(HBĐT) - Ở các nhà thuốc, khẩu trang y tế vẫn là mặt hàng hiếm. Trong khi đó, trên các chợ online, mặt hàng này lại được rao bán tràn lan, với nhiều chủng loại, giá bán khác nhau.

 


Cũng như nhiều nhà thuốc khác trên địa bàn, nhiều tháng nay, quầy thuốc Lê Thoan, đường Cù Chính Lan (TP Hòa Bình) không có khẩu trang y tế bán, chỉ có khẩu trang vải kháng khuẩn.

Lướt trên mạng xã hội facebook, không khó để tìm được những bài viết rao bán khẩu trang y tế ở các trang (fanpage), hội, nhóm. Nếu như trước đây, mặt hàng này được đẩy giá lên rất cao thì nay, giá bán lại khá mềm. Ví như, trên nhóm CHỢ HÒA BÌNH, người dùng có tên N.T.B.N rao bán khẩu trang y tế 4 lớp, 1 hộp 50 chiếc với giá 180 nghìn đồng, bán lẻ 4.000 đồng/chiếc. Giá bán ở một số tài khoản facebook khác dao động từ 170 – 190 nghìn đồng/hộp 50 chiếc. Truy cập vào trang cá nhân của những người này, ngoài khẩu trang y tế, họ đã có thời gian dài đăng bán quần áo, mỹ phẩm, có người bán hoa quả. Một số mới tập tành bán trong thời gian cả nước thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chợ online sôi động là vậy, tại sao khẩu trang y tế vẫn khó tìm mua được ở các nhà thuốc?

Để tìm câu trả lời, chúng tôi đã khảo sát một số nhà thuốc trên địa bàn TP Hòa Bình và ở huyện Tân Lạc. Quầy thuốc Lê Thoan trên đường Cù Chính Lan và nhiều nhà thuốc khác trên địa bàn TP Hòa Bình, từ khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, các nhà thuốc không còn khẩu trang y tế để bán. Lý giải về điều này, dược sỹ Lê Thị Thoan cho biết: Khi dịch mới bùng phát, khẩu trang y tế nhanh chóng được người dân mua hết. Sau đó, nguồn hàng khan hiếm, mãi sau này quầy thuốc mới nhập được thêm vài hộp khẩu trang mới. Còn bây giờ, nguồn cung cấp uy tín không còn hàng, nhiều nơi mời mua nhưng sợ không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ nên không nhập thêm hàng nữa.

Điều này cũng ghi nhận được ở nhà thuốc của Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Lạc. Dược sỹ chuyên khoa Nguyễn Thị Hoàn cho biết: Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, rất nhiều người dân đến nhà thuốc của bệnh viện hỏi mua khẩu trang y tế. Tuy nhiên, nhà thuốc không nhập thêm khẩu trang y tế mới, vì đơn vị cung cấp hàng trước đây không có hàng. Còn nguồn hàng từ nơi khác lại không rõ nguồn gốc, chất lượng. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, thời gian gần đây, nhà thuốc đã nhập khẩu trang vải kháng khuẩn, bán với giá 10 nghìn đồng/chiếc và cũng dành tặng cho người dân khi đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện mà không có khẩu trang. Việc nhập khẩu trang vải kháng khuẩn phải có hóa đơn đỏ, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo về chất lượng.

Đối với mặt hàng khẩu trang y tế đang được bày bán trôi nổi trên thị trường hiện nay, cả hai dược sỹ đều bày tỏ sự lo ngại về chất lượng. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trương Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết: Qua rà soát, nắm địa bàn thì từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện tình trạng đầu cơ, đẩy giá các mặt hàng y tế, trong đó có khẩu trang y tế. Tuy nhiên, giá thành nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế tăng rất mạnh, gấp từ 10 - 15 lần so với trước đây, nên các cơ sở sản xuất khẩu trang y tế không nhập để sản xuất sản phẩm, dẫn tới tình trạng mặt hàng này hiện vẫn khan hiếm ở các nhà thuốc. Đối với tình trạng khẩu trang y tế được rao bán tràn lan trên các chợ online, mạng xã hội, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát, quản lý. Bởi, những người bán mặt hàng này không có địa chỉ cụ thể, không có địa điểm sản xuất, kinh doanh.
Đồng chí Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh khuyến cáo, người dân cần hết sức thận trọng khi mua sản phẩm này trên mạng xã hội và các chợ online. Cần kiểm tra kỹ thông tin trên sản phẩm về nhãn hiệu, nhãn mác, nguồn gốc, để tránh mua phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng. 


Theo Quyết định số 1444/QĐ-BYT, ngày 29/3/2020 của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về lựa chọn, sử dụng khẩu trang trong phòng, chống dịch Covid-19: Đeo khẩu trang chỉ là một trong những biện pháp phòng ngừa để hạn chế sự lây lan của một số bệnh về đường hô hấp, bao gồm cả Covid-19. Khẩu trang được chia làm 4 loại, mục đích, đối tượng sử dụng khác nhau. Cụ thể: Khẩu trang y tế N95 hoặc tương đương dùng cho kỹ thuật viên xét nghiệm, nhân viên y tế, người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh Covid-19; khẩu trang y tế dùng cho cán bộ y tế ở nơi có nguy cơ lây nhiễm cao và phải được quản lý như trang thiết bị y tế, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định; khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn dùng cho cán bộ y tế ở nơi có nguy cơ lây nhiễm ít (khẩu trang 870); khẩu trang thông thường dùng cho người khỏe mạnh và ở những khu vực ít có nguy cơ lây nhiễm.

Hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ, khi đeo khẩu trang y tế không đúng chỉ định, có thể gây lãng phí không cần thiết, khan hiếm cho cơ sở y tế, tạo ra tâm lý sai lầm về sự an toàn, có thể dẫn đến bỏ qua các biện pháp thiết yếu khác trong phòng bệnh, như rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay 60% độ cồn. Hơn nữa, sử dụng khẩu trang không đúng cách có thể ảnh hưởng đến hiệu quả trong dự phòng nguy cơ lây truyền.

                                                                                  Viết Đào

Các tin khác


Ngăn chặn dịch sởi lây lan vì đã có 42 ca mắc và nghi mắc

Cả nước đã ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố.

Triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm 

Sáng 18/3, Sở Y tế tổ chức hội nghị triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm (BKLN) năm 2024. Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ngành; lãnh đạo UBND, cán bộ phụ trách công tác y tế các huyện, thành phố.

Ra quân vận động người dân tham gia bảo hiển xã hội, bảo hiểm y tế

Ngày 16/3, hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2024, Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức lễ phát động ra quân chương trình "Tuổi trẻ Bưu điện Việt Nam xung kích, tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế” (BHXH, BHYT). Chương trình được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tất cả các bưu điện tỉnh, thành phố, trung tâm toàn mạng lưới Bưu điện Việt Nam.

Huyện Tân Lạc quan tâm thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em

Những năm qua, công tác tiêm chủng mở rộng ở huyện Tân Lạc đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc triển khai và thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng đã góp phần thanh toán bệnh bại liệt; loại trừ được uốn ván sơ sinh; giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà; giảm tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi, khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi; mở rộng diện bao phủ các vắc xin viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn ở địa phương.

Cách phân biệt trẻ ho gà với ho thông thường

Gần đây, tại Hà Nội xuất hiện nhiều trẻ bị ho gà, có trẻ mắc bệnh khi mới 5 tuần tuổi. Trẻ ho gà có biểu hiện như thế nào? Cách phát hiện sớm ho gà, phân biệt ho gà và ho thông thường ra sao?

Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh nhân suy thận mạn

Nếu như trước đây, tại Việt Nam, bệnh suy thận chỉ xuất hiện ở nhóm người 60 tuổi, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30 tuổi mắc bệnh thận đang ngày càng gia tăng, chiếm từ 20 - 30%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục