Sáng 11/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra đột xuất việc thực hiện Nghị quyết 30/NQ-CP về mua sắm y tế và Nghị định 07/2023/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế tại một số cơ sở y tế tuyến cuối trên địa bàn thành phố Hà Nội; đồng thời nắm bắt tình hình, tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để bảo đảm thuốc, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.

Chú thích ảnh

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, làm việc với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương về tình tình thuốc và vật tư y tế. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra, khảo sát tại các khoa, phòng; thăm hỏi, lắng nghe ý kiến của các y bác sĩ trực tiếp khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc và dành thời gian thăm hỏi, trò chuyện với các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - Cơ sở Đông Anh.

Theo lãnh đạo và cán bộ, y bác sỹ các bệnh viện, cuối năm 2022 đầu năm 2023,tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế xảy ra  do những vướng mắc trong công tác đấu thầu cung cấp và những quy định liên quan quản lý thiết bị y tế. Tại các bệnh viện, nhiều lô thuốc trúng thầu nhưng không thông quan được. Các máy móc liên doanh, liên kết phải dừng hoạt động, thậm chí một thiết bị trị giá hàng chục tỷ đồng nhưng chỉ một linh kiện bị hỏng rất khó thay do vướng mắc về cơ chế.

Đầu tháng 3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30 Nghị quyết 30/NQ-CP về mua sắm y tế và Nghị định 07/2023/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế, các bệnh viện đã nhanh chóng triển khai thực hiện. Đến nay, những khó khăn, vướng mắc từng bước được giải quyết; bảo đảm tương đối đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân, chỉ thiếu cục bộ đối với một vài loại biệt dược.

Chú thích ảnh

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra việc cung ứng thuốc tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tuy nhiên, hiện nay, việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế còn lúng túng về mặt kỹ thuật. Giá dịch vụ khám, chữa bệnh chưa được tính đúng, tính đủ. Việc áp trần chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế gây khó khăn cho bệnh viện. Việc liên doanh, liên kết trong đầu tư máy móc, thiết bị khám, chữa bệnh cho nhân dân chưa có quy định mang tính pháp lý và hướng dẫn cụ thể. Các bệnh viện hầu như đang quá tải do hàng ngày tiếp nhận lượng lớn người đến khám, chữa bệnh. Một số loại biệt dược và hóa chất phục vụ nghiên cứu vẫn thiếu cục bộ. Việc gia hạn thuốc còn chậm...

Sau khi khảo sát, lắng nghe ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các bệnh viện đã có nhiều nỗ lực trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh và những vướng mắc về cơ chế; ghi nhận kết quả việc thực hiện Nghị quyết 30/NQ-CP và Nghị định 07/2023/NĐ-CP của các bệnh viện.

Thủ tướng đề nghị, cán bộ, y bác sỹ các bệnh viện tiếp tục phát huy truyền thống của đơn vị và của ngành, "thầy thuốc như mẹ hiền", "sâu y lý, giỏi y thuật, sáng y đức", tiếp tục cống hiến, thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân, sứ mệnh làm an sinh xã hội và xây dựng thể chế, nếu trong quá trình làm việc phát hiện vướng mắc tiếp tục đề xuất giải pháp để tháo gỡ. Đặc biệt, cán bộ làm công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế phải nêu cao trách nhiệm, tránh hai khuynh hướng: sợ trách nhiệm hoặc tiêu cực.

Chú thích ảnh

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi người thân các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Các bệnh viện phải lên kế hoạch, chủ động chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân. "Tình hình sắp tới, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhất là những ngày qua, dịch COVID-19 đang có xu hướng gia tăng trở lại. Do đó, Bệnh viện phải giữ thế chủ động, linh hoạt xử lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Khi bình thường, phải chuẩn bị cho lúc không bình thường; lúc không bình thường, chuẩn bị cho lúc bình thường; không chuyển đổi trạng thái đột ngột”, Thủ tướng căn dặn cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Các bệnh viện nghiên cứu, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển lâu dài; huy động tối đa các nguồn lực, nhất là hợp tác công tư để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; xây dựng bệnh viện xanh, sạch, văn minh, hiện đại. Quy hoạch phải dài hạn, song đầu tư phân kỳ, đầu tư đến đâu dứt điểm đến đó. Trước mắt là tổ chức quản trị bệnh viện khoa học, hiệu quả; giảm chi phí cho người bệnh.

Lắng nghe ý kiến thực tế từ cơ sở, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu giao cho các cơ sở y tế đủ khả năng xây dựng tại 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước các trung tâm đầu mối về thuốc hiếm để chủ động điều phối khi các cơ sở y tế trong khu vực cần; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức họp, xem xét giao quyền tự chủ cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; hướng dẫn Bệnh viện Nhi Trung ương sử dụng đúng mục đích, hiệu quả Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn hoặc đề xuất Chính phủ ra văn bản phù hợp về việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; hoàn chỉnh cơ chế hợp tác công tư trong đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất khám, chữa bệnh cho nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, vừa làm vừa mở rộng dần, không cầu toàn không nóng vội, song tránh tiêu cực, tham nhũng trong vấn đề này. Bộ Y tế tiếp tục nâng cấp và hướng dẫn việc đấu thầu thuốc trên Cổng thông tin của Bộ.

Chú thích ảnh

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét đưa việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Bảo hiểm Xã hội kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh quy định về Quỹ Bảo hiểm xã hội thanh toán không vượt quá tổng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại cơ sở y tế.

Thăm hỏi, trò chuyện với các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại các khoa, phòng của các bệnh viện, Thủ tướng vui mừng khi các bệnh bày tỏ hài lòng về thái độ, chất lượng phục vụ của bệnh viện; bệnh nhân không phải ra ngoài mua thuốc điều trị.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến sức khỏe của người dân, sau khi xuất hiện tình trạng thiếu thuốc đã có chỉ đạo xử lý kịp thời; khuyên các bệnh nhân yên tâm điều trị nhanh chóng khỏi bệnh.

Đối với ý kiến về nơi ở, sinh hoạt cho người nhà bệnh nhân, Thủ tướng cho rằng, đất nước đang trong quá trình phát triển, cơ sở vật chất của các bệnh viện chưa đáp ứng được yêu cầu như mong muốn, phải khắc phục dần, nhất là ở Bệnh viện Nhi Trung ương, chưa đủ điều kiện tách bệnh nhân với người nhà. Thủ tướng đề nghị Bệnh viện và người nhà phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất để cùng chăm sóc cho bệnh nhân.

Theo báo Tin tức

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục