(HBĐT) - Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khám, chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe (CSSK) nhân dân là phần việc cấp ủy, chính quyền tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát. Tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác KCB, CSSK nhân dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây bộc lộ những yếu kém, khuyết điểm. Cụ thể đã để xảy ra một số sự việc, sự cố gây bức xúc trong xã hội, mất lòng tin của nhân dân. Theo đó, tỷ lệ bệnh nhân KCB vượt tuyến ngày càng tăng, tạo áp lực quá tải cho bệnh viên tuyến trên và tạo gánh nặng về chi trả BHYT cho cơ sở y tế tuyến dưới. Cần có lộ trình, phương pháp để khắc phục tình trạng này để đảm bảo công tác KCB, CSSK nhân dân có sự chuyển biến theo hướng tích cực.


Tăng cường mức đầu tư cho trạm y tế xã.

Mạng lưới y tế cơ sở nói chung và y tế tuyến xã nói riêng được xác định là nền tảng, là xương sống của hệ thống y tế. Trạm y tế (TYT) xã là tuyến y tế gần dân nhất, bảo đảm cho người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp. Tuy nhiên, hoạt động của mạng lưới TYT tuyến xã hiện tại đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do nhu cầu CSSK người dân ngày càng đòi hỏi ở mức cao hơn.

Trong chuyến công tác về xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn) vào cuối tháng 4/2017, chúng tôi có dịp mục sở thị nơi KCB ban đầu cho người dân nơi đây. TYT xã là một dãy nhà rêu phong sập sệ đã bị tốc 2/3 mái ngói, bỏ không. Hiện mọi hoạt động của trạm dồn vào dãy nhà với 5 gian phòng ẩm ướt, chật chội. Bác sỹ Bùi Văn Quầy, Trạm trưởng TYT xã bùi ngùi: Gian nhà kia được xây dựng từ năm 1992 đã xuống cấp từ nhiều năm, đến năm 2014 thì sập mái không thể khắc phục lại. 3 năm qua, mọi hoạt động của trạm dồn cả vào dãy nhà này, rất khó khăn trong KCB, CSSK nhân dân. Điều đáng nói, Ngọc Lâu lại là một trong những xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Sơn, cách trung tâm huyện khoảng 16 km. Bởi đường đến trung tâm huyện xa xôi, nên TYT xã có vai trò hết sức quan trong trong CSSK người dân. Trung bình mỗi tháng, trạm tiếp nhận 300 lượt bệnh nhân. Lúc cao điểm lên tới 400 - 500 lượt bệnh nhân/tháng. ở đây, bệnh nhân phải nằm ghép là chuyện bình thường. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị được đâu tư nâng cấp cơ sở vật chất, Bổ sung thêm trang thiết bị phục vụ công tác KCB những vẫn chưa thấy hồi âm- bác sỹ Bùi Văn Quầy chia sẻ.


Cán bộ y tế Khoa Nội - Nhi (Trung tâm y tế huyện Đà Bắc) thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm.

Tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh hàng năm ở các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc, Mai Châu, Yên Thủy… chúng tôi hiểu rõ đây là thực trạng và khó khăn này không chỉ của xã Ngọc Lâu.

Tân Lạc cũng là một trong những huyện có nhiều xã vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn. Khi cần CSSK, nơi đầu tiên người dân tìm đến là TYT xã. Tuy nhiên, đến đây họ chỉ được CSSK thông thường, những ca bệnh có dấu hiệu phức tạp lập tức được giới thiệu chuyển tuyến trên. Có 2 lý do phải chuyển là cơ sở vật chất, trang thiết bị không đáp ứng yêu cầu công tác KCB; Không có cán bộ y tế có chuyên môn cao, đủ điều kiện KCB. Hiện tại, huyện Tân Lạc còn 10 TYT xã chưa có bác sỹ.

Theo Thông tư số 33/2015/ TT- BYT của Bộ Y tế : TYT được xem như là "người gác cổng” của ngành Y tế. Bởi trong hệ thống CSSK công lập, TYT là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh và các vấn đề sức khỏe liên quan. Nhiệm vụ của TYT là thực hiện các dịch vụ kỹ thuật CSSK ban đầu, bao gồm triển khai các dịch vụ KCB, các chương trình y tế quốc gia (tiêm chủng mở rộng, CSSK bà mẹ và trẻ em, phòng, chống các bệnh xã hội, các bệnh không lây nhiễm...), đồng thời phát hiện sớm và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Thực tế cho thấy, TYT là đơn vị y tế phát hiện bệnh sớm nhất và giải quyết hầu hết (khoảng 80%) những chứng bệnh đơn giản. Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung, CSSK ban đầu nói riêng đã được triển khai thường xuyên, rộng khắp. Bởi vậy, đầu tư cho y tế cơ sở (TYT xã , thị trấn ) là việc làm cần thiết.

Gỡ khó cho Trung tâm Y tế tuyến huyện

Đang loay hoay với việc thực hiện quy định về tự chủ tài chính trong các bệnh viện công lập, tháng 1/2017, các huyện trong tỉnh đồng loạt tiến hành sáp nhập Trung tâm Y tế dự phòng với Bệnh viện đa khoa thành Trung tâm y tế (TTYT) huyện, "mối tơ vò” được nhân đôi. Bác sỹ Dương Văn Tiến, Giám đốc TTYT huyện Yên Thủy cho biết: Hiện TTYT huyện có trên 230 CB,VC, trong đó 131 CB,VC làm việc tại TTYT và 100 viên chức làm việc tại các Trạm y tế. Trong số CB, VC, NLĐ trên có 35 bác sỹ, 70 y sỹ, 32 điều dưỡng; 22 dược sỹ, 21 hộ sinh và 51 người công tác ở các bộ phận khác. Sau sáp nhập, về cơ bản, mọi hoạt động của TTYT huyện đã vào guồng, nhưng hiện tại phải đối mặt với một số khó khăn, vướng mắc về thiếu đội ngũ bác sỹ có chứng chỉ hành nghề và hộ lý. Trước năm 2013, Sở Y tế ủy quyền cho các bệnh viện ký hợp đồng hộ lý, dọn vệ sinh hàng năm không đưa vào giao chỉ tiêu. Từ năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chấm dứt hợp đồng lao động đơn vị tự ký, đến nay, nhân lực hộ lý bệnh viện thiếu, rất khó khăn cho hoạt động.


Trạm y tế xã Phú Lương (Lạc Sơn) xuống cấp từ nhiều năm nay cần được sửa chữa.

Bên cạnh đó, công tác KCB, CSSK nhân dân ở TTYT huyện Yên Thủy thời gian qua gặp một vài điểm vướng chung giông như TTYT các huyện trong tỉnh như: Ngày 9/12/2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn số 4921/BHXH-DVT yêu cầu tạm dừng một số loại thuốc của Sở Y tế Hòa Bình đấu thầu do thiếu giá cạnh tranh. Đến nay đã 2 năm, TTYT các huyện rơi vào tình thế có thuốc mà không được điều trị, không quyết toán, không tổng hợp được đề xuất vượt quỹ vượt trần. Đề nghị Sở Y tế kiến nghị với Bộ Y tế xem xét lại quy định sử dụng thuốc kháng sinh. Bởi hiện có một số loại kháng sinh được phân tuyến theo hạng bệnh viện (bệnh nhân điều trị ở tuyến trên đã sử dụng loại kháng sinh đó nhưng khi tái bệnh điều trị ở bệnh viện tuyến huyện thì lại không được sử dụng loại thuốc này). Trên thực tế, nhiều gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện để chuyển tuyến nhiều lần nhưng nếu điều trị kháng sinh thông thường mà tuyến dưới được sử dụng thì không khỏi bệnh, nhất là với các trường hợp bệnh nhi. Đề nghị Bộ Y tế bỏ quy định số lần khám bệnh, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm đối với dịch vụ kỹ thuật vì hiện tại đang gây rắc rối cho việc giám định và gây khó khăn cho hoạt động KCB.

Về kinh phí cho hoạt động điều trị dựa vào nguồn thu viện phí nhưng BHXH chưa chi trả đủ kinh phí vượt quỹ (vượt trần năm 2016), vì vậy đã ảnh hưởng đến kinh phí chi trả tiền thuốc, vật tư y tế và hoạt động của trung tâm. Thực hiện Nghị định số 43 của Chính phủ "giao một phần tự chủ tự chịu trách nhiệm” đến nay gần như các đơn vị tự chủ hoàn toàn tài chính nếu trích 35% để ổn định lương thì nguồn thu của các TTYT huyện không đủ hoạt động. Đề nghị UBND tỉnh cho phép các cơ sở y tế công lập được tự chủ mua sắm trang thiết bị văn phòng để đáp ứng yêu cầu công việc…

Cái "khó” ở TTYT huyện Yên Thủy cũng là điểm vướng ở nhiều TTYT khác trong tỉnh. Bởi sau sáp nhập, ổn định lại tổ chức, cơ cấu lại hoạt động chuyên môn hầu hết các TTYT đều kêu thiếu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyên môn, thiếu kinh phí để hoạt động (vì kinh phí của bệnh viện, trung tâm Y tế dự phòng, TYT xã đang được cấp theo từng gói và không được sử chung trong mọi hoạt động của TTYT). Một số TTYT gặp khó khăn về cơ sở vật chất… cần được ngành Y tế nói riêng và chính quyền địa phương quan tâm tháo gỡ.

Thực tế, khi có cơ sở vật chất đảm bảo, trang thiết bị , thuốc men đáp ứng yêu cầu và có đội ngũ y, bác sỹ có chuyên môn cao đó sẽ là lực hút vô hình đưa người dân đến KCB tại cơ sở y tế gần nhất. Vừa giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên, vừa phát huy được vai trò của mạng lưới y tế cơ sở trong việc KCB, CSSK cho nhân dân, đó là điều cần thiết.


Đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh

Hiện nay, đội ngũ cán bộ của Trạm y tế xã Ngổ Luông (Tân Lạc) đã phần nào đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất của trạm y tế được đầu tư xây dựng từ năm 2003 nên đến nay nhiều hạng mục đã xuống cấp. Trong đó, phòng làm việc và phòng lưu bệnh nhân bị thấm dột, không đảm bảo cho công tác khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân trong xã.

Ngổ Luông là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Tân Lạc, giao thông đi lại còn nhiều trắc trở, do đó, nhu cầu khám, chữa bệnh tại chỗ của người dân rất lớn. Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu ở tuyến cơ sở cũng như giảm tải cho tuyến trên thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng là rất cần thiết. Cùng với đó là nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ cũng như đầu tư các trang thiết bị mới, thuốc đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của bà con.

Bùi Văn Thắng

Phó Chủ tịch UBND xã Ngổ Luông (Tân Lạc)

 

 

Mong được hỗ trợ về nhân lực, trang thiết bị y tế

Xã Tây Phong (Cao Phong) là địa bàn đông dân cư (dân số của xã xếp thứ 2 toàn huyện) với 1.340 hộ, 5.454 nhân khẩu ở 10 xóm. Địa bàn rộng, dân cư đông nhưng trạm y tế (TYT) xã chỉ có 5 viên chức nên việc CSSK nhân dân luôn hết sức khó khăn. Trong 8 tháng năm 2017, TYT xã đã KCB cho 1.245 lượt người, khám dự phòng 859 lượt, quản lý thai nghén cho 71 bà mẹ, thực hiện 169 lượt khám thai (có 2 ca đẻ tại trạm). Về quản lý sức khỏe cộng đồng, hiện tại, TYT đang quản lý phục hồi chức năng tại cộng đồng 71 người khuyết tật, 6 bệnh nhân HIV/AIDS, 26 bệnh nhân rối loạn tâm thần và hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh mạn tính không lây nhiễm như: huyết áp, đái tháo đường, bướu cổ, ung thư, tai nạn thương tích…

Chưa có bác sĩ, không có hộ sinh, không có bảo vệ, không có hộ lý, vì vậy, tất cả viên chức TYT xã phải làm trái ngạch và kiêm nhiệm nhiều phần việc, hết sức vất vả. Mong được cấp có thẩm quyền quan tâm chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi cho viên chức y tế theo quy định. Đề nghị TTYT huyện Cao Phong bổ sung cho TYT xã 1 viên chức chuyên ngành hộ sinh và 1 bác sĩ khám bệnh tại trạm 3 buổi/ tuần. Cấp mới cho TYT xã Tây Phong 1 bộ máy vi tính, máy in để phục vụ công tác KCB BHYT. Hỗ trợ kinh phí lợp mái che khu vực ngồi chờ của bệnh nhân và mái che bể đốt rác thải sinh hoạt của TYT… đáp ứng yêu cầu CSSK nhân dân trên địa bàn.

Văn Thị Tuyết

Trạm Y tế xã Tây Phong (Cao Phong)



Thúy Hằng

Các tin khác


Ngăn chặn dịch sởi lây lan vì đã có 42 ca mắc và nghi mắc

Cả nước đã ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố.

Triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm 

Sáng 18/3, Sở Y tế tổ chức hội nghị triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm (BKLN) năm 2024. Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ngành; lãnh đạo UBND, cán bộ phụ trách công tác y tế các huyện, thành phố.

Ra quân vận động người dân tham gia bảo hiển xã hội, bảo hiểm y tế

Ngày 16/3, hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2024, Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức lễ phát động ra quân chương trình "Tuổi trẻ Bưu điện Việt Nam xung kích, tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế” (BHXH, BHYT). Chương trình được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tất cả các bưu điện tỉnh, thành phố, trung tâm toàn mạng lưới Bưu điện Việt Nam.

Huyện Tân Lạc quan tâm thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em

Những năm qua, công tác tiêm chủng mở rộng ở huyện Tân Lạc đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc triển khai và thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng đã góp phần thanh toán bệnh bại liệt; loại trừ được uốn ván sơ sinh; giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà; giảm tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi, khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi; mở rộng diện bao phủ các vắc xin viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn ở địa phương.

Cách phân biệt trẻ ho gà với ho thông thường

Gần đây, tại Hà Nội xuất hiện nhiều trẻ bị ho gà, có trẻ mắc bệnh khi mới 5 tuần tuổi. Trẻ ho gà có biểu hiện như thế nào? Cách phát hiện sớm ho gà, phân biệt ho gà và ho thông thường ra sao?

Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh nhân suy thận mạn

Nếu như trước đây, tại Việt Nam, bệnh suy thận chỉ xuất hiện ở nhóm người 60 tuổi, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30 tuổi mắc bệnh thận đang ngày càng gia tăng, chiếm từ 20 - 30%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục