế từng nơi, không nên sáp nhập máy móc chỉ dựa vào con số. Các ngành liên quan cũng cần có hướng dẫn chi tiết để giải quyết các vấn đề phát sinh về con người, cơ sở vật chất sau khi sáp nhập sao cho phù hợp, đồng bộ, tránh lãng phí. Với các điểm trường sáp nhập cách xa nhau cần có phương án xây dựng thêm phòng bán trú, hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học sinh ở xa được đến trường. Có như vậy, việc sáp nhập trường học mới đảm bảo an toàn, quyền lợi của học sinh, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng dạy và học.

 

 

 

                                                                                    Dương Liễu

 

Các tin khác


Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”

Chiều 17/4, Sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo trực tiếp và trực tuyến "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” năm 2024 tới thầy, cô giáo, học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục