Việc lựa chọn thời điểm uống thuốc hợp lý là một yếu tố quan trọng giúp thuốc đạt được nồng độ cao trong máu, nâng cao hiệu quả điều trị cũng như giảm đi các tác dụng không mong muốn.

Để chọn được một thời điểm uống thuốc hợp lý phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố. Thứ nhất phải căn cứ vào mục đích dùng thuốc, chẳng hạn như thuốc ngủ thì phải uống vào buổi tối trước khi đi ngủ, thuốc hạ sốt, giảm đau uống khi có sốt hoặc đau. Thứ hai là yếu tố dược lý thời khắc, tức là ảnh hưởng của nhịp sinh học đối với tác dụng của thuốc. Ví dụ, thuốc giảm tiết dịch vị nên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ vì HCl tiết nhiều vào ban đêm. Thứ ba, phải xem xét đến tương tác giữa thuốc với đồ ăn và nước uống để quyết định uống thuốc trong bữa ăn hay xa bữa ăn. Cuối cùng là phải căn cứ vào tương tác giữa các thuốc với nhau để xem có thể dùng thuốc cùng nhau hay phải dùng cách xa.

Mặc dù vậy vẫn có một số nguyên tắc chung trong chọn thời điểm uống thuốc:

Mỗi loại thuốc lại có thời điểm uống khác nhau.

Thuốc nên uống vào bữa ăn

Đó là các loại thuốc kích thích tiêu hóa (như rượu khai vị kích thích bài tiết dịch vị, hay các enzym tiêu hóa pepsin, pancreatin) nên uống trước bữa ăn 10 - 15 phút. Thuốc điều trị đái tháo đường loại ức chế men gluconidase cũng nên uống vào thời điểm này để ngăn chặn việc hấp thu glucose từ bữa ăn.

Những thuốc kích ứng mạnh đường tiêu hóa như doxycyclin, kháng sinh quinolon, muối kali... nên uống vào lúc ăn để giảm kích ứng mà không ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc vì thức ăn không làm giảm hấp thu các thuốc này. Còn với thuốc kích ứng tiêu hóa mạnh nhưng lại bị thức ăn làm giảm hấp thu thì cần phải có những biện pháp khắc phục nhất định. Ví dụ như với trường hợp aspirin, kích ứng niêm mạc tiêu hóa mạnh nhưng sự hấp thu thuốc lại giảm khi ăn no, thì cần phải sử dụng cùng thuốc bao che niêm mạc dạ dày để có thể uống thuốc trước khi ăn; còn nếu muốn uống sau khi ăn thì phải dùng dạng lỏng hoặc dạng sủi bọt (vì dạng bào chế này không bị thức ăn cản trở hấp thu, trong khi aspirin dạng viên nén uống khi ăn bị thức ăn làm giảm sinh khả dụng 50%).

Những thuốc được thức ăn làm tăng hấp thu cũng nên uống cùng bữa ăn. Chẳng hạn như thức ăn giàu chất béo kích thích sự tiết mật nên tạo điều kiện cho việc hấp thu các chất tan nhiều trong mỡ như các vitamin, griseofulvin... Hay các muối khoáng cũng được hấp thu nhiều trong bữa ăn do thức ăn hoạt hóa hệ thống enzym vận chuyển các chất qua thành ruột.

Ngoài ra, các thuốc hấp thu quá nhanh lúc đói dễ gây tác dụng phụ do tăng nồng độ đột ngột trong máu như levodopa, diazepam... nên uống vào lúc no.

Thuốc nên uống xa bữa ăn (30 phút - 1 giờ trước khi ăn, 1 - 2 giờ sau khi ăn).

Thứ nhất là những thuốc bị giảm hấp thu do thức ăn như isoniazid, atenolol, sắt sulfat...

Thứ hai là những thuốc cần giảm thời gian lưu trong dạ dày vì nếu uống lúc đói, thuốc chỉ lưu lại dạ dày từ 10 - 30 phút, nhưng uống vào bữa ăn, thuốc có thể lưu lại dạ dày từ 1 - 4 giờ. Trường hợp này là những thuốc kém bền trong môi trường acid (ampicilin, erythromycin...) hay viên bao tan trong ruột, viên bao kiểm soát giải phóng khi bị lưu giữ lâu ở dạ dày màng bao có thể bị vỡ, gây ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.

Bên cạnh đó, có một số thuốc do cơ chế tác dụng cũng cần uống xa bữa ăn. Như thuốc "bọc" dạ dày sulcrafat nên uống trước bữa ăn 1 giờ để kịp thời tạo màng bảo vệ dạ dày trước khi thức ăn có mặt. Hay antacid phải uống sau ăn 1 giờ để trung hòa acid thừa sau khi đã tiêu hóa, nếu uống trước khi ăn sẽ gây hiện tượng giảm toan trong bữa ăn, cản trở sự tiêu hóa thức ăn.

Thuốc có thể uống vào thời điểm tùy ý: augmentin, digoxin...

Thuốc nên uống vào buổi sáng, ban ngày: Các thuốc corticoid nên uống 1 liều vào buổi sáng khoảng 6 - 8 giờ để duy trì nồng độ thuốc ổn định trong máu, đồng thời khiến cho tác dụng phụ (nếu có) sẽ nhẹ đi rất nhiều. Vì đây là thời điểm nồng độ hydrocortison cao nhất trong ngày, uống thuốc lúc này sẽ không phá vỡ nhịp sinh lý hoạt động của tuyến thượng thận.

Thuốc chống tăng huyết áp nên uống vào buổi sáng vì hiện tượng tăng huyết áp hay xảy ra vào buổi trưa và buổi chiều.

Thuốc kích thích thần kinh trung ương (caffein...), thuốc lợi tiểu nên uống vào ban ngày để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Thuốc nên uống vào buổi tối, trước khi đi ngủ

Các loại thuốc ngủ, thuốc an thần cần uống vào thời điểm này để phát huy tác dụng của chúng.

Thuốc kháng acid, điều trị loét dạ dày nên uống trước khi đi ngủ với nguyên nhân đã nói ở trên.

Thuốc chống hen nên uống vào buổi tối vì từ 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng là thời gian người bệnh mẫn cảm nhất với achetyl cholin và histamin dẫn đến co thắt phế quản. Uống thuốc vào thời điểm đó sẽ giúp đề phòng và giảm nhẹ cơn hen xảy ra.

Như vậy có được sự hợp tác của người bệnh trong việc dùng đúng loại thuốc, đủ liều và dùng thuốc vào thời điểm hợp lý trong ngày theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ là nhân tố vô cùng quan trọng giúp điều trị thành công.

                                                                               Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục