(HBĐT) - Từ năm 2014, nước ta chính thức cam kết và triển khai các hoạt động hưởng ứng mục tiêu 90- 90- 90 trong phòng - chống HIV/AIDS. Thực hiện cam kết, Bộ Y tế đã giao các địa phương đến năm 2020 hoàn thành nhóm mục tiêu này, làm tiền đề hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Mặc dù còn đó những khó khăn, thách thức, tuy nhiên, tỉnh ta đang dồn sức nhằm hoàn thành nhóm mục tiêu theo đúng lộ trình.


Top 2 toàn quốc về chỉ tiêu điều trị ARV cho người có "H”

Nhóm mục tiêu 90 - 90 - 90 hướng đến: 90% người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục; 90% người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định.

Theo đồng chí Hoàng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở Y tế, nhóm mục tiêu này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi nếu 90% người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình, như vậy công tác giám sát và xét nghiệm đã được làm tốt. Nếu 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục thì chúng ta đã làm tốt công tác điều trị, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho cộng đồng và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nếu 90% người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định, tức là tải lượng vi-rút HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng đánh giá chất lượng điều trị cũng như sự tuân thủ điều trị tốt của người bệnh. Như vậy, nếu chúng ta đạt được ba mục tiêu 90 - 90 - 90 thì chúng ta có thể đạt mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 như Liên hợp quốc đã đề ra.


Cán bộ Trung tâm y tế huyện Kim Bôi tăng cường làm xét nghiệm cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhằm chung tay hoàn thành thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90 của tỉnh.

Thời gian qua, một trong những thành công của công tác phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh ta đạt mục tiêu 2: 90% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục. Và là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt được mục tiêu này. Bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác vận động xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ cao, hiện nay, theo đánh giá của Cục phòng - chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), ở mục tiêu 1, tỉnh ta đã thực hiện khá tốt với 70% người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Từ nay đến năm 2020, cần thực hiện xét nghiệm cho khoảng 300 người, để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Để có được kết quả này, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng. Trong thời gian qua, Trung tâm phòng - chống HIV/AIDS tỉnh đã tiếp nhận, phân phối 3.000 tờ rơi, sách mỏng, tạp chí và đĩa CD cho người nhiễm HIV tới các xã, phường, thị trấn và 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp tổ chức truyền thông trực tiếp, gián tiếp lồng ghép trong các hội nghị tại KDC. Đối tượng tuyên truyền được mở rộng song trọng tâm vẫn hướng vào những người có nguy cơ cao như người nghiện ma túy, gái mại dâm… Song song với đó, ngành Y tế từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động vận động thành lập các nhóm tiếp cận cộng đồng, có nhiệm vụ gặp gỡ, động viên, giúp đỡ cá nhân, gia đình có người nhiễm "H”… Bằng những giải pháp tích cực đó, tỷ lệ người nhiễm mới HIV của tỉnh ta là 0,12%, thấp hơn mức tỷ lệ kiềm chế do Cục phòng- chống HIV/AIDS đề ra. Cụ thể, năm 2015, toàn tỉnh có 109 người nhiễm mới thì 6 tháng đầu năm 2018, con số này là 20 người.

Vẫn còn đó những khó khăn

Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Thị Thủy thẳng thắn thừa nhận: Mục tiêu 2, tuy tỉnh ta đã đạt song, chỉ là kết quả tính trên số người được phát hiện và quản lý, trong thực tế, số người nhiễm HIV/AIDS còn lớn hơn nhiều. Theo điều tra khảo sát của Cục phòng, chống HIV/AIDS, địa bàn tỉnh có khoảng trên 1.200 người có nguy cơ nhiễm HIV. Tuy nhiên, hiện nay mới có 941 người được phát hiện và 850 người đang điều trị tại các cơ sở y tế. Chính vì vậy, nhóm mục tiêu 90-90-90 được đánh giá khó nhất là mục tiêu 1. Để thực hiện mục tiêu này, giải pháp căn cơ nhất là tăng cường năng lực, nguồn lực cho cơ sở y tế và cán bộ y tế các tuyến.

Hiện nay, tỉnh ta có 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS. Trước đây, các phòng khám này nhận được sự hỗ trợ của các dự án quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS (dự án dự phòng lây nhiễm HIV; chăm sóc, hỗ trợ, điều trị toàn diện HIV/AIDS...). Tuy nhiên vài năm trở lại đây, các dự án đã cắt giảm dần và đến cuối năm 2017 thì ngừng hỗ trợ. Bên cạnh đó, theo đúng lộ trình đến ngày 1/1/2019, thuốc ARV không được cấp miễn phí cho bệnh nhân HIV/AIDS mà chuyển sang thanh toán qua BHYT. Với phần lớn bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh rất khó khăn thì quy định này đang đặt ra thách thức lớn cho công tác điều trị cũng như dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Trước những khó khăn đó, Sở Y tế đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh phê duyệt Đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2018- 2020, trong đó 100% bệnh nhân nhiễm "H” được cấp miễn phí thẻ BHYT. Từ đầu năm đến nay đã hỗ trợ mua trên 500 thẻ BHYT, đồng thời hỗ trợ đồng chi trả khám - chữa bệnh qua BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS như: xét nghiệm CR4, tải lượng virus… Đây là động thái hết sức tích cực của tỉnh trong việc phòng, chống dịch HIV cũng như chung tay thực hiện mục tiêu 90- 90- 90.

Tuy nhiên, cũng theo đồng chí Phó Giám đốc Sở Y tế, con số 5 phòng khám là quá ít. Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng của BCĐ 09 tỉnh, đồng chí đề nghị: Tỉnh quan tâm đầu tư mở rộng mạng lưới và năng lực hoạt động của các phòng khám và điều trị HIV/AIDS nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám, điều trị HIV cho các bệnh nhân. Bên cạnh đó, do không còn dự án tài trợ nên việc thành lập các CLB cho người nhiễm "H” trở nên khó khăn hơn, dẫn đến ở một số nơi tái diễn tình trạng người nhiễm "H” khó hoà nhập cộng đồng, gây nên tâm lý tự ti, mặc cảm, đặc biệt là đối tượng nhiễm mới. Giải quyết triệt để các vấn đề nêu trên là tiền đề quan trọng để tỉnh ta hoàn thành nhóm mục tiêu 90- 90- 90 đúng lộ trình đề ra.


Hải Yến


Các tin khác


Gần 700 người tham gia hiến máu tình nguyện tại thành phố Hòa Bình

Ngày 24/4, tại Trung tâm Hội nghị Hoà Bình, Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, thành phố Hòa Bình phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện đợt II năm 2024.

Thành phố Hòa Bình đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

TP Hòa Bình có trên 1.300 cơ sở thực phẩm, trong đó, cơ sở dịch vụ ăn uống cấp thành phố quản lý trên 400 cơ sở, cấp tỉnh quản lý gần 100 cơ sở, còn lại là cấp phường, xã quản lý. Để cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục