Bác sĩ Đinh Thế Hải, Phó khoa Ngoại - chấn thương (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) kiểm tra vết thương cho bệnh nhân Đinh Công Thái.

Bác sĩ Đinh Thế Hải, Phó khoa Ngoại - chấn thương (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) kiểm tra vết thương cho bệnh nhân Đinh Công Thái.

(HBĐT) - Ngày 8/11, khoa Ngoại - chấn thương (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã tiến hành mổ phá can sửa trục kết hợp xương cho anh Đinh Công Thái, 32 tuổi ở xóm Sim Trong, xã Hợp Đồng (Kim Bôi). Cách đó 2 ngày, anh nhập viện trong tình trạng không đi lại được, đùi phải biến dạng, ngắn chi, chụp X-quang có hình ảnh can lệch 1/3 dưới xương đùi.

 

Anh Thái kể: Cách đây 3 tháng, anh đi lấy củi trên đồi thì bị ngã. Gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Bôi chụp phim, kết luận bị gãy xương. Bệnh viện đã giới thiệu chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị. Vì sợ tốn tiền (thuộc gia đình hộ nghèo), lại thấy mọi người mách có ông lang ở huyện Cao Phong chữa gãy xương giỏi, gia đình đã tìm đến. Thầy đã đắp lên chỗ gẫy loại cao lá, cách khoảng 10 ngày thay một lần. Cứ như vậy, đến 3 tháng, anh vẫn thấy đau, không đi lại được, gia đình muốn đi chụp X-quang để kiểm tra lại thì ông lang nói không cần thiết vì đã sắp khỏi. Không chịu nổi đau đớn dai dẳng, ngày 6/11, gia đình đã đưa anh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới tá hoả tình trạng đã diễn biến khá nặng, nếu không đến sớm hơn có thể để lại nhiều hệ lụy về sau. Tuy nhiên, chi phí chữa bằng thuốc nam cũng đã hết khoảng 6 triệu đồng. Đây là khoản tiền lớn đối với một gia đình nông dân thuộc diện hộ nghèo. Số tiền đó, gia đình cũng phải chạy vạy vay vượn khắp nơi. Đúng là tiền mất, tật vẫn mang!  

 

Trường hợp em Bùi Văn Tuyển, 14 tuổi ở xóm Sáng Trong, xã Đú Sáng (Kim Bôi) cũng là một lời cảnh báo. Em bị ngã xe đạp gãy chân. Được người quen mách, gia đình đã đưa đến thầy lang để chữa trị. Thầy lang đã đắp thuốc bột, cuốn rồi nẹp lại, sau đó cho thuốc về nhà tự thay, hẹn 10 ngày sau quay lại kiểm tra. Song vết thương ngày càng sưng to, chảy dịch vàng, phần thịt bị hoại tử, da cẳng chân khuyết hổng lộ xương, có mùi thối, khi đó em mới được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

 

Bác sĩ Đinh Thế Hải, phó khoa Ngoại-chấn thương (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: khoa đã tiếp nhận nhiều ca tương tự. Không ít trường hợp đầu tiên đã vào bệnh viện điều trị một vài ngày lại nằng nặc xin về để đắp thuốc nam mặc dù đã được các bác sĩ tư vấn, giải thích. Song một thời gian sau, chữa thuốc nam mãi vẫn không khỏi, có bệnh nhân sốt cao do nhiễm trùng phải quay lại bệnh viện điều trị. Những trường hợp đó vẫn xảy ra do nhận thức của người dân chưa đầy đủ. Khi bị gãy xương, đến bệnh viện, bệnh nhân sẽ được bó bột nếu gãy xương kín. Trường hợp bệnh nhân gãy xương hở, rách cơ, da ở phía ngoài, bác sĩ sẽ vệ sinh vùng bị thương, có thể sẽ mổ để sắp sếp lại xương rồi mới bó bột. Trường hợp gãy các xương lớn, ở vị trí nhiều búi cơ, có khả năng bị co kéo nhiều như đùi, cánh tay phải đóng đinh để cố định thêm bên trong, giúp giữ chắc vị trí xương.

 

Là tỉnh miền núi, nguồn lợi về cây thuốc nam lớn, không thể phủ nhận hiệu quả của những bài thuốc gia truyền mang lại. Việc đắp thuốc tại chỗ có tác dụng làm giảm phù nề, hết ứ đọng khí huyết, từ đó làm giảm đau. Sự lưu thông khí huyết được thuận lợi sẽ làm xương liền nhanh hơn. Nhưng để xương liền được không thể chỉ dựa vào thuốc đắp ngoài, mà điều quan trọng nhất là phần xương gãy phải được điều chỉnh về đúng vị trí và phải được cố định. Nhiều thầy lang không có hoặc có rất ít kiến thức khoa học về giải phẫu cơ thể nên không thể đảm bảo là xương của người bệnh đã trở về đúng vị trí hay chưa. Họ có thể thành công với những trường hợp gãy xương kín, không quá nghiêm trọng. Các loại lá mà họ dùng đắp cho bệnh nhân có tác dụng giảm sưng, đau nên người bệnh cảm thấy bớt khó chịu hơn là bó bột. Do đó, nhiều người nghĩ rằng đắp thuốc lá hiệu quả hơn phương pháp bó bột tại bệnh viện. Cơ chế tự nhiên là khi xương gãy ở mức độ nhẹ có thể tự liền được. Nếu ở mức độ nặng nhất thiết phải đến cơ sở y tế có chuyên môn để được tư vấn, điều trị kịp thời, tránh những di chứng xấu sau này. Nguy hiểm nhất là đắp lá, bó thuốc với các ca gãy xương hở, có độ di lệch lớn, rách cơ, bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng, đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, người dân cần cảnh giác với những lời quảng cáo phóng đại của các thầy lang.

                                                                                                

 

 

                                                                                       Cẩm Lệ

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục