Chênh lệch giá thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh nhân không có thẻ BHYT chịu nhiều thiệt thòi.

Chênh lệch giá thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh nhân không có thẻ BHYT chịu nhiều thiệt thòi.

(HBĐT) - “Hiện nay giá thuốc đấu thầu tại các cơ sở KCB có sự chênh lệch. Nhiều nơi cùng loại thuốc, cùng nhà sản xuất nhưng mức giá chệnh lệch lên đến 45%. Điều này đã vô tình làm thất thoát một số tiền không nhỏ của nhân dân. Việc cần làm ngay đó là thực hiện tốt công tác quản lý, cung ứng, sử dụng, thanh toán chi phí thuốc chữa bệnh và vật tư y tế tiêu hao cho  người có thẻ BHYT đảm bảo đạt hiệu quả, công bằng, tiết kiệm…”.

 

Đó là khẳng định của đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo BHYT toàn dân khi nhìn nhận về vấn đề đấu thầu, cung ứng, quản lý giá thuốc trong thời gian vừa qua.

 

Bất cập giá thuốc tại các cơ sở KCB

 

Toàn tỉnh có 15 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa công lập. Các cơ sở KCB BHYT trong tỉnh vẫn thực hiện đấu thầu giá thuốc riêng lẻ theo nhu cầu của từng đơn vị. Ngoài ra có 8 cơ sở y tế cơ quan sử dụng kết quả đấu thầu cung ứng thuốc của các cơ sở KCB khác trên địa bàn. ĐIều này đã tạo ra sự chênh lệch về giá đến khó tin của các cơ sở KCB. Nhiều bệnh viện bán thuốc với giá “trên trời” nhưng người dân vẫn phải nghiến răng chịu đựng.

 

Ông Chu Minh Tộ, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Giá thuốc của các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh mua và thanh toán cho bệnh nhân BHYT là không thống nhất.” Nhìn bảng thống kê giá một số loại thuốc trúng thầu năm 2009 thường được các cơ sở KCB sử dụng do phía BHXH cung cấp, mới thực sự thấy việc đấu thầu, cung ứng và quản lý giá thuốc không chỉ còn là vấn đề bất cập. Ví dụ đơn cử cho tình trạng này là cùng loại thuốc Diamicron 80mg dạng viên nén do Pháp sản xuất, tại TT Nội tiết tỉnh  do Công ty TNHH An Trường cung cấp có giá 2.340 đồng/viên song tại BVĐK Lạc Sơn do CTCP dược Yên Thủy cung cấp có giá 2.950 đồng/viên; BVĐK thành phố do Công ty CPTM Sông Đà cung cấp có giá 3.200 đồng/viên; cá biệt tại BVĐK Mai Châu do Công ty CPDP Hòa Bình cung cấp có giá lên đến 3.400 đồng. Tức là mức chênh lệch lớn nhất lên đến 45%. Không chỉ có vậy, nhiều loại thuốc như: Dopegyt 250mg loại viên nén bao phim; Depersolon 30mg/ml cùng do Hungary sản xuất… cũng có sự chênh lệch giá đáng kinh ngạc lên đến 40- 45%.  Đó là chưa kể đến việc cùng một cơ sở KCB, cùng một loại thuốc song lại có nhiều nhà thầu cung cấp. Hay nhiều loại thuốc tên gọi khác nhau, tác dụng như nhau nhưng giá bán khác nhau rất khó xác định.

 

Bà Nguyễn Thị Kim ở Tổ 12, P. Tân Thịnh, TP Hòa Bình bức xúc: Có phải nằm viện mới thấy nhiều chuyện bất bình. Không kể đâu xa chính là chuyện giá thuốc. Mức giá chênh lệch với thị trường quá lớn. Tôi lại là người dân không tham gia bảo hiểm. Mỗi lần thanh toán tiền viện phí, thuốc men mà xót xa. Giá thuốc chênh lệch thế này thiệt cho dân mình nhiều quá! Không biết đến bao giờ tình trạng này mới chấm dứt. Đây cũng là tâm sự chung của không ít người khi phải nằm điều trị tại một vài bệnh viện trên địa bàn tỉnh hiện nay.

 

Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến của hiện tượng này là do thời gian thực hiện đấu thầu không thống nhất, có đơn vị giữa quý II mới tổ chức đấu thầu cung ứng thuốc. Việc giá thuốc giữa các bệnh viện chênh lệch với nhau và chênh lệch với giá thị trường không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. BHXH tỉnh đơn vị phải đứng ra chi trả cho các cơ sở KCB cũng gặp phải nhiều khó khăn vì hiện trạng này. Ông Chu Minh Tộ cho biết thêm: “Hàng năm BHXH tỉnh chi trả cho các cơ sở KCB nguồn kinh phí khá lớn. Cụ thể, trong năm 2009 là gần 150 tỷ đồng. Hầu hết các năm chi phí KCB trên địa bàn tỉnh đều vượt quỹ BHYT. BHXH tỉnh phải xin hỗ trợ của BHXH Việt Nam.”

 

Tuy nhiên, cho đến nay, BHXH vẫn phải chấp nhận vai trò là kẻ “ngoại đạo” trong việc đấu thầu thuốc của các cơ sở KCB. BHXH không được tham gia thẩm định và giám sát khi tổ chức đấu thầu mà chỉ căn cứ vào kết quả phê duyệt của cấp có thẩm quyền và hóa đơn do cơ sở KCB cung cấp để thanh toán. Giá thanh toán theo kết quả phê duyệt là “bất di bất dịch” dù thời điểm sau đó giá một số loại thuốc trên thị trường có thể thấp hoặc cao hơn giá phê duyệt. Đương nhiên, giá thuốc giảm nhà thầu được lợi, còn khi giá thuốc tăng, nhà thầu lại sẵn sàng không cung cấp thuốc cho cơ sở KCB. Đây là bất cập không mới song cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết giữa cơ sở KCB và nhà thầu.

 

Đấu thầu tập trung” - giải pháp tối ưu trong thời điểm hiện nay

 

Năm 2010, thực hiện Luật BHYT, Sở Y tế phối hợp với BHXH đã triển khai KCB tới 186 xã, phường trên địa bàn. Tuy nhiên, việc cung ứng thuốc, vật tư y tế cho các Trạm y tế tuyến xã, thị trấn như hiện nay chưa đảm bảo được quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Đa số các trạm y tế xã, thị trấn tháng 5/2010 mới được cấp thuốc để tổ chức KCB, trong khi đó thẻ BHYT đăng ký KCB tại tuyến cơ sở có giá trị từ 01/01/2010. Cá biệt có một số BVĐK đến tháng 6 mới có thuốc cấp cho các trạm y tế xã, thị trấn do chậm chễ trong quá trình đấu thầu. Tuy nhiên, giá thuốc cấp lại cao hơn giá bán ra của tủ thuốc quay vòng tại trạm y tế. Thực tế đó đòi hỏi việc xây dựng một cơ chế quản lý giá thuốc và cung ứng thuốc hợp lý, đảm bảo lợi ích của cơ sở KCB, các đơn vị cung ứng thuốc, người bệnh và quỹ BHXH. Việc đấu thầu tập trung được cho là giải pháp tối ưu trong thời điểm hiện nay.

 

Nói về đề xuất này, ông Chu Minh Tộ cho biết: “Hiện chúng tôi đã có đề xuất quy trình tổ chức đấu thầu tập trung trình Trưởng ban chỉ đạo BHYT toàn dân. Trong đó đề xuất việc Sở Y tế, BHXH phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thí điểm thực hiện đấu thầu, cung ứng thuốc tập trung, đối với một số loại thuốc thông dụng, thường xuyên sử dụng cho bệnh nhân BHYT nhất là tại các Trạm y tế xã, thị trấn trên cơ sở các quy định hiện hành về tổ chức đấu thầu, quản lý, cung ứng, sử dụng thuốc BHYT. Các cơ sở KCB căn cứ vào nhu cầu và đặc thù của đơn vị mình lập dự trù một số loại thuốc do Sở Y tế tổ chức đấu thầu tập trung. Đồng thời tự tổ chức đấu thầu mua các loại thuốc, vật tư y tế đặc thù để sử dụng điều trị cho người bệnh. Sở Y tế và BHXH sẽ thống nhất tỷ lệ % kinh phí thực hiện đấu thầu tập trung và tỷ lệ % để lại đơn vị tự cung ứng trình UBND tỉnh sau khi được phê duyệt đề xuất.”

 

Đây là giải pháp có nhiều ưu điểm, khắc phục được những bất cập về sự chênh lệch giá thuốc tại các cơ sở KCB do đấu thầu riêng lẻ. Biện pháp này đảm bảo sự thống nhất về thời gian, chủng loại, giá mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao giữa các cơ sở KCB trên địa bàn. Bên cạnh đó, giúp dễ kiểm soát, quản lý về giá, chủng loại thuốc, giảm thời gian thẩm định danh mục thuốc và phê duyệt kết quả đấu thầu so với việc đấu thầu riêng lẻ. Đồng thời, khống chế được tỷ  lệ thuốc ngoại và thuốc ngoài danh mục, giảm chi phí do không kiểm soát được giá thuốc.

 

Ông Chu Minh Tộ khẳng định: “Nếu được phê duyệt, đấu thầu tập trung sẽ giúp cơ quan BHXH giảm được chi phí vượt quỹ BHYT tiến tới cân bằng thu chi, tiến tới có kết dư để thực hiện hỗ trợ nâng cấp các cơ sở y tế nhất là các cơ sở y tế tuyến xã, thị trấn…”

 

 

                                                                             Hải Yến

 

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục