Tuy đã qua cơn nguy kịch nhưng bà P.T.L. (SN 1958, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) vẫn đang được tiếp tục theo dõi điều trị tại BV Cấp cứu Trưng Vương với nguy cơ liệt hoàn toàn nửa người bên trái. Trước đó, ngày 9-5, bà L. đi chợ vừa về đến nhà, huyết áp tăng cao đột ngột và té ngã, phải đưa đi cấp cứu… Nhiều trường hợp tương tự như bà L. đã được các BV liên tục tiếp nhận trong những tuần qua với chẩn đoán đột quỵ, trong đó không ít bệnh nhân được xác định do tác động của thời tiết nắng nóng kéo dài.

 

Một bệnh nhân đột quỵ đang được điều trị tại BV Nhân dân 115. Ảnh: TG.LÂM

Bỗng dưng... xỉu

Nhập BV Cấp cứu Trưng Vương cách nay 4 ngày, bệnh nhân L.T.T. (SN 1950, ngụ Q11) đã rơi vào trạng thái hôn mê, huyết áp tăng lên 190/100 (bình thường là 120/70) và gần như mất khả năng ngôn ngữ, chân tay không cử động được.

Kết quả chụp CT não cho thấy, bệnh nhân T. đã bị xuất huyết não ở bán cầu phải. Theo các bác sĩ, bệnh nhân bị đột quỵ nặng và có nguy cơ tử vong cao nếu không nhập viện kịp thời. Hiện bệnh nhân đã có diễn tiến sức khỏe tốt… Theo người nhà bà T., những ngày trước đó bà hay than mệt, nhất là vào buổi chiều, khi nắng nóng đỉnh điểm. Vào khoảng 13 giờ chiều, do quá oi bức, bà T. đi tắm cho “hạ hỏa” nhưng vừa cho nước từ vòi hoa sen phả lên người đột nhiên gục xuống ngất xỉu…

Theo BS Nguyễn Văn Tiên, Phó trưởng Khoa Nội - Thần kinh BV Cấp cứu Trưng Vương, những tuần qua bệnh viện đã cấp cứu không ít trường hợp như trên, có ngày tiếp nhận lên tới 50 ca. Hầu hết trong số họ đều có những biểu hiện đột quỵ giống nhau và có tiền sử các bệnh về tim mạch, huyết áp, tiểu đường.

Tại BV Nhân dân 115, trong những tuần qua, số ca cấp cứu vì đột quỵ cũng tăng lên đáng kể. BS Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, cho biết mỗi ngày theo dõi điều trị bình quân khoảng 120 bệnh nhân. Thậm chí ngày 17-5 có hơn 140 trường hợp đột quỵ được cấp cứu và theo dõi (cao hơn những tháng trước đây), trong đó nhiều trường hợp bệnh nặng. Điển hình là bệnh nhân L.V.B. (76 tuổi, ngụ tại TPHCM) nhập viện trong tình trạng chóng mặt, liệt nửa người bên phải. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thiếu máu cục bộ do tắc, hẹp tuần hoàn máu lên não. Điều đáng nói, bệnh nhân có tiền sử bệnh cao huyết áp.

“Nếu bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, tim mạch và các bệnh mãn tính khác mà sinh hoạt không điều độ, làm việc quá sức trong thời tiết nắng nóng dễ bị đột quỵ”, BS Liên nói. Trong khi đó, tại BV Thống Nhất, BV Nguyễn Trãi, BV Đại học Y Dược TPHCM, số trường hợp đột quỵ nhập viện cũng được ghi nhận BV tăng hơn thời điểm trước đây. “Không chỉ người lớn tuổi, người bị bệnh mãn tính, mà một số trường hợp người trẻ tuổi cũng bị đột quỵ”, một bác sĩ cấp cứu BV Nguyễn Trãi cho biết.

Những khuyến cáo

Không chỉ những người lớn tuổi có tiền sử mắc các bệnh mãn tính được các bác sĩ khuyến cáo có nguy cơ đột quỵ cao trong thời tiết nắng nóng, mà ngay cả những người trẻ, những người chơi thể thao không điều độ hay làm việc dưới nắng nóng kéo dài cũng có thể bị tai biến mạch máu não.

Theo các bác sĩ, từ 13 giờ đến 16 giờ hàng ngày là thời điểm khắc nghiệt nhất do thời tiết nóng, oi bức, độ ẩm tăng cao, chuyển hóa cơ bản tăng (ra nhiều mồ hôi, tiêu hao nhiều năng lượng...) dẫn đến mạch nhanh, huyết áp tăng. Với những yếu tố này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các bệnh lý về thần kinh như: suy nhược thần kinh, rối loạn tiền đình, đau đầu, căng thẳng, có thể dẫn đến tai biến mạch máu não, xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch máu não...

Bác sĩ Lê Đức Định Miên, BV Nguyễn Tri Phương cho biết, đột quỵ xảy ra do nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Nhóm bệnh nhân nhồi máu não chiếm 80% do nghẽn hoặc hẹp mạch máu não; còn xuất huyết não do bệnh nhân bị tăng huyết áp, mắc các bệnh lý dị dạng mạch máu não, phình mạch máu não… “Với thời tiết nóng bức như hiện nay, những bệnh nhân vốn bị tim mạch, huyết áp nếu làm việc quá sức hoặc làm việc dưới nắng nóng kéo dài dễ bị  tắc nghẽn mạch máu não, gây đột quỵ”, BS Miên nói.

Còn BS Nguyễn Đại Biên, Trưởng khoa Khám BV Nhân dân 115 cho rằng, ăn không ngon miệng, không kịp bổ sung đủ dinh dưỡng, khiến cơ thể suy nhược, giảm sức đề kháng, dẫn đến người lớn tuổi  dễ mắc bệnh tim mạch, huyết áp. Ngoài ra, các yếu tố khác có thể gây đột quỵ như nghiện thuốc lá, ít vận động, béo phì, nghiện rượu, căng thẳng thần kinh... “Nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa cao huyết áp và nguy cơ đột quỵ là rất lớn. Vì vậy, theo dõi và điều trị tăng huyết áp thường xuyên là biện pháp phòng ngừa đột quỵ rất hiệu quả”, BS Biên nói.

Giúp bệnh nhân tránh nguy cơ đột quỵ dẫn đến biến chứng nặng, BS Biên khuyến cáo các dấu hiệu sau cần được cấp cứu ngay như: đột ngột yếu, tê mặt, tay, chân; đột ngột nhìn mờ đi hoặc mất khả năng nhìn; đột ngột khó nói hoặc không hiểu lời nói; đột ngột đau đầu dữ dội mà không biết nguyên nhân; chóng mặt, loạng choạng, té…

 

                                                                                  Theo SGGP

Các tin khác


Gần 700 người tham gia hiến máu tình nguyện tại thành phố Hòa Bình

Ngày 24/4, tại Trung tâm Hội nghị Hoà Bình, Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, thành phố Hòa Bình phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện đợt II năm 2024.

Thành phố Hòa Bình đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

TP Hòa Bình có trên 1.300 cơ sở thực phẩm, trong đó, cơ sở dịch vụ ăn uống cấp thành phố quản lý trên 400 cơ sở, cấp tỉnh quản lý gần 100 cơ sở, còn lại là cấp phường, xã quản lý. Để cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục