“Loạn” chỉ định xét nghiệm khiến người dân mất thời gian và tốn kém

“Loạn” chỉ định xét nghiệm khiến người dân mất thời gian và tốn kém

Không chỉ đi khám dịch vụ mới được… chỉ định xét nghiệm, chiếu - chụp chóng mặt, hiện nhiều bệnh viện công đã nâng mức giá dịch vụ lên chẳng thua kém bệnh viện tư. Với danh nghĩa xã hội hóa, hầu hết bệnh viện công tại TPHCM đã tổ chức khám, điều trị dịch vụ nhằm… tăng thu. Tình trạng này gây không ít bức xúc và hệ lụy cho người bệnh.

 

Chụp, chiếu loạn xạ

Chưa hết cơn buồn ngủ sau chuyến xe dài từ Đồng Tháp lên TPHCM, chị Trần Ngọc Th. (54 tuổi) ngồi vạ vật ngoài hành lang Khu Khám và điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện B.D. Sau khi mua sổ khám bệnh hết 35.000 đồng, chị Th. đợi gần 2 tiếng đồng hồ mới được gọi tên vào phòng khám.

Ở đây, 2 bác sĩ trẻ sau khi hỏi qua loa về bệnh tình liền viết nguệch ngoạc vào phiếu yêu cầu xét nghiệm: chụp X-quang bụng, siêu âm. Chờ hết buổi sáng, chị cũng làm xong 2 xét nghiệm. Chưa hết, sau khi cầm kết quả X-quang, siêu âm về phòng khám ban đầu, chị Th. tiếp tục được yêu cầu xét nghiệm nước tiểu, đường huyết…

Cũng tại bệnh viện này, bà Nguyễn Xuân Ng. (70 tuổi, ngụ tại Bình Định) đi khám thận, cũng vạ vật mất 2 ngày mà vẫn chưa xong… xét nghiệm. Phiếu yêu cầu xét nghiệm của bà có vô số chỉ định, từ chụp X-quang, siêu âm, UIV, sinh hóa máu đến điện tâm đồ, thử nước tiểu…

“Chắc phải mất thêm 1 ngày nữa mới xong xét nghiệm. Hai ngày nay, tiêu tốn hết gần 3 triệu đồng mà vẫn chưa tìm ra bệnh, xót quá…”, bà Ng. than thở.

Tại khu khám dịch vụ của Bệnh viện G.Đ, cả trăm người đến khám bệnh chen chúc đợi đến lượt. Anh Hoàng Văn Ch. (ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) bức xúc: “Tuần trước, tôi đi khám diện bảo hiểm y tế được phát bịch thuốc về nhà uống. Nhưng ở đó đông quá phải chờ lâu nên lần này tôi qua khám dịch vụ cho nhanh. Khi đưa hồ sơ xét nghiệm hôm trước ra, bác sĩ bảo phải làm xét nghiệm lại toàn bộ. Thế có khổ không”.

Trường hợp như anh Ch. không phải ít. Cùng một bệnh viện nhưng từ nơi khám BHYT qua khám dịch vụ phải làm lại một bộ hồ sơ, xét nghiệm từ đầu. Chưa hết, có những trường hợp phải làm đi làm lại mấy bộ xét nghiệm vì qua mỗi cơ sở y tế bị yêu cầu xét nghiệm lại từ đầu.

Đã vậy, hễ khám, điều trị dịch vụ thì mỗi bệnh nhân được yêu cầu làm tới không dưới 10 xét nghiệm, trong đó có những xét nghiệm không cần thiết. Chẳng hạn có trường hợp vào khám dịch vụ với biểu hiện đau dạ dày nhưng được yêu cầu đo điện tim, siêu âm phổi, chụp MRI… với chi phí lên đến vài triệu đồng.

Biến tướng các kiểu thu

Hiện giá một số dịch vụ khám, điều trị tại bệnh viện công đã ngang ngửa bệnh viện tư nhân, thậm chí cao hơn. Sau khi khám tại BV NDGĐ, anh Duy Th. (ngụ quận 3) cho biết đã được yêu cầu chụp MRI và hóa đơn thanh toán là 2 triệu đồng. Theo tìm hiểu, đó là giá chụp MRI không có thuốc cản quang, còn nếu có cản quang là 2,5 triệu đồng/lần. Trong khi đó, tại Bệnh viện tư nhân HM, giá chụp MRI cũng dao động từ 2,3 - 2,6 triệu đồng/lần.

Bệnh nhân đối mặt với nhiều loại dịch vụ tại các bệnh viện công. Ảnh: MAI HẢI

Tương tự, tại một số bệnh viện công lập, giá chụp CT scan từ 500.000 đến 1.250.000 đồng/lần, ngang ngửa với giá tại các bệnh viện tư nhân. Các loại xét nghiệm khác, nhất là xét nghiệm kỹ thuật cao như sinh thiết, nội soi, giá dịch vụ tại bệnh viện công đôi khi còn cao hơn bệnh viện tư.

Đặc biệt, giá khám dịch vụ tại các bệnh viện công đã bị biến tướng bất hợp lý. Tại BV NTP, giá khám thông thường cho người bệnh không có BHYT là 30.000 đồng/lần, khám theo yêu cầu là 70.000 đồng/lần, khám theo yêu cầu đích danh bác sĩ là 100.000 đồng/lần.

Tại BV CR nếu không có BHYT thì biểu giá ở đây có 3 mức dịch vụ: 30.000 đồng/lần, 50.000 đồng/lần, 75.000 đồng/lần. Tại BV NDGĐ, tiền khám bệnh thông thường là 20.000 đồng/lần, khám dịch vụ là 80.000 đồng/lần…

Chưa hết, các loại dịch vụ khác trong bệnh viện công cũng được tận dụng hết mức như giường dịch vụ, phẫu thuật, chỉ định bác sĩ điều trị theo yêu cầu... Trong khi đó, vẫn tồn tại tình trạng nhập nhèm giữa công - tư trong bệnh viện công khi các khoản chi phí như điện, nước, vật tư tiêu hao trang thiết bị, cơ sở vật chất đều được tính vào ngân sách…

Sớm chấn chỉnh tình trạng lạm dụng

Từ năm 2007, 36 đơn vị y tế công lập của TPHCM đã triển khai Nghị định 43/2006/NĐ-CP (NĐ 43) về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức, biên chế và tài chính. Sau 3 năm triển khai, bên cạnh những mặt tích cực đạt được thì hệ lụy cũng không ít, đó là nảy sinh tình trạng lạm dụng dịch vụ tràn lan.

Nhiều bệnh viện vốn dĩ có lượng bệnh nhân ổn định coi đây là cơ hội “cởi trói” để tăng thu nhập cho bệnh viện, cải thiện đời sống y - bác sĩ. Từ năm 2008, hầu hết các bệnh viện công tại TPHCM đều đua nhau mở các khoa dịch vụ, khoa khám chữa bệnh ngoài giờ, xã hội hóa mua sắm máy móc…

Bên cạnh được phép huy động nguồn vốn bên ngoài, vốn kích cầu, bệnh viện công còn thu hút đầu tư đóng góp của cán bộ y bác sĩ để làm… dịch vụ. Có nghĩa y bác sĩ trong bệnh viện cũng “bắt tay” làm ăn theo kiểu gọi là “xã hội hóa”. Chẳng hạn y bác sĩ của một bệnh viện góp tiền mua một máy siêu âm, đương nhiên khi bệnh nhân vào bệnh viện thì không siêu âm cũng bắt siêu âm để tăng thu.

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định 43 cho các đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế, ông Nguyễn Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM bày tỏ lo ngại việc mở rộng các hoạt động dịch vụ tại các cơ sở khám chữa bệnh phần nào có tình trạng lạm dụng dịch vụ kỹ thuật chụp chiếu, xét nghiệm nhằm tăng thu.

Đề nghị ngành y tế cần sớm có biện pháp chấn chỉnh tình trạng này.

Ngành y tế TPHCM được đánh giá có nguồn thu nhập tăng thêm rất cao, riêng năm 2009 là 878 tỷ đồng (chiếm 50% trên tổng thu nhập tăng thêm của các đơn vị sự nghiệp công lập toàn TP). Tuy nhiên, nghịch lý là ngân sách đầu tư cho ngành y tế hàng năm (2007-2009) vẫn tăng bình quân 15%.

 

                                                                                          Theo SGGP

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

TP Hòa Bình có trên 1.300 cơ sở thực phẩm, trong đó, cơ sở dịch vụ ăn uống cấp thành phố quản lý trên 400 cơ sở, cấp tỉnh quản lý gần 100 cơ sở, còn lại là cấp phường, xã quản lý. Để cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục